Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 10 năm 2020 | 11:53

Tây Bắc được mùa lúa

Thời tiết năm nay thuận lợi nên hầu hết các tỉnh Tây Bắc đều được mùa lúa.

Hòa Bình: Vụ mùa, hè thu trúng đậm

Thời tiết thuận lợi, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự chủ động của ngành NN&PTNT trong chỉ đạo sản xuất vụ mùa, hè thu, nông dân các huyện, thành phố sử dụng các giống ngắn ngày, năng suất tốt, áp dụng biện pháp kỹ thuật chăm sóc… đã làm nên một vụ sản xuất thắng lợi. Năng suất lúa và cây rau màu đều tăng so với cùng kỳ năm 2019.

 

lua-hb.jpg

Nông dân xóm Chanh, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) phấn khởi vì lúa vụ mùa năm nay đạt năng suất, chất lượng tốt. Ảnh: Báo Hòa Bình.

 

Theo báo cáo nhanh của các huyện, thành phố, đến thời điểm này, các loại cây trồng vụ mùa, hè thu cho năng suất, sản lượng tốt. Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh cấy hơn 21.700 ha lúa. Mặc dù đầu vụ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, làm kéo dài thời gian gieo cấy khoảng 300 ha tại huyện Yên Thủy, Lạc Sơn, Mai Châu.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của ngành NN&PTNT, cùng sự chủ động của nông dân trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại, nhất là chú trọng đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nên năng suất, sản lượng lúa tại các địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm 2019. Thống kê của Sở NN&PTNT, đến ngày 7/10, tổng diện tích lúa đã gặt toàn tỉnh chiếm khoảng 70% tổng diện tích gieo cấy. Các địa phương có diện tích lúa đã gặt nhiều nhất là: Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn…

Không chỉ tại những vựa lúa lớn của tỉnh như Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Thủy đạt năng suất cao trong vụ mùa năm nay, mà ở các xã vùng cao, nông dân đều hân hoan, phấn khởi trên cánh đồng vàng. Hiện, nông dân xóm Chàm, xã Tân Pheo (Đà Bắc) đã hoàn thành việc thu hoạch lúa mùa. Theo chia sẻ của người dân, vụ mùa năm nay, Chi cục TT&BVTV triển khai mô hình canh tác giống lúa chất lượng VNR 20 và Sumo trên nền phân bón Sông Gianh tại xóm Chàm. Qua triển khai mô hình, các hộ tham gia thấy 2 giống lúa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, có khả năng chống chịu khá đối với sâu bệnh. Năng suất lúa đạt từ 60 - 65 tạ/ha.

Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi Cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết: Bước vào sản xuất vụ mùa năm nay, Sở NN&PTNT  đã chỉ đạo các địa phương điều chỉnh cơ cấu các trà lúa, tập trung gieo cấy trà sớm và chính vụ. Thời gian gieo cấy từ 20/6 đến hết tháng 7 cơ bản hoàn thành. Nhờ vậy, lúa đảm bảo khung thời vụ, quá trình sinh trưởng, phát triển tốt. Ngành nông nghiệp đã chủ động dự báo tình hình sâu bệnh hại, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất, giúp nông dân phòng trừ hiệu quả, hạn chế thấp nhất mức độ tác động của sâu bệnh. Cùng với đó, nhiều giống lúa chất lượng được đưa vào sản xuất như BC15, Đài thơm 8, Thiên ưu 8, VNR20… gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, đã làm nên vụ mùa đạt năng suất kỷ lục trong 5 năm gần đây. Năng suất lúa đạt khoảng 54 - 54,5 tạ/ha.

Về sản xuất các loại cây màu vụ hè thu, toàn tỉnh trồng khoảng 11.400 ha ngô, 4.500 ha rau đậu, 7.500 ha khoai, sắn… Nhờ triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, nông dân đã kiểm soát được rủi ro, đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Năng suất cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Với phương châm "xanh nhà còn hơn già đồng”, để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của điều kiện thời tiết đối với sản xuất lúa vụ mùa, cây rau vụ hè thu và đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2020, Sở NN&PTNT tỉnh có Văn bản số 1892/SNN-TT&BVTV gửi UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo thu hoạch lúa vụ mùa, cây rau màu vụ hè thu và đẩy mạnh sản xuất vụ đông năm 2020. Trong đó nhấn mạnh, cần tăng cường áp dụng các biện pháp cơ giới hóa để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các diện tích lúa, rau đã đạt độ chín để giải phóng đất sớm bố trí cây trồng vụ đông ưa ấm. Đối với diện tích đã thu hoạch, cần tranh thủ làm đất ngay để gieo trồng cây vụ đông ưa ấm; hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật như trồng xen, gối, làm bầu… Đối với diện tích lúa trà muộn, rau màu chưa thu hoạch tiếp tục theo dõi, chăm sóc, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại, để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, đảm bảo năng suất thu hoạch.  

