Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 1 năm 2017 | 2:0

Tết nhà giàn

Bất kỳ thời điểm nào, dù là Tết đến Xuân về, những người lính nhà giàn DK1 Vùng 2 Hải quân đóng quân trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc vẫn luôn chắc tay súng, canh thức cho mùa xuân đất nước yên bình, không chỉ là sứ mệnh của người lính thời bình chủ quyền Tổ quốc được bảo vệ, đất nước yên bình đón xuân là món quà các anh dành tặng Tổ quốc và nhân dân.

Chuyển quà Tết xuống tàu mang ra Nhà giàn.

Quà đất liền ấm lòng chiến sĩ

Chưa ở đâu đón Tết sớm như các chiến sĩ nhà giàn DK1. Khi ở đất liền mai vàng còn e ấp nụ và những chuyến tàu chở quà Tết vượt sóng ra khơi cũng là lúc các cán bộ, chiến sĩ rộn ràng đón Tết. Do đóng quân cách xa đất liền hàng trăm ki lô mét nên việc mua sắm hàng, quà Tết bắt đầu từ giữa tháng 12 dương lịch. Khi ấy, chỉ huy các nhà giàn gọi điện về đất liền đăng ký nhu cầu cần mua. Quà Tết được gửi theo chuyến tàu thay trực vào đầu tháng 12 âm lịch. Cũng có nhà giàn khi thay quân thì đem theo hàng, quà Tết. Tết Đinh Dậu này, cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 có đầy đủ lợn thịt, gà trống để cúng giao thừa, miến măng, mộc nhĩ. Những nhà giàn có đơn vị kết nghĩa còn nhận được quà “tinh thần” như đĩa nhạc, bóng bay và các nhu yếu phẩm khác

 Để đưa quà Tết đến tận tay các chiến sĩ nhà giàn, công việc đầu tiên là đóng gói chống ướt cẩn thận. Tất cả thư từ, sách báo, tài liệu, măng, miến, gạo nếp, trà… được đóng trong thùng, bọc bao nylon, loại bao bảo quản chống ướt chuyên dùng của nhà giàn do quân nhu cấp. Để bảo đảm “quà giao đúng chủ”, tổ đóng quà phải rất tỉ mỉ, cẩn thận. Quà của nhà giàn nào được đánh dấu, ghi tên cẩn thận phía ngoài, chuyển xuống tàu và xếp riêng một khoang, để khi ra ngoài biển chuyển lên giàn, tránh bị nhầm lẫn. Mặc dù cẩn thận, tỉ mỉ, nhưng đã có lần, quà Tết, thư từ của nhà giàn này lại chuyển đến nhà giàn kia.

Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết: “Quà Tết ra nhà giàn, việc đầu tiên là các chiến sĩ hỏi có nhiều thư, nhiều báo không. Biết là anh em rất khát thư báo nên chúng tôi rất quan tâm việc này. Trung tuần tháng 12 dương lịch, quà Tết, thư báo cho các nhà giàn đã hoàn tất. Năm nào tháng giáp Tết, biển cũng động dữ dội, nên việc đóng gói phải chu đáo, bảo đảm đúng đủ, không sót, nhà giàn nào cũng có hương vị ngày xuân. Mỗi lần đưa hàng quà Tết ra nhà giàn rất vất vả, nhưng bằng mọi cách, quà Tết phải đến tận tay chiến sĩ”.

- Năm nay các nhà giàn nhận được nhiều quà không anh?

- Ngoài tiêu chuẩn Tết của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 2, các nhà giàn còn nhận được quà của các cơ quan dân chính Đảng, nhân dân trên mọi miền đất nước. Số quà này sẽ tiếp nhận và chuyển xuống tàu trước hai ngày khi tàu rời bến. Mỗi phần là một lời động viên giúp cán bộ chiến sĩ thêm ấm lòng, vững chắc tay súng bảo vệ tiền tiêu Tổ quốc”.

Chúc Tết bằng loa, chuyển quà qua dây

Trước giờ đi nhà canh biển trời Tổ quốc.

Sau khi chuyển hàng, quà Tết xuống tàu, một cuộc chia tay bịn rịn giữa người đi và người ở lại. Lời dặn dò của anh lính trẻ trước lúc đi biển, giọt nước mắt chia xa của cô sinh viên như thay lời muốn nói, những cái bắt tay siết chặt thắm tình quân dân cứ hòa lẫn vào nhau. Tàu hải quân hú 3 hồi còi dài rồi từ từ rời bến. 

Tháng giáp Tết sóng to gió lớn, tàu phải hành trình liên tục 2 ngày 2 đêm mới đến được các nhà giàn. Tất cả hàng quà chuyển lên giàn bằng phương pháp kéo dây. Hàng, quà bọc trong bao nylon chống ướt được cột chặt vào dây mồi thả xuống biển để các chiến sĩ nhà giàn kéo lên. Những chiến sĩ thay trực mặc áo phao nhảy xuống biển, lần theo dây mồi bơi vào giàn, hoặc lên giàn bằng đường “hàng không”. Cũng có khi tàu tiến sát đến nhà giàn, nhưng không sao cặp được. Tàu và nhà giàn chỉ cách nhau 20 mét nhưng không bắt được tay nhau, chỉ biết chia sẻ động viên qua những cái vẫy tay và ánh mắt, gửi nỗi nhớ thương, lời dặn dò vào từng con sóng. Ai cũng ngầm chúc cho nhau một năm mới may mắn có nhiều sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.

