Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 8 năm 2016 | 10:54

Tập trung thực hiện các giải pháp gỡ khó cho ngành nông nghiệp

KTNT - Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế quan trọng của nước nhà. Tuy nhiên, những khó khăn trong thời gian gần đây đang trở thành những vấn đề lớn đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tìm ra giải pháp căn cơ để giải quyết.

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường về những giải pháp để lấy lại đà tăng trưởng cho ngành nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Với cương vị là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong những năm gần đây?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có tính chiến lược hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của nước ta. Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân. Từ sau đổi mới đến nay, với nhiều cơ chế, chính sách đột phá và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và khá toàn diện.

Nông nghiệp tăng trưởng liên tục, bình quân đạt 3,75%/năm trong thời kỳ 1986-2009 và đạt 3,13%/năm trong thời kỳ 2011-2015. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên khoảng 68% năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, với tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm từ 2011 đến 2015 đạt 140,9 tỷ USD; bình quân tăng 9,7%/năm. So với năm 2010, kim ngạch đã tăng từ 19,5 tỷ USD lên 30,45 tỷ USD năm 2015, tăng 55,95 %.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lâm nghiệp và ngư nghiệp nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng đất đai trung du, miền núi, ven biển. Trình độ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản từng bước được nâng cao theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác, quản trị tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng nông sản, thủy sản.

Tuy vậy, có thể nhận thấy nông nghiệp tăng trưởng chưa bền vững, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất hàng hóa nông sản còn thấp. Tăng trưởng có chiều hướng giảm dần trong các năm gần đây, năm 2015 tăng trưởng GDP ngành chỉ đạt 2,41%, thấp nhất trong 5 năm qua; 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng giảm 0,18%. Năng suất lao động thấp, riêng năm 2015 là 31,1 triệu đồng/lao động, bằng 39,2% năng suất lao động chung của nền kinh tế, với 79,3 triệu đồng/lao động.

Cùng với đó là thu nhập của người dân nông thôn vẫn còn thấp, chỉ đạt 24,6 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước là 45,7 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo ở vùng nông thôn 9,3%, cao hơn mức bình quân chung cả nước với 4,5%. Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp còn yếu và lạc hậu, nhất là hạ tầng sản xuất thuỷ sản, lâm nghiệp, dịch vụ vận chuyển kho bãi và mạng lưới phân phối. Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí ngày càng tăng, nhất là các vùng ven đô thị và khu công nghiệp.

PV: Trong 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên ngành nông nghiệp không có tăng trưởng trong toàn ngành. Xin Bộ trưởng cho biết, những tháng cuối năm 2016 ngành sẽ thực hiện những giải pháp gì để lấy lại đà tăng trưởng cho ngành nông nghiệp?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Từ cuối năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, thiên tai khốc liệt xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Đó là rét đậm, rét hại xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc và đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ước tính, giá trị thiệt hại 6 tháng đầu năm 2016 lên đến gần 17 nghìn tỷ đồng. Những khó khăn từ nội tại của ngành nông nghiệp và giá hàng hóa nông lâm thủy sản trên thị trường thế giới xuống thấp đã dẫn đến giảm tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2016.

Để thúc đẩy sản xuất, khôi phục đà tăng trưởng, từ nay đến cuối năm 2016, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh sản xuất, nhất là những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, có thể tăng diện tích tôm nước lợ lên 690.000 ha, để đạt sản lượng 680.000 tấn; cụ thể tăng thêm 50.000 tấn tôm, tương đương với 1 triệu tấn lúa.

Về chăn nuôi, tăng sản lượng thịt lợn khi thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu đang có cơ hội tốt; thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp để bù lại cho thiệt hại ngành trồng trọt trong 6 tháng đầu năm. Trong lĩnh vực trồng trọt, cần chỉ đạo sát sao, cụ thể để phát triển sản xuất, khắc phục tăng trưởng âm thời gian qua, nhất là trên những đối tượng cây trồng chủ lực là: lúa, cà phê, hồ tiêu, rau quả. Đồng thời, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

PV: Như Bộ trưởng đã đề cập, những tháng đầu năm 2016, tác động mạnh mẽ của thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt hạn hán và xâm nhập mặn. Xin Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh này, ngành nông nghiệp có những giải pháp gì để thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Diễn biến của thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn đã cho thấy biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo và gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn nước ta. Để chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, chúng ta cần tổ chức lại nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Khẩn trương rà soát quy hoạch, phát huy lợi thế so sánh của các vùng trong cả nước.

