Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 5 năm 2020 | 20:20

Tăng mức xử phạt đối với nạn quảng cáo sai sự thật về TPCN

Tháng hành động vì ATTP năm 2020 bắt đầu từ ngày 15/4-15/5 với chủ đề "Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm" Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử lý 10 sản phẩm TPCN vi phạm.

Nhiều trang web quảng cáo TPCN lừa dối người tiêu dùng
 
Trên các phương tiện thông tin đại chúng hay vào trang mạng đánh từ khóa Thực phẩm chức năng (TPCN) chúng ta có thể tìm thấy hơn 117 triệu kết quả chỉ trong vòng có 48 giây về TPCN.
 
tpcn1.jpg
TPCN đang được quảng cáo sai sự thật

 

Hầu hết những TPCN khi quảng cáo đều mập mờ hoặc công khai sản phẩm này như một loại “Thần dược” có thể chữa trị được các loại bệnh, từ những bệnh thông thường đến những bệnh nan y mà y học bó tay. Lực lực lượng chức năng đã xử lý nhiều đơn vị đăng quảng cáo sai sự thật về TPCN, tuy nhiên những xử lý đó xem ra vẫn chưa đủ sức mạnh, do vậy nạn quảng cáo sai sự thật về TPCN này vẫn diễn ra tràn lan, làm cho người tiêu dùng nhiều khi lầm tưởng là thuốc chữa bệnh, để rồi “tiền thì mất mà tật vẫn mang”.
 
Cụ thể vào cuối năm 2019 Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ra cảnh báo về 4 trang web quảng cáo thực phẩm chức năng Joint Cure không đúng sự thật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
 
4 trang web quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, gồm: https://www.jointcurevietnam.online/, https://hamara.com.vn/joint-cure/, https://suckhoe24h.net.vn/chi-tiet/joint-cure và https://zenco.com.vn/joint-cure/
 
Hay bộ sản phẩm thực phẩm chức năng, còn được gọi là liệu trình Xương khớp ông Bồng gồm: 1 lọ Bồng Cốt Đan, 1 lọ Canxi Ion, 1 rượu xoa bóp và 1 túi bột ngâm chân. Giá bán của bộ sản phẩm này là từ 1,8 - 3,5 triệu đồng cho người tiêu dùng.
 
Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ không tìm thấy trên thị trường vì bộ sản phẩm này chỉ bán trên mạng và qua điện thoại. Lạ lùng hơn, người mua sẽ không bao giờ có thể gọi điện trực tiếp để mua hay đặt sản phẩm mà chỉ để lại tin nhắn trên Facebook hay điện thoại, sau đó người bán sẽ gọi điện lại.
 
Hàng loạt các sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe như Xương khớp MH; Hyra gan; Mầm đậu nành Lady, Kim Liệu Khang, Sắc Xuân Eva vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng đã bị Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế mời lên làm việc.
 
Cục ATTP cũng phát hiện trên trang: https://suabottot.com/san-pham/sua-non-phap-fenioux-colostrum-200-vien-300g/ có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Fenioux Colostrum vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
 
Sản phẩm sữa non Pháp này được Công ty TNHH SMART LIFE (Hai Bà Trưng, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Cục ATTP đã mời Công ty lên làm việc, tuy nhiên đại diện công ty cũng khẳng định họ không thực hiện quảng cáo như vậy và không chịu trách nhiệm về chất lượng.
 
Đây chỉ là một vài vụ trong rất nhiều vụ sản phẩm TPCN được quảng cáo sai sự thật đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt.
 
Quảng cáo lừa dối người tiêu dùng
 
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trong tháng ATTP năm 2020, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện và xử lý vi phạm gần 10 sản phẩm TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng.
 
Những sản phẩm này được quảng cáo trên các trang web, mạng xã hội như "thần dược" điều trị khỏi một số bệnh: Đái tháo đường, tim mạch, xương khớp, thậm chí tiêu diệt được cả virus SARS-CoV-2, tăng sức đề kháng của cơ thể… "Không thể chấp nhận quảng cáo sản phẩm trĩ hay gout như thuốc chữa bệnh, hay quảng cáo sản phẩm sinh lý đưa hết thông tin về người sử dụng lên mạng xã hội. Đây là những quảng cáo vi phạm. Chúng tôi xin nhắc lại với các sản phẩm TPCN nhà nước tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất và người tiêu dùng nhưng luôn luôn lưu ý đây không phải là thuốc và càng không thể thay thế thuốc chữa bệnh, tuyệt đối không được quảng cáo giảm bệnh, chữa bệnh" - ông Phong khẳng định.
 
 
tsphong-1569553749388.jpg
Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế, GS-TS Nguyễn Thành Phong xử lý quảng cáo TPCN sai sự thật.
Cục ATTP, thời gian qua, nhất là trong đợt dịch Covid-19, Cục ATTP đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Facebook xử lý các chủ tài khoản bán sản phẩm TPCN quảng cáo sai sự thật. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp. PGS Nguyễn Thanh Phong cho rằng vì lợi nhuận, các đơn vị kinh doanh sẵn sàng lừa dối cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nhiều người do tin vào quảng cáo TPCN, từ chối sử dụng thuốc khiến bệnh ngày một nặng lên, khi tới cơ sở y tế thì việc điều trị trở nên khó khăn, vì đã bỏ qua "thời gian vàng" chữa bệnh.
 
Cục ATTP đã tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP.
 
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu.
 
Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm. Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, quảng cáo thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
 
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng đã quá tin tưởng vào những lời quảng cáo về công dụng của các loại TPCN, để rồi không kiểm tra kỹ lưỡng các nội dung được ghi trên vỏ, nhãn mác, bao bì, thậm chí không tìm hiểu thật kỹ càng thông tin về các sản phẩm là TPCN để có quyết định đúng đắn. Chính vì vậy rất nhiểu người bệnh tưởng lầm là TPCN có công hiệu chữa bệnh như thuốc. Hậu quả là mất tiền nhưng bệnh không thuyên giảm, thậm chí còn nặng hơn.
 
Chế tài xử phạt cần tăng nặng
 
Căn cứ vào Nghị định 158/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực, văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có nêu: Việc tiến hành quảng cáo thực phẩm chức năng có thể bị phạt vi phạm hành chính trong một số trường hợp sau:
 
tpcn.jpg
Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và tăng chế tài xử phạt đối với việc quảng cáo TPCN sai sự thật

 

Mức phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình.
 
Mức phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi, quảng cáo thiếu một trong các nội dung: tác dụng chính và tác dụng phụ; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;
 
Mức phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm;
 
Tuy nhiên, mức phạt vi phạm hành chính này xem ra vẫn còn quá nhẹ so với hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc quảng cáo TPCN sai sự thật, nên chăng các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng chế tài phạt nặng hơn nữa đối với hành vi quảng cáo sai sự thật về TPCN.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top