Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 1 năm 2016 | 7:30

Tạo điều kiện cho các dự án đã giải phóng mặt bằng trên 80%

Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản.

Theo HoREA, với những doanh nghiệp sau khi đã giải phóng mặt bằng trên 80% diện tích đất dự án, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án, vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 1.409 dự án, trong đó có đến 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư hoặc hết hạn văn bản chủ trương đầu tư. Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai lại có đến 405 dự án chưa khởi công, trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công (nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án chiếm 41,2% tổng số dự án, và đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản).

Theo HoREA, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án đã bồi thường trên 80%

Nhiều dự án bất động sản không thể triển khai được do vướng đền bù giải tỏa, nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% diện tích đất dự án, nhưng phần còn lại doanh nghiệp không thể tự thỏa thuận đền bù được. Có dự án được Nhà nước chỉ định chủ đầu tư nhưng cũng vì vướng khâu giải phóng mặt bằng nên không triển khai được. Ví dụ: Liên doanh Công ty Sumitomo Realty & Development và Công ty Hongkong Land được chỉ định chủ đầu tư dự án 164 Đồng Khởi, quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) nhưng đã xin trả lại dự án vì không được xác định rõ thời điểm hoàn thành giải phóng mặt bằng và tổng chi phí tạo lập quỹ đất dự án này.

Theo kiến nghị của HoREA, những trường hợp này rất cần được Nhà nước hỗ trợ để doanh nghiệp sớm triển khai dự án, vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội.

Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND TP. Hồ Chí Minh có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư trong trường hợp đã bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án được từ 80% diện tích trở lên để sớm đưa dự án vào thực hiện, tránh lãng phí thời gian và chi phí đầu tư. Hiệp hội đề nghị đối với dự án đã bồi thường, giải phóng mặt bằng liền thửa thì cho phép nhà đầu tư được điều chỉnh quy hoạch để thực hiện trong phạm vi đất đã được bồi thường. Đối với dự án đã giải phóng mặt bằng dạng “da beo”, HoREA đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng với mức giá đền bù không thấp hơn mức giá cao nhất mà nhà đầu tư đã đền bù trong dự án; hoặc có cơ chế để người có đất tham gia góp vốn cùng nhà đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh dự án đó; hoặc có cơ chế để các bên có liên quan đưa ra tòa án để được xem xét, giải quyết một cách công bằng.

Loan Nguyễn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top