Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 6 năm 2020 | 13:30

Tập đoàn Hoàng Huy đã làm và lấy đi những gì của Hải Phòng?

Hoàng Huy thực chất đến nay đã làm được gì và lấy đi cái gì của TP. Hải Phòng cũng cần rộng đường dư luận khi tập đoàn này thực hiện dự án chuyển giao BT ở đây.

Trước hết phải khẳng định, nếu một chủ trương, chính sách, quyết định phát triển kinh tế - xã hội... mà gây hại cho đất nước thì Nhà nước không bao giờ sinh ra nó và để nó tồn tại. Đối với hợp đồng dự án xây dựng - chuyển giao BT (đổi đất lấy công trình) cũng vậy.

Để thay đổi, phát triển đồng bộ, trả lại tên cho đô thị vang bóng một thời phía Bắc vốn đang bị “ngủ quên” hàng thập kỷ nay, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã chủ trương ra sức huy động ngân sách, các nguồn lực xã hội, trong đó có áp dụng thực hiện dự án BT, có giá trị đầu tư dự kiến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tập đoàn Hoàng Huy sau đó đã xuất hiện cùng một số doanh nghiệp khác, rồi tập đoàn này là doanh nghiệp cuối cùng không bỏ dự án nhiều rủi ro này, trúng thầu ở 3 dự án BT của TP. Hải Phòng.

Toà chung cư vừa khánh thành trên mặt đường Lạch Tray.
Toà chung cư vừa khánh thành trên mặt đường Lạch Tray.

Trúng thầu ở 3 dự án BT: Khu nhà ở xã hội; chung cư U1, U2, U3 Lê Lợi; chung cư HH1 - HH2, HH - HH4 Đồng Quốc Bình, có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 3.700 tỷ đồng, Tập đoàn Hoàng Huy phải tự bỏ trước số tiền trên ra xây dựng công trình hàng vài năm trời, trong khi chờ TP. Hải Phòng trả bằng đất để thực hiện dự án đầu tư. Điều đó không khó cho thấy năng lực, rủi ro... mà Tập đoàn Hoàng Huy sẽ gặp phải khi thực hiện dự án BT.

Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, các chung cư U1, U2, U3 và toà chung cư HH4 đã khánh thành, đón trên 700 hộ dân về khu ở mới, thoát khỏi cảnh đánh cược tính mạng với chung cư dập nát, “tử thần” cũ.

Để đảm bảo công bằng, tạo không khí phấn khởi, đích thân Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã có mặt tại buổi bốc thăm lấy số nhà của các hộ dân. Nhiều người dân đã không cầm được nước mắt trong khoảnh khắc lịch sử này mà họ đã ngóng chờ bao năm.

Các toà chung cư cũ của các hộ dân vốn nằm trong đường nhỏ, nhưng các toà chung cư mới này lãnh đạo TP. Hải Phòng đã bố trí, dành cho dân ra mặt đường Lạch Tray mà có thể nói là “đại lộ” bậc nhất, đất “vàng, đắc địa” của thành phố này. Hai toà chung cư đẹp, đáp ứng yêu cầu cần thiết, sừng sững, hiên ngang như người Hải Phòng, thách thức thời gian, khiến ai đi qua cũng phải ngước nhìn.

Các toà chung cư và phần chưa hoàn thiện còn lại, Tập đoàn Hoàng Huy cũng đang chạy đua cùng thời gian để sớm đón người dân về ở. Người dân phố Cảng trong dự án đang ngóng chờ điều này. Người dân ở những khu chung cư xập xệ, cũ nát khác trên địa bàn thành phố chưa có dự án đang mong chờ từng ngày được thành phố quan tâm, có nhà đầu tư có tầm.

Đổi lại sự đầu tư, những rủi ro, góp phần thay mặt bộ mặt đô thị của TP. Hải Phòng, cứu người dân khỏi chung cư “tử thần” ra chung cư xứng tầm, khiến người dân hân hoan... Tập đoàn Hoàng Huy đã được gì từ TP. Hải Phòng?

Đó là khu đất tại Nhà máy đóng tàu Sông Cấm xập xệ, toạ lạc trên khu đất “ổ chuột” của thành phố Cảng, với giá đất tuyến 1 theo khung giá nhà nước chỉ khoảng 4,7 triệu đồng. Tập đoàn Hoàng Huy ngoài phải mua lại khu đất và tài sản trên đất này của Nhà máy đóng tàu Sông Cấm, rồi TP. Hải Phòng tính tiền sử dụng đất gần 200 tỷ cho khu đất này.

Khu đất nhà máy đóng tàu sông Cấm được trả.
Khu đất nhà máy đóng tàu sông Cấm được trả cho Hoàng Huy.

Khu đất thứ 2 đến thời điểm này TP. Hải Phòng đã thanh toán cho Tập đoàn Hoàng Huy là khu đất khoảng 3ha tại phường Kênh Dương, quận Lê Chân, tính tiền sử dụng đất hàng trăm tỷ đồng. Khu đất này không nằm trong trung tâm TP. Hải Phòng. Một số dự án bất động sản trước đó ở đây bị bỏ hoang tới vài năm bởi thị trường kém sôi động.

Cả 2 khu đất Nhà máy đóng tàu Sông Cấm và phường Kênh Dương, TP. Hải Phòng đều tính tiền sử dụng đất có giá tương đương với các dự án cùng khu, không có chuyện chênh nhau 1 trời 1 vực. Hiện Tập đoàn Hoàng Huy đã “đổ” cả “núi tiền” xây dựng đô thị mới đẹp lung linh, góp phần thay đổi diện mạo đô thị chung của TP. Hải Phòng.

Các khu đất còn lại TP. Hải Phòng theo dự kiến trả cho các dự án trên, Tập đoàn Hoàng Huy hiện vẫn đang “dài cổ” chờ. Và không phải tất cả khu đất dự kiến TP. Hải Phòng sẽ trả hết cho Tập đoàn Hoàng Huy, vì nó còn phụ thuộc vào giá trị các khu đất TP. Hải Phòng sẽ định đoạt và tổng giá trị hợp đồng BT.

Trở lại với những thông tin tiêu cực về dự án BT này, TP. Hải Phòng cũng cần quan tâm nhìn nhận, đánh giá thêm nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với các dự án liên quan đến đất đai, chẳng phải chỉ với Tập đoàn Hoàng Huy, những tập đoàn như Vingroup, Sungroup, FLC..., chuyên về bất động sản, du lịch..., đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, kích cầu thị trường... cả nước về các lĩnh vực trên, cũng từng bị tai tiếng liên quan đến “đất vàng, đắc địa”. Nhưng đến nay, so sánh những giá trị thực tế xã hội mà các tập đoàn này mang lại cho đất nước với những doanh nghiệp cùng lĩnh vực, lập dự án ma, để chết yểu, có dấu hiệu lợi dụng chính sách ... thì có thể ví “đất vàng, đắc địa” giao cho  Vingroup, Sungroup, FLC, Hoàng Huy... như thể “bảo kiếm trao tay anh hùng”. “Bảo kiếm trao tay anh hùng” có thể giúp được dân, được nước, nhưng nếu giao cho tiều phu thì cũng chỉ dùng để chặt củi.

 

 

Hải Phong
Ý kiến bạn đọc
Top