Năm học 2018 - 2019, TP. Hà Nội triển khai Đề án “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020” đã được UBND thành phố phê duyệt đến hết năm 2020.
Đây là chương trình thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm của chính quyền thành phố với sự phát triển thể trạng, trí tuệ của học sinh để cải thiện giống nòi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều ý kiến trái chiều.
Sữa cần thiết cho sự phát triển của trẻ
Chương trình sữa học đường được thực hiện từ rất sớm tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… Khi ra đời, chương trình rất được hưởng ứng bởi những lợi ích của nó như giúp phát triển thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ và tạo thói quen sử dụng sữa hàng ngày cho trẻ em.
Còn tại Việt Nam, bà Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, kết quả tổng điều tra về vi chất dinh dưỡng năm 2014-2015 do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện, đã chỉ ra tỷ lệ thiếu máu của trẻ dưới 5 tuổi ở thành phố là 20-22%; thiếu vitamin A là 7-8%, thiếu kẽm là 50% với trẻ thành phố, 70% với trẻ nông thôn và 80% với trẻ miền núi.
Căn cứ vào kết quả này, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm và Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
“Sữa là một trong 8 nhóm thực phẩm được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo có trong bữa ăn hàng ngày. Với trẻ em, sữa đặc biệt quan trọng vì cung cấp canxi và là nguồn dinh dưỡng dễ hấp thu... Việc bổ sung vi chất trong sữa để học sinh uống mỗi ngày và hấp thụ từ từ sẽ tốt hơn uống viên tổng hợp” bà Nhung cho biết.
Theo bà Nhung, trẻ 3-5 tuổi Việt Nam cần 4 đơn vị sữa/ngày (một đơn vị sữa tương đương 100mg canxi) gồm: một miếng phô mai, một hộp sữa chua và 200ml sữa dạng lỏng (sữa tươi hoặc sữa bột). Trẻ 6-7 tuổi sử dụng 4-5 đơn vị sữa; trẻ 8-9 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa; 9-11 tuổi là 6 đơn vị sữa. Với nhu cầu canxi 1.000mg/ngày của học sinh tiểu học, việc cho trẻ uống thêm một ly sữa mỗi ngày là hợp lý nhất.
“Trẻ được uống sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn ăn bánh quy, bánh giò... vì các thực phẩm kia chỉ có năng lượng, chất béo chứ không có canxi. Trong khi đó, trẻ em rất cần canxi động vật để hỗ trợ phát triển xương, sữa hạt phù hợp hơn với người lớn. Để cải thiện chiều cao người Việt cần quá trình lâu dài, trong đó việc bổ sung vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng. Các nước đều có nghị định tăng cường vi chất vào thực phẩm để cải thiện tình trạng thiếu vi chất cho người dân”, bà Nhung khẳng định ý nghĩa của chương trình sữa học đường.
Phụ huynh cần thông tin về sản phẩm
Từ đầu tháng 9, sau Lễ khai giảng năm học mới, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội, các trường mầm non và tiểu học trên toàn thành phố đã tiến hành phát phiếu đăng ký tham gia vào Chương trình Sữa học đường.
Cô Ngô Thị Minh Phú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ B (quận Long Biên), cho biết: Nhà trường đã tiến hành phổ biến nội dung của Đề án “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2018-2020” đến từng giáo viên và trưởng ban phụ huynh các lớp, qua đó giáo viên chủ nhiệm và trưởng ban phụ huynh của các lớp phổ biến, tuyên truyền đến từng phụ huynh học sinh. Do đây là chương trình tự nguyện nên nhà trường chúng tôi chỉ vận động và tuyên truyền cho phụ huynh nhận thấy sự cần thiết của việc tham gia vào Chương trình sữa học đường để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc cho học sinh.
Sau khi phát phiếu đăng ký, nhà trường nhận được sự đồng thuận rất cao từ phía phụ huynh học sinh, với hơn 1.500 học sinh đang theo học tại trường thì có gần 1.200 phụ huynh đăng ký cho con em mình tham gia chương trình sữa học đường này. Số học sinh còn lại không tham gia vì không ăn trưa tại trường.
Chị Ngô Thị Trúc Mai, có con là Nguyễn Quế Phương đang học lớp 1A1 Trường Tiểu học Ái Mộ, cho biết: Gia đình có nhận được phiếu đăng ký uống “Sữa học đường” và được nghe cô giáo chủ nhiệm lớp phổ biến, tôi thấy đây là chương trình rất có ý nghĩa. Hàng ngày con chúng tôi vẫn được gia đình mua sữa cho uống nhưng cũng không hiểu hết về công dụng cũng như nguồn gốc xuất xứ của các loại sữa này. Nếu chương trình mà có sự đảm bảo của các cơ quan chức năng về nguồn gốc, chất lượng sữa thì phụ huynh chúng tôi yên tâm quá.
Cùng chung với ý kiến của chị Mai, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân cũng có con đang học tại Trường Tiểu học Ái Mộ B cho biết thêm: Nếu “Sữa học đường” có bổ sung những chất canxi cần thiết cho lứa tuổi mầm non và tiểu học, không có đường hoặc có ít đường mà không gây ra hiện tượng béo phì, thừa cân của trẻ thì rất tốt cho sự phát triển của các cháu. Gia đình đã đăng ký tham gia để bảo đảm cung cấp đủ canxi cho lứa tuổi đang phát triển của cháu.
