Theo báo cáo nhanh ngày 31/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, những ngày vừa qua, thiên tai đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Điện Biên thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng do mưa lũ
Mưa lớn trong hai ngày 30 và 31/8 khiến tỉnh Điện Biên bị thiệt hại nặng nề, ước tính tổng thiệt hại vào khoảng 35 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ hoạt động mạnh trên địa bàn, nên 2 ngày qua tỉnh Điện Biên có mưa rất to, một số nơi có lượng mưa cao như: Khí tượng Điện Biên 152mm, Pha Đin 48mm, Thuỷ văn Bản Yên 83mm, Na Sang 72mm…
Mưa lớn đã làm thiệt hại hơn 50 nhà dân trên các địa bàn thành phố Điện Biên Phủ; các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, trong đó có 10 nhà thiệt hại rất nặng, 4 nhà phải di dời khẩn cấp.
Gần 100ha nông nghiệp, thủy sản và khoảng 150 con gia súc bị cuốn trôi, vùi lấp; 3 điểm trường, 9 công trình thủy lợi cùng nhiều công trình nhà nước khác bị hư hỏng. Giao thông trên các tuyến Quốc lộ 4H, Quốc lộ 6, 279, 12 có khoảng 400 điểm sạt lở, đất đá từ ta luy dương tràn xuống cũng vùi lấp làm hư hỏng nhiều cống, nền đường… Tổng thiệt hại ước tính sơ bộ lên tới 35 tỷ đồng.
Hiện, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đang được chính quyền các địa phương khẩn trương thực hiện. Ông Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: “Đối với các hồ đập hiện nay thì có 3 hồ đều đã bị tràn trên 50cm, còn lại những hồ khác thì vẫn đang nằm trong ngưỡng an toàn. Trong giai đoạn thiệt hại vừa rồi thì hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo các huyện, đặc biệt là các xã tập trung xử lý tại chỗ, huy động các lực lượng hỗ trợ bà con nhân dân trong việc khắc phục những thiệt hại, đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo trường lớp học cho các cháu học sinh vào ngày khai giảng".
Yên Bái, Sơn La thiệt hại nặng
Sau 3 ngày mưa liên tục, đến chiều 31/8, trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc trời đã bắt đầu có nắng trở lại. Các địa phương trong khu vực đang khẩn trương triển khai công tác khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tại tỉnh Sơn La, tổng số nhà bị ảnh hưởng thống kê được là 1.521 nhà, trong đó có 37 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 500 nhà bị ngập, hơn 600 nhà phải di dời khẩn cấp. Tổng diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây lâu năm và ao cá bị cuốn trôi là 960 hecta, 11 điểm trường bị ảnh hưởng.
Về giao thông, tổng số điểm ách tắc trên các quốc lộ và đường tỉnh là 217 vị trí, chủ yếu do sụt ta luy dương, taluy âm và ngập úng. Đến tối nay vẫn còn hàng trăm điểm ách tắc, các phương tiện không thể lưu thông. Các tuyến đường huyện, liên xã bị ách tắc hiện vẫn đang tiếp tục được cập nhật. Toàn tỉnh Sơn La cũng có 45 công trình thủy lợi bị thiệt hại. Hệ thống điện trên địa bàn 25 xã của 8 huyện là Phù Yên, Bắc Yên, Vân Hồ, Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã, Mường La, Yên Châu cũng bị ảnh hưởng, làm 301 trạm biến áp, với hơn 32.000 khách hàng bị mất điện.
Tại Yên Bái, tính đến 18h ngày 31/8, mưa lũ làm 1 người chết ở xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn; 186 ngôi nhà bị thiệt hại, gần 600 hecta lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, nhiều tuyến đường và công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng... Ước tính thiệt hại 22 tỷ đồng.
Lào Cai thiệt hại trên 5 tỷ đồng
Đêm ngày 30, rạng sáng 31/8, tỉnh Lào Cai có mưa đều khắp. Mưa lớn khiến mực nước sông, suối dâng cao, ngập úng hoa màu, cuốn trôi cơ sở hạ tầng, nhà cửa… Tổng giá trị thiệt hại trên 5 tỷ đồng. Rất may không có thiệt hại về người.