Than Uyên được mùa lúa

Đến thăm cánh đồng Cang Mường - vựa lúa lớn nhất của xã Mường Cang (Than Uyên, Lai Châu) khi người dân đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Cầm trên tay những bông lúa trĩu hạt, vàng óng ả, ông Tòng Văn Nhợi (bản Cang Mường) phấn khởi: “Gia đình cấy hơn 2.000m2 ruộng với giống J02. Tôi thường xuyên thăm đồng, tăng cường bón phân, làm cỏ, do vậy ngăn chặn được các loại sâu bệnh. Vụ này trúng mùa lớn tỷ lệ hạt lép rất thấp. Thời tiết đang nắng ráo nên tôi nhờ họ hàng giúp thu hoạch, đảm bảo lúa được khô”.

 

lua.jpg

Bà con xã Mường Cang (huyện Than Uyên) thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Báo Yên Bái.

 

Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nhiều thửa ruộng lúa chín khoảng 90 -95%, bà con chủ động thu hoạch sớm. Chị Điêu Thị Quý (bản Cang Mường) chia sẻ: “Gia đình tôi cấy trên 2.200m2 lúa. Tuy thời tiết diễn biễn phức tạp, xuất hiện nhiều đợt sâu bệnh gây hại nhưng được cán bộ chuyên môn của huyện, xã xuống hướng dẫn cách chủ động phòng trừ nên năng suất năm nay cao hơn năm trước. Tôi đổi công với dân bản để thu hoạch lúa nhanh nhất”.

Được biết, vụ mùa năm nay, xã Mường Cang gieo cấy 210ha lúa với cơ cấu giống: séng cù, việt lai 20, nếp, J02. Mặc dù thời điểm đầu tháng 8 sâu cuốn lá gây hại ở một số diện tích lúa nhưng xã kịp thời khuyến cáo đến bà con mua thuốc phun phòng trừ hiệu quả. Nhờ đó, năng suất lúa toàn xã đạt 52,7 tạ/ha. Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy 2.709,1ha (gieo sạ 38ha ở xã Mường Than, Phúc Than) với các giống lúa chủ lực như: séng cù, J02, PC6, HN6, nếp 97, nghi hương 2308, nhị ưu 838, đại dương 2…

Huyện bám sát vào khung thời vụ của tỉnh: trà sớm gieo cấy từ tháng 1, trà chính vụ đầu tháng 2 và trà muộn cuối tháng 2. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, vụ này huyện Than Uyên được mùa với năng suất bình quân đạt trên 47,4 tạ/ha, sản lượng khoảng 12.841 tấn. Đến thời điểm này bà con thu hoạch được trên 90% diện tích và phấn đấu trong tháng 10 sẽ hoàn thành trong toàn huyện.

Để có được vụ mùa bội thu, ngay từ khi triển khai kế hoạch gieo cấy, huyện đã xây dựng kế hoạch, đưa ra biện pháp thực hiện; chỉ đạo bà con thu hoạch lúa đến đâu, làm đất sản xuất đến đó. Đồng thời chỉ đạo cơ quan trong khối nông nghiệp phối hợp xã, thị trấn xây dựng kế hoạch sát thực tiễn, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thăng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên cho biết: “Phòng thường xuyên phối hợp cơ quan chuyên môn, xã, thị trấn thực hiện chương trình, dự án và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tổ chức sản xuất theo khung thời vụ. Thực hiện việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, nâng cao chất lượng sản xuất; khuyến cáo bà con tranh thủ trời nắng thu hoạch sớm lúa, tránh tình trạng mưa giông ảnh hưởng năng suất, chất lượng. Dự báo phát hiện sớm sâu bệnh gây hại, thông báo, hướng dẫn bà con phòng, trừ kịp thời không để dịch bùng phát ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa”.

Vụ mùa thắng lợi, khẳng định nông dân Than Uyên đã nâng cao nhận thức trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác lúa, góp phần sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa bền vững.

Tuyên Quang: Vụ lúa mùa bội thu

"Dĩ nông vi bản” - Lấy nghề nông làm gốc, sản xuất nông nghiệp luôn được tỉnh ta đặc biệt coi trọng. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành, nông nghiệp được coi là nền móng cho phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, năng suất lúa của tỉnh đều tăng, năm nay lại có thêm một vụ lúa mùa bội thu.

 

lua-tuyen-quang.jpg

Nông dân xã Tân Long, Yên Sơn thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Quang Lê

 

Bà con nông dân trong tỉnh đang tất bật thu hoạch nhanh gọn lúa mùa, triển khai làm vụ đông để hướng tới mùa lúa xuân đúng khung thời vụ. Vụ mùa năm nay được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá đạt được những kết quả ngoài mong đợi. Diện tích lúa thuần, lúa chất lượng cao nhiều nhất từ trước đến nay và năng suất lúa đạt cao hiếm thấy. Ước tính sơ bộ, năng suất lúa mùa bình quân đạt trên 58 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 146.000 tấn.

