Hiện, giá cà phê khu vực Tây Nguyên đã tăng đồng loạt 900.000 đồng/tấn, từ 33,2 - 33,6 triệu đồng/tấn.
Cụ thể, giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng 33,2 triệu đồng/tấn; Gia Lai, Đắk Nông 33,5 triệu đồng/tấn; Đắk Lắk 33,6 triệu đồng/tấn.
Nông dân xã Ea Kao, T.p Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê.
Mặc dù đây chưa phải là giá mong muốn của người trồng cà phê, nhưng sự tăng giá trong thời điểm chính vụ thu hoạch, đang đem đến kỳ vọng về giá tốt trong tương lai, giúp bà con có sự định hình nhất định trong chiến lược sản xuất, kinh doanh hậu mùa thu hoạch 2019.
Đắk Nông: Thu hái cà phê, nông dân “ăn cơm đứng’’
Hiện, các nhà vườn đang vào vụ thu hoạch cà phê. Nhiều vùng năm ngoái gặp mưa trái mùa như: Đắk R’lấp, Gia Nghĩa, Đắk Glong… có hộ đã thu chính, nhưng rất nhọc nhằn.
Đường vào rẫy cà phê mùa thu hoạch, nhộn nhịp khác thường. Xe công nông, xe tải nhỏ, hối hả đưa đón nhân công, và tập kết các vật dụng thu hái.
Anh Nguyễn Văn Kiên, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa), là bộ đội phục viên, sinh sống ở Đắk Nông hơn 20 năm nay. Sau nhiều năm làm thuê, anh đã mua đất trồng được 2 ha cà phê.
Những năm 2007 – 2008, người dân Gia Nghĩa chủ yếu làm vườn tạp, chưa quen thâm canh cà phê, vườn của anh Kiên đã thu hoạch 4 tấn nhân/ha. Vợ chồng anh quanh năm bám rẫy, bám vườn.
Theo anh Kiên, trồng cà phê chủ yếu bằng phân hóa học, không những chi phí tăng cao, mà còn gây hại đất, cây nhanh thoái hóa. Vì vậy, anh ủ phân chuồng, xác bã thực vật…giúp tạo mùn trong đất, bón cho cà phê.
Tuy nhiên: “Trồng cà phê là nghề “ăn cơm đứng”, rất vất vả. Nếu thuê người làm, chi phí tăng, giá cà phê thấp sẽ lỗ. Quanh năm quần quật ngoài vườn, ăn cũng vội vàng, chuyện học hành của con, đều giao hết cho vợ".
Ngoài ra, còn phải tưới cà phê, không như tưới cây ngắn ngày. Phải đầu tư máy móc, ống nước, mất hàng chục triệu đồng. Mỗi năm tưới 3 – 4 lần, mỗi mùa khô đi qua, chạy nước cho vườn cà phê, sút 3 – 4 kg.
Từ chăm sóc cà phê, nuôi quả lớn, đến thu hái, là quá trình tiêu tốn tiền bạc, công sức khá lớn, nếu không tích lũy được, coi như thất bát.
Chỉ nói riêng về khâu hái cà phê, cũng vô cùng tốn kém, trước đây, lao động miền Bắc, Trung, Nam "đổ bộ" vào nhiều, vài năm gần đây thiếu hụt hẳn. Do lao động trẻ khoẻ đã đi kiếm việc ở khu công nghiệp; nhiều chủ vườn cà phê buộc phải hái xanh, hoặc kéo dài thu hoạch để bớt khó khăn.
Thiếu nhân công nhân, các chủ vườn “lép vế ” trước đòi hỏi, yêu sách của nhân công. Họ phải trả giá cao để cạnh tranh như: cộng thêm ăn trưa, giải khát, để kéo nhân công.
Người lao động bị giành giật như một món hang; khi được người tìm việc làm đồng ý, “cò” xe ôm chia nhau chở đến các nhà vườn, họ gọi là “bán” nhân công hái cà phê, và nhận tiền cả hai bên.
