Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 5 năm 2022 | 10:45

Tạo đà cho chăn nuôi phát triển bền vững trở thành ngành sản xuất hàng hóa

Để phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh, các địa phương đã có nhiều giải pháp tạo đà cho ngành chăn nuôi phát triển cả về số lượng và chất lượng.

1_97.jpg
Mô hình chăn nuôi gà đẻ đang mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình chị Đinh Thị Minh, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương.

 

Vĩnh Phúc: Để phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm chủ lực

Nhờ có những giải pháp cụ thể, cùng chính sách hỗ trợ kịp thời, những năm gần đây, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn có những tồn tại cần được tháo gỡ để phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh.

Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về phát triển chăn nuôi. Vì vậy, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn giúp nông dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất; quy hoạch, hỗ trợ phát triển các khu chăn nuôi tập trung.

Đồng thời, ban hành nhiều chính sách về phát triển chăn nuôi và được cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án như: Chương trình hỗ trợ phát triển giống vật nuôi, xử lý môi trường; hỗ trợ mua máy nghiền, máy thái cỏ; xây dựng mô hình chuỗi sản phẩm chăn nuôi sạch; hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm…

Nhờ những giải pháp cụ thể, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Năm 2021, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng hơn 7% so với năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp chiếm hơn 56%.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn như: Chăn nuôi bò sữa tại các xã thuộc huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo; chăn nuôi lợn tại các xã thuộc huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm tại các xã thuộc huyện Tam Dương, Tam Đảo.

Đến nay, hầu hết các trang trại quy mô lớn đều áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hiện nay, 100% số hộ nuôi bò sữa đã sử dụng máy thái cỏ, trên 90% số hộ sử dụng máy vắt sữa để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa bò. Vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường được quan tâm.

Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tổ chức thực hiện và giám sát chặt chẽ, với tỷ lệ tiêm các loại vắc xin phòng bệnh hằng năm đạt trên 80%, đảm bảo miễn dịch quần thể; nhận thức của người chăn nuôi được thay đổi từ việc phòng bệnh thụ động chuyển sang phòng bệnh chủ động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu quy mô hộ gia đình, nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Số lượng các vùng chăn nuôi sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn ít; chăn nuôi vẫn còn phát triển theo phong trào dẫn đến một số thời điểm xảy ra tình trạng cung vượt quá cấu, dư thừa sản phẩm, giá bán thấp.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức, chưa hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm sạch và an toàn. Hoạt động xúc tiến thương mại, chế biến sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực này còn yếu; chưa có cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực chăn nuôi, nhất là lĩnh vực sản xuất thức ăn, chế biến sản phẩm.

Đến nay, tỉnh chưa có chính sách riêng cho phát triển chăn nuôi, một số chính sách đã có chủ yếu là lồng ghép, thiếu đồng bộ cả về hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng...

Để phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, quy mô lớn.

Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm; quản lý chặt chẽ công tác kiểm soát giết mổ; xây dựng các vùng sản xuất sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh. Đồng thời, xây dựng chương trình đặc thù của địa phương để hỗ trợ phát triển chăn nuôi

Hà Nội: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi và phòng dịch hiệu quả

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành chăn nuôi Hà Nội phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhưng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, thời tiết diễn biến bất thường... Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn đã trao đổi về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi tại Hà Nội.

Theo Chi Cục trưởng Nguyễn Ngọc Sơn, nhìn chung, trong các tháng đầu năm 2022, chăn nuôi phát triển ổn định, hiện toàn thành phố có 7.528 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ, bao gồm: 110 trang trại lớn, 1.609 trang trại vừa, 5.809 trang trại nhỏ. Về số lượng và chất lượng, đàn trâu 27,5 nghìn con, tăng 5,4% so với cùng kỳ; đàn bò 130,5 nghìn con, tăng 0,1%; đàn lợn 1,37 triệu con, tăng 0,9%; đàn gia cầm là 39,9 triệu con, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước tính 1.871 tấn, tăng 6,2%; bò hơi 10.608 tấn, tăng 0,4%; lợn hơi 228,3 nghìn tấn, tăng 11,1%; gia cầm hơi 164,6 nghìn tấn, tăng 5,9%; sản lượng trứng gia cầm 2.564 triệu quả, tăng 7,4%; sản lượng sữa bò tươi đạt 38,7 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

 

mo-hinh-chan-nuoi-gia-cam-t.jpg
Mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung tại xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai). Ảnh: Quỳnh Trang

 

Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nên kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.

