Tây Nguyên là vùng đất có nhiều cây trồng chủ lực mang tính chiến lược như cà phê, cao su, hồ tiêu…, hàng năm mang lại giá trị kinh tế khá cao cho người nông dân và nền kinh tế.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các loại cây này đang “lép vế” vì giá tụt dốc khiến người dân hoang mang. Đâu là giải pháp để duy trì vị trí chủ lực của cà phê, hồ tiêu, cao su?
Giá giảm liên tục
Với thế mạnh của vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày, Tây Nguyên đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, trong đó cà phê có trên 576.800ha, cao su 251.348ha và hồ tiêu hơn 71.000ha… Đây là những loại cây trồng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của cả vùng và trong tổng diện tích các loại cây cùng loại của cả nước. Những sản phẩm chủ lực của quốc gia, đạt giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên phát triển, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đắk Lắk hiện là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất, với trên 202.000ha; trong đó, có 193.238ha cà phê đang cho thu hoạch. Kế đến là Lâm Đồng, có gần 161.000ha, trong đó khoảng gần 150.000ha cà phê kinh doanh… Tuy nhiên, vài năm gần đây, giá cà phê giảm mạnh, nếu như các năm trước khoảng 40.000đồng/kg thì hiện tại chỉ còn 36.000 đồng/kg.
Đặc biệt, phải kể đến hồ tiêu, nếu như cách đây 6 năm, loại cây này được mệnh danh là “ông hoàng” trên mảnh đất Tây Nguyên với giá cao ngất ngưởng, chạm mức 200.000 đồng/kg thì nay đang khiến nhiều nông dân đứng trước tâm lý “thấp thỏm”, lo âu bởi giá giảm từng ngày và chỉ còn giao dịch ở mức 50.000 đồng/kg.
Tiếp đến là cao su, loại cây trước đây được ví như “vàng trắng” của bà con ở Tây Nguyên, sản lượng đạt trên 200.000 tấn mủ /năm. Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum có diện tích, sản lượng mủ cao su nhiều nhất thì giờ đây đang “lép vế” bởi mất vị thế. Nếu như trước đây, giá cao su ở mức 60 triệu đồng/tấn, thì nay rơi tự do xuống còn 33 - 34 triệu đồng/tấn, khiến nhà vườn và doanh nghiệp trồng cao su “dở khóc, dở cười” với loại cây này.
Đâu là nguyên nhân?
Nhìn ở mặt tích cực, các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su khá phù hợp với điều kiện khí hậu vùng Tây Nguyên, giá trị do các loại cây này đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, trong đó nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, các loại cây này đang đối mặt với nhiều thách thức và phát triển thiếu bền vững, khi diện tích tăng quá nhanh, vườn cây được đầu tư thâm canh cao độ gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là, trước đây các loại cây này có giá trị kinh tế cao, bởi được giá nên các hộ dân ồ ạt mở rộng diện tích, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Đáng lưu ý là, cây hồ tiêu ở Tây Nguyên chỉ riêng trong năm 2017, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng đã trồng mới thêm 16.207ha. Việc phát triển hồ tiêu tự phát ngoài tầm kiểm soát như hiện nay ở Tây Nguyên không những dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, làm cho giá hồ tiêu ngày càng giảm mà còn tăng nguy cơ bùng phát sâu bệnh trên cây hồ tiêu, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia thị trường, do các sản phẩm này có giá cao hơn những sản phẩm nông nghiệp khác nên nông dân đổ xô vào trồng cao su, cà phê, hồ tiêu làm cho diện tích các loại cây này tăng mạnh. Xuất phát từ nguồn cung dồi dào nên các các nhà đầu cơ, doanh nghiệp ép giá thu mua để kiếm lời.
Đặc biệt hơn, theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện nay cà phê, hồ tiêu, cao su ở Tây Nguyên là những cây trồng phục vụ xuất khẩu, gắn chặt với cung cầu của thị trường quốc tế nhưng chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô hoặc sản phẩm có chất lượng thấp. Vì thế, giá bán cũng thấp hơn so với các nước khác như Thái Lan, Malaysia và phụ thuộc mạnh vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc.
Tổ chức lại sản xuất
Thực tế thấy, ở Tây Nguyên, không ai phủ nhận lợi ích mà các loại cây chủ lực đã mang lại cho kinh tế vùng, nhất là khi giá loại nông sản này giữ ổn định ở mức cao. Hàng nghìn hộ nông dân đã đổi đời, không chỉ vượt qua đói nghèo, mà còn trở thành triệu phú, tỷ phú từ sản xuất cao su, cà phê, hồ tiêu. Tuy nhiên, hiện nay các cây chủ lực ở Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều thách thức và phát triển thiếu bền vững, ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân.
Theo các chuyên gia nông nghiệp thì các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, hoặc hợp tác xã kiểu mới… với hướng liên kết lại để dễ dàng tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng trên, ngành chức năng của các tỉnh Tây Nguyên cần tiến hành rà soát, quy hoạch cụ thể đối với từng vùng trồng cao su, cà phê, hồ tiêu; phối hợp với ngành khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để đầu tư thâm canh, phát triển bền vững.
Đồng thời, cần khuyến cáo nông dân không nên lặp lại bài học trước đây chặt bỏ cây trồng khi mất giá, trồng loại cây khác đang được thời. Thay vào đó, nên tuyên truyền khuyến khích nông dân tập trung đầu tư trồng cà phê, hồ tiêu sạch nhằm nâng chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Thiết nghĩ, Tây Nguyên cũng cần phải rà soát và xác định sản phẩm mũi nhọn của vùng để xây dựng thương hiệu; cần có chiến lược tái cơ cấu kinh tế chung toàn vùng thay vì tái cơ cấu kinh tế từng tỉnh. Tính liên kết vùng trong xây dựng mô hình tăng trưởng Tây Nguyên chung theo ngành và lĩnh vực là hết sức cần thiết. Đặc biệt, liên kết vùng trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp Tây Nguyên không chỉ để phát triển nền nông nghiệp hiện đại mà còn để gia tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư và giải quyết các vấn đề quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược này.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…