Người lao động trả tiền xe ôm vào đến vườn; chủ vườn trả tiền xe ôm từ 600 – 800.000 đồng/người (do xe ôm giới thiệu người vào vườn mình). Nhiều trường hợp, người hái cà phê, thông đồng với xe ôm để "moi" tiền chủ vườn. Đó là, người làm thuê ứng tiền trước, làm được dăm bảy hôm, tìm cách bỏ đi. Ngay sau đó, xe ôm đến chở đi “bán” cho chủ vườn khác...
Công nhật hái cà phê thường dao động 160 - 180 ngàn đồng/ngày/người. Nhận hái khoán, có thể đạt 200 ngàn đồng/ngày. Với những người không thể làm ở khu công nghiệp, đi hái cà phê, cũng có thu nhập khá.
Theo nhà vườn, năm nay, năng suất cà phê khá cao. Tuy đầu vụ, giá chỉ còn trên 30.000 đồng/kg, thấp hơn năm trước (39.000- 40.000 đồng/kg). Nhưng dù ít, nhiều, cũng phải bám vườn mà sống.
Nếu tính từ thời hoàng kim của cà phê năm 1995 đến nay, người trồng đã qua nhiều rất nhiều “bể dâu” do giá cả thất thường. Song, cà phê vẫn khẳng định là một trong các loại cây trồng chủ lực, đem lại cuộc sống ổn định, tạo việc làm, thu nhập khá cho người lao động.
Kon Tum: Phát triển cây sa nhân tím gắn với du lịch
Trước thực trạng giá nông sản bấp bênh, nguồn thu từ cây trồng chủ lực như: cà phê, cao su, tiêu giảm mạnh, người dân xã Hòa Bình (T.p Kon Tum) đã chủ động trồng cây sa nhân tím, có nhiều tại địa bàn, để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Cây sa nhân giúp bà con Hoà Bình có thu nhập khá. Ảnh: BA
Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng, diện tích rừng tự nhiên tại xã Hòa Bình có rất nhiều cây sa nhân tím, một trong những loại cây dược liệu, dùng để làm thuốc.
Tuy nhiên, trước đây, với tư duy “ăn xổi”, người dân trên địa bàn xã chủ yếu tự khai thác, không khoanh vùng chăm sóc. Đỉnh điểm, năm 2016-2017, khi giá sa nhân lên cao (7.000-10.000 đồng/kg), người dân đổ xô vào rừng tận thu cả trái non, không đảm bảo chất lượng.
Vài năm trở lại đây, khi được UBND xã giao đất, mở hướng canh tác, bà con tại thôn 2, đã thay đổi tư duy. Tập trung khoanh vùng, chăm sóc cây sa nhân tím, để vừa phát triển kinh tế, vừa giữ rừng. Từ 7ha ban đầu, đến nay, người dân đã nhân rộng lên gần 50ha.
Bên cạnh việc phát triển cây sa nhân tím, bà con còn tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên như: thác, hồ, dự định sẽ đưa diện tích rừng cộng đồng, trở thành điểm tham quan, du lịch.
Anh Trương Phi Tứ - thôn 2, xã Hòa Bình, cho biết: “Thổ nhưỡng nơi đây rất hợp với cây sa nhân tím. Hơn thế, cây sa nhân tím chỉ cần trồng 1 lần, ít tốn công dọn dẹp thực bì, nhưng cho thu hoạch đều hàng năm.
Nhận thấy tính bền vững, hiệu quả kinh tế cao của loại cây này nên tôi trồng 7ha để tăng thu nhập, đồng thời, có ý định chọn sa nhân làm điểm “nhấn” để phát triển du lịch bền vững”
Đắk Lắk: Trồng xen chuối sáp trong vườn cây ăn quả, lãi cao
Từ chỗ trồng vài bụi phục vụ gia đình, một số hộ dân xã Ia Lốp (huyện Ea Súp), đã nhân rộng mô hình trồng xen chuối sáp, trong vườn cây ăn trái để tăng thu nhập.