Theo thống kê sơ bộ ban đầu, có 11 ngôi nhà ở huyện Sa Pa và Bắc Hà bị ảnh hưởng, trong đó 3 nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ; 3 nhà bị nước lũ cô lập; 5 nhà bị ngập nước. Trong đêm phải di chuyển khẩn cấp 22 nhà bị ngập nhẹ và có nguy cơ ngập đến nơi an toàn.
Về sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa bị thiệt hại, vùi lấp là 9,83 ha; diện tích lúa bị ngập là 115,3 ha; diện tích ngô, rau màu bị ngập, lũ tràn qua là 52,26 ha, hiện chưa xác định được mức độ thiệt hại do nước chưa rút…
Nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng. Trong đó, huyện Văn Bàn 3 công trình thủy lợi thuộc 3 xã Dương Quỳ, Minh Lương, Khánh Yên Thượng bị cuốn trôi, sập gẫy; huyện Sa Pa 2 công trình thủy lợi, đập tràn của xã Thanh Kim bị sạt lở…
Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở. Quốc lộ 279, 4D sạt ta luy dương, âm 36 điểm; hư hỏng nền, mặt đường 32 điểm. Đường tỉnh từ 151 – 159 bị sạt 60 điểm từ ta luy âm, dương chiều dài 55 m, sâu từ 2,5 – 6,5 m; có 5 điểm bị tắc nghẽn giao thông. Ngoài ra, nhiều đường huyện, xã, giao thông nông thôn bị ảnh hưởng cục bộ.
Thiên tai gây nhiều thiệt hại về người và tài sản
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, thiệt hại do mưa lũ tính đến ngày 30/8/2018 như sau: Người chết: 03 người (tăng 02 người so với báo cáo ngày 29/8/2018). Về nhà ở: 371 nhà bị sập đổ, hư hỏng, ngập nước (Điện Biên: 68 nhà; Sơn La: 31 nhà; Thái Nguyên: 01 nhà; Hòa Bình: 17 nhà, Yên Bái: 01 nhà, Thanh Hóa: 225 nhà, Nghệ An: 28 nhà); 54 nhà phải di dời khẩn cấp (Sơn La: 45 nhà; Thái Nguyên: 01 nhà, Điện Biên: 05 nhà; Nghệ An: 03 nhà).
Về nông nghiệp: 1.006 ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại (Điện Biên: 270 ha; Bắc Kạn: 44ha; Sơn La: 104 ha; Hòa Bình: 462 ha, Thanh Hóa: 127ha). Về chăn nuôi: 73 con gia súc, 100 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về thủy sản: 53 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Về thủy lợi: 150m kè và 560m kênh mương bị hư hỏng, thiệt hại. Về giao thông: sạt lở 729.126 m3 đất đá.
Hiện, các tỉnh chỉ đạo các sở, ngành địa phương, chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ đặc biệt là thông tuyến tại các điểm sạt lở ảnh hưởng đến giao thông: Quốc lộ 6 qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã được khắc phục, thông xe bước đầu. Các tuyến Quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Điện Biên về cơ bản đã được thông xe. Quốc lộ 37 qua địa bàn tỉnh Yên Bái hiện đang được xử lý. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được.
Các tỉnh đã cử các đoàn xuống các khu vực bị ảnh hưởng để cập nhật thiệt hại, chỉ đạo các ban ngành tổ chức di dời tài sản, giúp đỡ người dân khắc phục sự cố ổn định cuộc sống cho người dân.