Qua kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Hàm Yên có năng suất lúa vụ mùa bình quân ước đạt 62,7 tạ/ha, đứng đầu trong các huyện, thành phố. Tại các xã Bình Xa, Minh Hương, Đức Ninh, Thái Hòa... năng suất lúa còn vượt trội hơn ước đạt 63,5 tạ/ha. Chưa năm nào gia đình ông Triệu Văn Tám, thôn Cây Vải, xã Thái Hòa lại thắng lợi như vụ mùa này, chỉ với gần 4 sào ruộng ông thu trên 1 tấn thóc Thái Bình. Theo ông Tám, ông làm theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, chọn giống phù hợp với đồng đất, thực hiện nghiêm lịch thời vụ và làm tốt khâu chăm sóc, phòng chống sâu bệnh nên lúa mùa của gia đình sinh trưởng tốt, cho năng suất rất cao.

Đang kéo những bao thóc nặng từ đồng về nhà, mồ hôi rịn thấm áo nhưng ông Lý Văn Dũng, thôn Uổm Tưởn, xã Đức Ninh vẫn hào hứng chuyện trò rôm rả về năng suất lúa mùa năm nay. Ông cho biết, mỗi sào cho thu hoạch cỡ 2,7 tạ, đây là vụ lúa bội thu nhất từ trước đến nay. Ông đang làm đất trồng cây vụ đông, coi đây là hoạt động thiết thực của "người quê" hướng về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Bà con nông dân huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn niềm vui được nhân đôi, bởi lúa được mùa, được giá, bõ công một nắng, hai sương. Bà Nguyễn Thị Mún, thôn Ninh Thuận, xã Ninh Lai (Sơn Dương) phấn khởi cho biết, năm nay dù thời tiết bất thuận, song nhờ chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại đúng kỹ thuật nên lúa năm nay tương đối tốt, cứng cây, bông chắc. Với 3,7 sào lúa mùa, bà Mún thu 1 tấn thóc. Theo bà Mún, phơi khô, quạt sạch, thương lái trả giá 90 nghìn/10 kg, cao hơn 15.000 so với vụ mùa năm 2019.

Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Sơn Dương phấn khởi cho biết, năng suất lúa mùa của huyện năm nay ước đạt 59,8 tấn, sản lượng ước đạt trên 37.400 tấn, con số thật ấn tượng. Giá lúa cũng cao kỷ lục, lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đang được các đầu mối thu mua 110 nghìn/10 kg và 90 nghìn/10 kg đối với lúa thuần. Thu nhập của người nông dân đã tăng từ canh tác lúa, bà Tuyến khẳng định.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, năm nay diễn biến thời tiết phức tạp, giá phân bón và vật tư nông nghiệp tăng đã ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh của nhà nông. Dự báo trước được những khó khăn đó, Sở đã phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, chuẩn bị đủ lượng giống, cung cấp đủ nước tưới, đẩy nhanh tiến độ làm đất, áp dụng nghiêm ngặt lịch thời vụ. Cụ thể, đối với trà lúa chính vụ tập trung xuống giống xong trước ngày 10-7, đối với diện tích thường xuyên bị ngập úng, ven sông, ven suối gieo cấy xong trước ngày 20-7. Sở cũng khuyến cáo các địa phương sử dụng cơ cấu giống lúa chủ lực là ngắn ngày, chất lượng cao.

Nhờ có lịch gieo cấy cụ thể đối với từng vùng, 25.121 ha lúa mùa đã được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, đạt 101,2% so với kế hoạch. Trong đó, lúa thuần, lúa chất lượng cao là 15.768 ha, cao nhất trong nhiều năm qua, chủ lực là các giống BC 15, Thiên Ưu 8, TBR 225, Đài Thơm 8, Bắc Thơm số 7... còn lại là lúa lai, với các giống chủ lực là Tạp Giao 1, Nhị Ưu 838, Thái Xuyên 111. Tính đến giữa tháng 10, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 80% diện tích, phần còn lại dự kiến sẽ thu hoạch từ nay đến cuối tháng 10. Vụ mùa năm nay, lần đầu tiên tỉnh thực hiện sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và cũng là năm không ghi nhận diện tích lúa mất trắng.

Từ thắng lợi của vụ mùa năm nay, có thể thấy, nếu nông dân sử dụng các giống lúa tốt, gieo cấy đúng khung thời vụ, thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời thì năng suất, chất lượng sẽ tăng. Đây cũng là tiền đề quan trọng để bà con nông dân tỉnh sẵn sàng bước vào vụ sản xuất mới với kỳ vọng thắng lợi mới.    

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top