Vườn cây ăn trái, trồng xen chuối sáp của anh Dương Văn Chấm
Khoảng 2 năm trước, anh Dương Văn Chấm, mang vài “mồi” chuối sáp từ Bến Tre lên, trồng thử nghiệm tại thôn Giồng Trôm, xã Ia Lốp.
Nhờ chất đất ven suối màu mỡ, cây chuối nhanh chóng bén rễ, cho buồng to, quả đẹp, chất lượng không thua kém chuối sáp ở vùng Tây Nam Bộ.
So với các giống chuối xiêm, chuối lùn trong vườn, anh thấy chuối sáp có thân cao, lá đứng, bụi gọn, ít cạnh tranh ánh sáng với cây trồng khác.
Thân, lá chuối sau khai thác sẽ tự phân hủy, làm tăng độ mùn, giữ ẩm cho đất, nên có lợi cho các loại cây trồng chính trong vườn.
Từ đó, anh Chấm nhân rộng trên 2,5 ha vườn cây ăn trái. Hiện, vườn của anh đã có hơn 200 bụi chuối sáp, trên 1 năm tuổi. Cây chuối “đẻ” rất nhanh, sau 1 năm, cây mẹ cho thu hoạch buồng đầu tiên.
Từ năm hai trở đi, mỗi bụi chuối có thể thu hoạch 6 buồng/năm. Bình quân, mỗi buồng có 10 nải, khoảng 12 kg; giá bán tại vườn 100.000 đồng/buồng.
Gần vườn anh Chấm, anh Dương Văn Rạng (thôn Giồng Trôm) cũng bắt đầu nhân rộng cây chuối sáp, sau khi thất bại cây chuối xiêm.
Anh chia sẻ, ngay sau khi quy hoạch vườn cây ăn trái, anh đã dự tính trồng xen chuối giữa hai hàng cây ăn trái, để lấy ngắn nuôi dài. Phần lớn diện tích, anh trồng chuối xiêm, chỉ trồng thử vài bụi chuối sáp, do sợ không có đầu ra.
Năm đầu tiên, anh trúng đậm chuối xiêm, vào thời điểm chuẩn bị Tết Nguyên đán. Song, từ sau rằm tháng Giêng, chuối xiêm ngày càng rẻ, có khi chẳng ai mua, phải bỏ đi.
Trong khi đó, chuối sáp tiêu thụ đều, giá bán khá ổn định. Buồng chuối sáp cũng nhỏ gọn, dễ thu hoạch, vận chuyển hơn chuối xiêm. Vì vậy, anh phá bỏ chuối xiêm để nhân rộng chuối sáp.
Kỹ thuật canh tác chuối sáp khá đơn giản, nên nhiều người dân Ia Lốp đã chia sẻ cây giống cho nhau, để trồng xen giữa hai hàng cây ăn trái.
Chỉ cần bón lót ít phân lân, phân chuồng, hoặc phân hữu cơ, rồi xuống giống, chuối sáp nhanh chóng bén rễ, "đẻ" chồi. Đồng thời, sẽ hưởng chung nguồn nước tưới, phân bón, với các loại cây trồng chính, nên không tốn công chăm sóc.
Ông Ngô Văn Bé, thôn Giồng Trôm cho biết, ông đã thăm dò ở TP. Buôn Ma Thuột và các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh… được biết, giá chuối sáp bán sỉ, dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Bản thân ông cũng đã trồng khoảng 1.000 bụi, xen diện tích điều và cây ăn trái. Khi lượng chuối sáp nhiều lên, ông sẽ thu gom, và cung ứng cho bạn hàng tại các tỉnh thành.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…