Tuy nhiên, có một số phụ huynh đang phân vân vì những thông tin liên quan đến nhà cung cấp sữa hiện nay chưa cụ thể, rõ ràng. Chị Nguyễn Thị Vân có con đang theo học tại Trường Tiểu học GT cho biết: Tôi cũng có nghe đến Chương trình sữa học đường đang được triển khai, gia đình tôi cũng đã đăng ký cho cháu tham gia, nhưng phải nói thật là thông tin về nhà cung cấp, tên sữa, nguồn gốc xuất xứ của sữa này như thế nào đến nay chúng tôi vẫn chưa được nhà trường thông báo cụ thể.
Còn chị Khánh Hoa, có con đang học tiểu học thì băn khoăn về chương trình sữa học đường vì mỗi đứa trẻ thích một loại sữa riêng, cho nên chương trình này có thể sẽ không phù hợp với mọi đứa trẻ nếu áp dụng một loại sữa chung nhất.
Nhà trường lo lắng
Mặc dù được phổ biến đầy đủ thông tin nhưng toàn bộ phụ huynh học sinh của Cơ sở mầm non Tổ Nhỏ (quận Hoàng Mai) vẫn không tham gia Chương trình sữa học đường. Chị Khúc Thị Thúy Ngọc, chủ cơ sở mầm non này cho biết: Phản hồi của phụ huynh không tham gia chương trình vì không muốn thay đổi loại sữa các con đang sử dụng. Từ trước đến nay, Cơ sở mầm non Tổ Nhỏ cho trẻ sử dụng sữa hạt ngũ cốc, gồm thành phần gạo lứt, hạt sen, hạt điều, hạnh nhân, bí đỏ.
Chị Ngọc kiến nghị, cần để các trường linh hoạt trong việc lựa chọn loại sữa cho trẻ vì giáo viên là người biết rõ thể trạng, tâm lý trẻ phù hợp, yêu thích loại sữa nào, không nhất thiết sử dụng một loại sữa của một đơn vị nhất định.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) Chu Thị Thu Hương cho biết: Đã có 70% số phụ huynh của trường tự nguyện đăng ký cho con em mình tham gia Chương trình sữa học đường. Tuy nhiên, khi chương trình triển khai, nhà trường sẽ gặp khó khăn trong quá trình bảo quản sữa và khó kiểm soát chất lượng sữa nếu nhìn bằng mắt thường.
Cùng lo lắng này, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Long Biên chia sẻ: Việc bảo quản mấy nghìn hộp sữa không hề đơn giản đối với khả năng của nhà trường. Nhà trường sẽ vất vả hơn vì phát sinh nhiều công việc, như: nhận, bảo quản, cấp phát sữa hằng ngày cho các lớp, xử lý, thu gom vỏ hộp, vệ sinh trường học...
Nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, vấn đề vận chuyển và bảo quản sữa của Chương trình sữa học đường cần được quan tâm. Hiện, diện tích các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố còn hạn chế, việc bố trí phòng, nhiệt độ bảo quản và kệ để sữa theo đúng tiêu chuẩn sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, chương trình cần chú trọng khâu kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai, có thể mời hội phụ huynh tham gia giám sát. Các ban, ngành liên quan cần nghiêm túc kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu lựa chọn đơn vị cung cấp sữa đến khâu vận chuyển để bảo đảm trẻ được uống sữa chất lượng và an toàn. Các trường cần tiến hành theo dõi các chỉ số phát triển về thể lực, chiều cao của trẻ để thấy được sự hiệu quả của chương trình...
Cần công khai, minh bạch triển khai đề án “Sữa học đường”
Trước dư luận còn băn khoăn về chất lượng sữa; tính minh bạch của việc đấu thầu và nhất là nếu chỉ một đơn vị lớn cung cấp sữa liệu có đảm bảo cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN), Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng: “Việc thực hiện chắc chắn phải theo Luật Đấu thầu, nếu xé nhỏ gói thầu để nhiều DN được tham gia cung cấp sữa sẽ khó khả thi. Chúng ta không thể đáp ứng theo nhu cầu nhỏ của từng người, mà phải mang tính vĩ mô. Trước kia, một số trường đã lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm từ các hãng sữa nhỏ. Thực tế ở một số tỉnh, thành phố đã xảy ra ngộ độc sữa, chất lượng không đảm bảo. Những hãng sữa lớn mới đảm bảo sản xuất được sản lượng, theo đó là thương hiệu có từ rất lâu, nếu xảy ra vấn đề về chất lượng thì DN sẽ lập tức bị dư luận lên án, đương nhiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Ông Cương cũng khẳng định, việc đăng ký cho con uống sữa là hoàn toàn tự nguyện, nhưng khuyến khích đông đảo phụ huynh tham gia, nên các trường phải phát phiếu để nắm được nhu cầu, báo cáo về Phòng GD&ĐT, căn cứ vào đó mới tổ chức đấu thầu. Tất nhiên, trước khi thực hiện một nhiệm vụ có ảnh hưởng lớn trong xã hội, không tránh khỏi ý kiến nhiều chiều.
Khi dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, theo ông Cương, Sở GD&ĐT Hà Nội được giao triển khai Đề án cần đẩy mạnh phối hợp với UBND các quận, huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT tăng tuyên truyền hơn để người dân hiểu rõ ý nghĩa chương trình.
“Đặc biệt, Sở cần công khai, minh bạch, rõ ràng trong đấu thầu - yếu tố hàng đầu để tránh hiểu lầm trong xã hội. Quan trọng là tạo được lòng tin cho phụ huynh học sinh về chất lượng sữa. Muốn vậy, hãng sữa được chọn phải đảm bảo đủ năng lực, chất lượng, uy tín; Sở GD&ĐT cùng Sở Tài chính đặt “đầu bài” với nhiều điều kiện cụ thể để DN thỏa mãn được”, ông Cương nhấn mạnh.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.