Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 4 năm 2020 | 22:0

Tạm ứng trước hạn ngạch 100.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 5

Phó Thủ tướng yêu cầu tạm ứng hạn ngạch 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện có gạo tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai hải quan.

gao.jpg

Chiều 20/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về công tác triển khai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn tại; đồng thời bàn thảo giải pháp điều hành xuất khẩu gạo thời gian tới.

Kiểm tra, xác minh việc không thực hiện nghiêm chỉ đạo

Trước đó, ngày 23/3, Thường trực Chính phủ họp đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá trong nước.

Bên cạnh đó giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước khẩn trương mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch được giao để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách.

Sau đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4/2020 là 400.000 tấn và quy định về đăng ký tờ khai hải quan.

Sau khi Quyết định 1106 được ban hành, nhiều ý kiến của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh rằng việc đăng ký tờ khai xuất hiện một số bất cập: Thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai hoặc không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi); cá biệt có trường hợp đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống...

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn bị mắc kẹt một số lượng gạo lớn tại cảng từ thời điểm tạm ngưng xuất khẩu gạo đến nay.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết Bộ Tài chính đã kiến nghị giao cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh, làm rõ các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 107 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Một số doanh nghiệp, nhà thầu trúng thầu mua dự trữ lương thực nhưng từ chối ký hợp đồng với lý do giá lên cao so với thời gian mở thầu, nhà thầu có ý kiến phải điều chỉnh lại giá thì mới ký hợp đồng, các doanh nghiệp từ chối bàn hàng cho dự trữ quốc gia nhưng sẵn sàng xuất khẩu gạo.

 

Tam ung truoc han ngach 100.000 tan gao xuat khau trong thang 5 hinh anh 2
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh báo cáo tình hình xuất khẩu gạo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
 

Bộ Tài chính kiến nghị, cần có chế tài theo quy định của Luật Đấu thầu đối với những trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký kết hợp đồng.

Hiện tại, Cục Dự trữ Nhà nước đã ký hợp đồng mua 7.700 tấn lương thực dự trữ, còn lại 170.300 tấn chưa được ký hợp đồng do nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối thực hiện.

Tổng cục Dự trữ đã có kế hoạch lựa chọn nhà thầu để tổ chức đấu thầu lại đối với 182.300 tấn gạo theo hình thức đầu thầu rộng rãi, thời điểm mở thầu là ngày 12/5, dự kiến thời hạn nhập kho trước ngày 30/6.

Báo cáo về vấn đề cân đối cung cầu và đảm bảo an ninh lương thực, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Đăng Doanh cho biết dự kiến lượng gạo xuất khẩu năm 2020 là 6,5-6,7 triệu tấn (tương đương với 13,5 triệu tấn thóc). Trong đó, riêng vụ Đông Xuân, lượng gạo dự kiến xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn. Nhưng đến hiện tại, do tạm dừng xuất khẩu gạo, nên hết tháng 3 mới xuất khẩu được 1,5 triệu tấn.

Theo Thứ trưởng Lê Đăng Doanh, chỉ tính vụ Đông Xuân năm nay, các tỉnh phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long... đã cơ bản thu hoạch xong với sản lượng 13,5 triệu tấn thóc.

Năm nay là năm hạn mặn kỷ lục nhưng các tỉnh miền Nam và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn được mùa. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu trong nước chỉ xấp xỉ 30 triệu tấn thóc, có thể xuất khẩu khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

Tạm ứng trước hạn ngạch 100.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 5/2020

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đảm bảo an ninh lương thực rất quan trọng, hiện nay tình hình dịch đang diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước.

Cùng với đó, tình hình hạn mặn, dịch bệnh, mất mùa đang diễn ra ở một số nơi ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo an ninh lương thực nếu không có giải pháp để thực hiện có hiệu quả.

Do đó, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng quá trình điều hành xuất khẩu gạo vừa qua có nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Đây là nguyên nhân chính khiến dư luận, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp phản ánh gay gắt.

Theo Phó Thủ tướng, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.

“Sự phối hợp trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương là chưa chặt chẽ, hài hòa. Điều này ảnh hưởng lớn đến nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nỗ lực phòng, chống dịch nhưng vẫn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, việc mua dự trữ gạo không đạt mục tiêu và tiến hành rất chậm," Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Công Thuơng và Bộ Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc phối hợp triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao.

PTT Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước hết, các bộ, ngành khắc phục ngay những bất cập hiện nay. Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra thực tế các doanh nghiệp có gạo đang tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai, phát hiện những doanh nghiệp khai khống hoặc được cấp hạn ngạch nhưng chưa có gạo nhằm điều hoà, không để thiệt hại cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu tạm ứng trước hạn ngạch 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2020 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện có gạo tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai hải quan. Trước mắt, việc xuất khẩu gạo nếp vẫn diễn ra bình thường.

Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá tổng thể cung cầu thị trường trong nước để điều hành xuất khẩu đảm bảo không để xảy ra thiếu hụt.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cho phép việc xuất khẩu không tính hạn ngạch đối với các đơn hàng sản xuất theo yêu cầu của nhà nhập khẩu ở nước ngoài (do đối tác nước ngoài cung cấp giống, công nghệ, vật tư...).

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm mua đủ lượng dự trữ quốc gia. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu lưu ý cơ chế về thủ tục, giá, những cam kết, ràng buộc giữa các bên để đảm bảo mua đủ lượng dự trữ, tránh tình trạng doanh nghiệp không bán cho Nhà nước do giá thấp hơn giá thị trường.

Bộ Tài chính rà soát lại quy trình, thủ tục trong việc mở tờ khai hải quan, đảm bảo công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách.

Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện điều hành hạn ngạch xuất khẩu gạo đảm bảo công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân; đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế.

 

Ngày 20/4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 3112 thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về hoạt động xuất khẩu gạo thời gian qua.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu thanh tra làm rõ việc “có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đồng thời làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hai quan khi xuất khẩu gạo để báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2020.”

Công văn cũng nhấn mạnh việc xuất khẩu gạo diễn ra bình thường theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong thời gian tới.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top