Hiện nay, chăn nuôi Hà Nội đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục biến động, tăng 20-40% tùy loại nguyên liệu, dẫn đến giá thức ăn hỗn hợp tăng cao. Giá xăng dầu trên toàn cầu tăng mạnh, trực tiếp ảnh hưởng đến việc lưu thông vận chuyển tất cả mặt hàng liên quan đến chăn nuôi như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tăng chi phí đầu vào biến động khó lường. Ngoài ra, chăn nuôi thâm canh mật độ cao sẽ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm…

Mặc dù chăn nuôi lớn song Hà Nội hiện có nhiều trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng tự phát, trong sản xuất các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết còn chưa nhiều, lượng sản xuất và quy mô còn nhỏ.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các địa phương tập trung phát triển theo hướng sản xuất giống, thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện quản lý giống vật nuôi theo Luật Chăn nuôi, tổ chức kiểm tra, đánh giá, tiếp tục nâng cao chất lượng giống; tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo quy trình bảo đảm vệ sinh môi trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi tuần hoàn theo chuỗi khép kín, chăn nuôi hữu cơ, thực hành chăn nuôi tốt; tăng cường giám sát quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ làm việc với các huyện chuẩn bị trở thành quận (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì) để rà soát hạn chế chăn nuôi; khảo sát công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, công nghệ chuồng trại, đánh giá phù hợp quy mô chăn nuôi trang trại, khoảng cách chăn nuôi; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh thông qua việc giám sát dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục...); tổ chức tốt việc tổng tẩy uế môi trường để ngăn chặn, hạn chế mầm bệnh, nhất là đối với các bệnh mới, chủng mới (cúm A/H5N8, A/H5N9...). Sở sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức xây dựng các vùng an toàn dịch, cơ sở an toàn dịch, tập trung tại xã, vùng trọng điểm, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại… Mặt khác, Hà Nội đẩy mạnh đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Thanh Hóa: Chủ động chăm sóc đàn vật nuôi mùa nắng nóng

Theo dự báo, năm nay thời tiết sẽ có nhiều diễn biến bất thường, mức nhiệt cao sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển và làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Trước tình hình đó, các địa phương cần chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống nắng, nóng để bảo vệ cho đàn vật nuôi.

 

245d6200923t77203l0.jpg
Chị Lê Thị Trâm, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) dự trữ nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò.

 

Tuy chưa bước vào thời điểm nắng nóng kéo dài, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi bò, gia đình chị Lê Thị Trâm, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) đã chủ động thực hiện các giải pháp chống nắng nóng cho đàn gia súc. Theo chị Trâm, đặc tính sinh lý của bò là chịu nắng, nóng kém, do vậy khi thời tiết nắng nóng trâu, bò sẽ phát sinh nhiều bệnh, hiệu quả chăn nuôi thấp. Vì vậy, tôi đã chủ động tăng lượng thức ăn xanh, chất đạm và bổ sung vitamin C, khoáng chất trong khẩu phần ăn; cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát; cung cấp thêm nước uống, không làm ẩm ướt nền chuồng và tắm 1 - 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể vật nuôi.

Trong mùa hè, thực hiện phun mưa làm giảm nhiệt độ nóng trong chuồng nuôi và làm mát cho cơ thể bò. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như, vệ sinh tiêu độc chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia súc để tăng cường khả năng miễn dịch; phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi,... là những tác nhân truyền và gây bệnh. Đồng thời, theo dõi, phát hiện sớm con nuôi bị bệnh để cách ly, điều trị xử lý kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng.

Là một trong những hộ chăn nuôi gà có số lượng đàn lớn, với khoảng 10 nghìn con/lứa, ngay khi thời tiết chuyển mùa, anh Lý Văn Giang, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) đã chủ động giảm mật độ nuôi và thực hiện dọn vệ sinh chuồng trại. Bên cạnh đó, thay đổi thời gian thả vườn của đàn gà để hạn chế tiếp xúc với nắng nóng; chủ động bổ sung vitamin C và các chất điện giải vào chế độ dinh dưỡng giúp đàn gà giải nhiệt và tăng sức đề kháng. Nhất là, thường xuyên cải tạo đệm lót sinh học từ trấu giúp phân giải phân gà, khử mùi, giữ vệ sinh chuồng, tạo môi trường sạch, thông thoáng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, thời tiết nắng, nóng kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng và là điều kiện thuận lợi để nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh, lây lan như: tiêu chảy, lở mồm long móng, tai xanh, cảm nóng, tụ huyết trùng trên trâu, bò... Vì vậy, các địa phương cần thực hiện tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không thả rông đàn gia súc vào thời gian nắng nóng trong ngày; thường xuyên tắm mát để giảm nhiệt độ cho cơ thể và phòng, chống các bệnh ngoài da; nhốt tại chuồng hoặc tại khu vực có cây xanh, bóng mát. Bảo đảm chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi; phủ lá, rơm, trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp; hướng dẫn người chăn nuôi phun nước lên mái hoặc phun sương trong chuồng nuôi.

Đối với những trang trại có quy mô lớn, khuyến cáo giảm mật độ chăn nuôi, giãn thời gian các lứa nuôi. Đối với chuồng kín, phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi, đầu tư máy phát điện tránh trường hợp mất điện, cải tạo chuồng nuôi thông thoáng hoặc sử dụng quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng. Tăng cường dự trữ thức ăn thô xanh; tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cho uống B complex, vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa...

Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; phun thuốc sát trùng theo định kỳ để chống ve, mòng, ruồi,... là những tác nhân truyền nhiễm và gây bệnh cho vật nuôi trong mùa hè. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm ốm hoặc bị bệnh để cách ly, điều trị và xử lý kịp thời, nhất là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm. Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy định.

 

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top