Như với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch diện tích sản xuất lúa gạo, phát huy lợi thế về nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ là phát triển các cây công nghiệp dài ngày như: cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái… theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ nâng cao giá trị gia tăng. Vùng Nam Trung Bộ là phát triển nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ, phát triển nông nghiệp tưới tiết kiệm nước vùng khô hạn, phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển. Vùng Đồng bằng sông Hồng, ngoài các sản phẩm hiện có, khuyến khích mở rộng sản xuất rau quả, chăn nuôi. Vùng miền núi phía Bắc, phát triển lâm nghiệp, trồng cây gỗ lớn, dược liệu, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù có giá trị kinh tế cao theo từng vùng sinh thái đặc thù.

PV: Thưa Bộ trưởng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đi được chặng đường được 3 năm (2013-2016). Tuy nhiên, những kết quả đạt được trên thực tế vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt. Khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản vẫn còn thấp, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn chưa nhiều… Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp ngành sẽ thực hiện để tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả hơn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Sau 3 năm thực hiện Đề án về tái cơ cấu nông nghiệp ban hành tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo. Trong giai đoạn 2016 -2020, Bộ sẽ triển khai đồng bộ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như 6 đề án tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực đã được Bộ phê duyệt và phối hợp với các địa phương để thực hiện đề án tái cơ cấu do các địa phương ban hành. Song hành với đó, Bộ sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát huy lợi thế so sánh của các vùng trong cả nước, tập trung vào hai khâu then chốt là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị.

Trọng tâm là thu hút phát triển doanh nghiệp nông nghiệp làm trung tâm của liên kết theo chuỗi giá trị, củng cố, phát triển Hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã 2012 đã ban hành. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, nhất là giống và công nghệ sinh học vào sản xuất. Ngoài ra, phải quan tâm đặc biệt đến thị trường tiêu thụ nông sản cả trong và ngoài nước.

PV: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề “nóng” của ngành nông nghiệp thời gian qua. Xin Bộ trưởng cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này, đặc biệt trong việc đẩy lùi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giám sát an toàn thực phẩm nông sản, thanh tra vật tư nông nghiệp,... ngành sẽ triển khai những giải pháp gì trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày của người dân. Thực phẩm không an toàn không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà lâu dài còn ảnh hưởng đến nòi giống và uy tín các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu có thế mạnh của Việt nam. Do vậy an toàn thực phẩm (ATTP) đã và đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm.

Trong hai năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã xác định ATTP là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành, đặc biệt đã phát động năm 2016 là Năm cao điểm hành động ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tập trung nguồn lực, phối hợp các bộ ngành liên quan giải quyết căn cơ một số vấn đề ATTP nổi cộm, gây bất an cho người dân như: sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất công nghiệp, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Đến nay đã đạt được một số kết quả quan trọng ban đầu, ngăn chặn tương đối hiệu quả việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong nông sản, thủy sản.

Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm ATTP được phát hiện còn ở mức cao, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp cần phải triển khai quyết liệt một số giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực sự rõ nét, bền vững về ATTP trong nông nghiệp.

Các giải pháp trước mắt, Bộ xác định tập trung nguồn lực thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ giao cho ngành nông nghiệp theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 13/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý nhà nước về ATTP. Tích cực phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ trong tuyên truyền, vận động và giám sát ATTP. Phối hợp chặt chẽ với báo chí Trung ương và địa phương tăng cường thông tin, truyền thông ATTP. Bộ cũng xác định cùng với việc công khai các cơ sở vi phạm, sản phẩm không đảm bảo ATTP, cần tăng cường truyền thông, quảng bá đến người dân các nông sản thực phẩm an toàn, các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

Về các giải pháp dài hạn, Bộ sẽ tiến hành rà soát, đề xuất điều chỉnh thể chế và thiết chế quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng đơn giản hóa các quy định, thủ tục, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi quản lý, đảm bảo ATTP.

Bộ cũng sẽ tích cực rà soát, tích hợp các chính sách hiện có để đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về các chính sách khuyến khích phát triển chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn; đặc biệt là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kênh phân phối nông sản thực phẩm an toàn, liên kết với hộ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hình thành chuỗi cung ứng nông sản an toàn gắn với chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu.

Đồng thời tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp, thanh tra vật tư nông nghiệp, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; đào tạo nhân lực, phân cấp rõ ràng và ưu tiên bố trí nguồn lực cho các cấp, đặc biệt là cấp xã trong thực thi các nhiệm vụ quản lý, đảm bảo chất lượng, ATTP trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tại cơ sở. Tăng cường thông tin, truyền thông tạo niềm tin đối với nông sản Việt chất lượng, an toàn tại thị trường trong nước cùng với đẩy mạnh đàm phán tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Bùi Thủy/Dangcongsan.vn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top