Về tình hình lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, theo báo cáo nhanh của Chi cục Phòng, chống thiên tai Miền Nam, tỉnh An Giang đã di dời 114 hộ, dự kiến lũ ở mức báo động 3 sẽ di dời 1.790 hộ. Các tỉnh khác chưa phải di dời dân, nếu lũ lên báo động 3, riêng tỉnh Đồng Tháp khả năng không ảnh hưởng đến khu vực dân cư; tỉnh Kiên Giang phải di dời khoảng 3.427 hộ dân; tỉnh Long An phải di dời khoảng 8.723 hộ dân. Hiện, lũ chưa ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh, các địa phương đang khẩn trương thống kê, rà soát số lượng các điểm trường, học sinh bị ảnh hưởng nếu nước lũ lên báo động 3. Do lũ thượng nguồn sông Cửu Long về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long đang lên. Mực nước lúc 7h ngày 31/8 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu 3,81m, dưới báo động 2 là 0,19m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc 3,38m, dưới báo động 2 là 0,12m. Dự báo trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến khoảng ngày 12-14/9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3 (Tân Châu: 4,5m, Châu Đốc: 4,0m), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 - báo động 3, có nơi trên báo động 3; đến ngày 05/10/2018, mực nước sẽ lên trên báo động 3 từ 0,1-0,3m (Tân Châu: 4,6-4,8m, Châu Đốc: 4,1-4,3m). Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Về tình hình lũ khẩn cấp trên sông Mã, sông Bưởi, sông Thao; hệ thống sông Thái Bình, sông Đà: Lũ trên sông Thao đang lên nhanh; sông Bưởi, sông Mã, sông Cả đang lên; sông Cầu, sông Thương và lưu lượng đến hồ Hòa Bình (sông Đà) đang biến đổi chậm; sông Lục Nam đang xuống; riêng sông Mã tại Hồi Xuân đạt đỉnh ở mức 66,05m (trên báo động 3 là 2,05m), tương đương lũ lịch sử năm 2007. Mực nước lúc 01h ngày 31/8 trên các sông như sau: sông Lục Nam tại Lục Nam 4,53m (trên báo động 1 là 0,23m); sông Thương tại Phủ Lạng Thương 5,71m (trên báo động 2 là 0,41m); sông Cầu tại Đáp Cầu 4,74m (trên báo động 1 là 0,44m); sông Thao tại Yên Bái 30,69m (dưới báo động 2 là 0,31m), tại Phú Thọ 16,71m (dưới báo động 1 là 0,79m); sông Đà, lưu lượng đến hồ Hòa Bình 10.000m3/s (ở mức báo động 2); trên sông Bưởi tại Kim Tân 11,10m (trên báo động 2 là 0,1m); sông Mã tại Cẩm Thủy 21,00m (trên báo động 3 là 0,5m), tại Lý Nhân 10,50m (dưới báo động 2 là 0,5m), tại Giàng 4,20m (trên báo động 1 là 0,2m); sông Cả tại Dừa 21,09m (trên báo động 1 là 0,59m). Dự báo lũ trên sông Thao tiếp tục lên nhanh; sông Bưởi, sông Mã, sông Cả tiếp tục lên, lưu lượng đến hồ Hòa Bình (trên sông Đà) tiếp tục biến đổi chậm, sông Lục Nam tiếp tục xuống. Lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu sẽ đạt đỉnh ở mức 5,0m (trên báo động 1 là 0,7m), trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương đạt đỉnh ở mức 5,9m (trên báo động 2 là 0,6m) vào ngày 31/8, sau xuống chậm. Đến chiều tối 31/8, mực nước trên các sông như sau: sông Thương tại Phủ Lạng Thương xuống mức 5,3m (ở mức báo động 2); sông Cầu tại Đáp Cầu xuống mức 4,5m (trên báo động 1 là 0,2m); sông Lục Nam tại Lục Nam xuống mức 3,5m (dưới báo động 1 là 0,8m); sông Thao tại Yên Bái lên mức 32,8m (trên báo động 3 là 0,8m), tại Phú Thọ lên mức 18,1m (dưới báo động 2 là 0,1m); sông Đà, lưu lượng đến Hòa Bình xuống mức 7.000m3/s (dưới báo động 1 là 1.000m3/s); sông Bưởi tại Kim Tân lên mức 12,2m (trên báo động 3 là 0,2m); sông Mã tại Lý Nhân lên mức 12,2m (trên báo động 3 là 0,2m), tại Giàng là 5,5m (ở mức báo động 2); sông Cả tại Dừa lên mức 22,8m (trên báo động 2 là 0,3m), tại Nam Đàn lên mức 5,4m (ở mức báo động 1). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt: cấp 2; riêng Thanh Hóa, Yên Bái, Phú Thọ: cấp 3. |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.