Sau khi hàng quà, người đưa lên nhà giàn an toàn, trưởng đoàn chúc Tết lên ca-bin của tàu đọc thư chúc Tết của Bộ tư lệnh Hải quân, thư chúc Tết của Đảng ủy Bộ chỉ huy Vùng 2 qua máy bộ đàm I-com sóng cực ngắn. Trong phút giây xúc động ấy, mắt ai cũng đỏ hoe. Các chiến sĩ dưới tàu hát qua bộ đàm tặng chiến sĩ nhà giàn và chúc các anh yên tâm công tác. Trên nhà giàn, chỉ huy trưởng cùng các chiến sĩ quây quần bên bộ đàm hát tặng đất liền bài “Lính nhà giàn là thế đó”. Những ca từ “Giữa trùng khơi vẫn xanh ngời, giữa biển trời vẫn sống yêu đời, lính nhà giàn là thế đó” nghe thấm vào gan ruột, thể hiện sự quyết tâm kiên cường bám biển. Sau đó, chỉ huy trưởng nhà giàn xin hứa với đoàn chúc Tết và đất liền “vui xuân mới không quên nhiệm vụ, dù phải hy sinh đến tính mạng cũng giữ bằng được cột mốc chủ quyền trên biển”.

Lời thề giữ biển

Sau khi nhận quà Tết, các nhà giàn tổ chức mổ heo, gói bánh chưng đón Tết sớm. Bí thư Chi đoàn thì đảm nhiệm khâu bày trí bàn thờ Tổ quốc, chăng dây xúc xích, chuẩn bị cành mai hái hoa dân chủ đêm giao thừa. Chiến sĩ nào khéo tay thì gói bánh chưng, bánh răng bừa; người gói giò, người làm báo tường treo Tết. Mâm cơm cuối năm giữa “chân trời” Tổ quốc có gà luộc, đĩa giò, cặp bánh chưng, hương hoa. Đêm giao thừa, cán bộ chiến sĩ mặc quân phục chỉnh tề trước bàn thờ Tổ quốc. Chỉ huy trưởng nhà giàn thắp 3 nén hương đọc to dõng dạc: “Hôm nay là đêm 30 Tết, trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và anh linh 10 liệt sĩ đã ngã xuống nơi này, cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 chúng tôi xin thề một lòng trung thành với Đảng, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, vui xuân mới không quên nhiệm vụ, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc cho nhân dân cả nước đón Tết yên bình”.

Sau ly rượu mừng xuân, mọi người quây quần bên nhau thưởng thức hương vị Tết, kể cho nhau nghe những câu chuyện hài về Tết xa nhà. Những bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác, quê hương đất nước cũng được các chiến sĩ trổ tài với bao niềm chung riêng của lính. Sớm mồng một Tết, chỉ huy trưởng và chính trị viên nhà giàn đến từng phòng các chiến sĩ “xông nhà” chúc Tết.

Chiến sĩ Nhà giàn gói bánh chưng đón Tết sớm.

Thượng úy Võ Quang Thường, chàng sĩ quan trẻ (quê ở Hương Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) đang công tác ở nhà  giàn DK1/14-Bãi cạn Tư Chính lần thứ 4 đón Tết  trên biển, chia sẻ: “Ngày xuân ai mà chẳng muốn được ăn Tết bên gia đình. Nhưng với người lính trẻ như chúng tôi được đón Tết ở giữa đại dương bao la cũng là niềm tự hào. Chúng tôi hiểu ở nơi xa xôi này, sẽ có nhiều thiếu thốn, nhưng là người lính thì bất kể nhiệm vụ nào cũng hoàn thành”.

Qua máy điện thoại sóng Viettel, tôi liên lạc được với Trung tá Lê Xuân Nam, Chỉ huy trưởng nhà DK1/17 (Phúc Tần C). Trung tá Nam về nhà giàn DK1 từ tháng 10/1994 và có 22 năm liên tục gắn bó với nhà giàn. Tết Đinh Dậu - 2017 này, thêm một lần nữa Nam đón xuân trên biển. Nỗi niềm người sĩ quan xa vợ con khi xuân về Tết đến có nhiều trăn trở. Nam cho biết, Tết năm ngoái anh cũng đón Tết trên biển nhường suất cho chiến sĩ về bờ. “Vợ con tôi ở phường 11, TP.Vũng Tàu. Tuy công tác trên địa bàn tỉnh nhưng cách xa cả gần ngàn cây số. Vợ chồng năm chỉ gặp nhau chừng 1 tháng khi về đất liền nghỉ phép. Những ngày Tết, nhớ đất liền, vợ con lắm. Bây giờ nhà giàn và đất liền đã gần gũi rất nhiều rồi. Đón Tết ngoài biển cũng có niềm vui riêng, chỉ tiếc là không được đi dưới màn sương phút đầu năm mới. Những ngày giáp Tết, anh em luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, trực canh quan sát mặt biển”. “Anh Nam có muốn nói gì với đất liền không?” - tôi hỏi - “Có chứ. Đất liền cứ yên tâm đón vui xuân. Chúng tôi hứa sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc trong mọi tình huống”, Trung tá Nam nói.

Xuân Đinh Dậu đã về trên khắp nẻo đường góc phố làng quê. Cùng với niềm vui của nhân dân cả nước, các chiến sĩ nhà giàn DK1 nơi xa cũng có đầy đủ hương vị mùa xuân. Ở nơi trùng khơi tít tắp ấy, trong mỗi trái tim của chiến sĩ nhà giàn luôn hướng về đất mẹ, để mỗi dịp xuân về Tết đến càng thấy yêu Tổ quốc mình hơn.

Minh Quang

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, niềm tự hào của người dân Hải Phòng

    Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, niềm tự hào của người dân Hải Phòng

    Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, là lễ hội truyền thống đặc trưng, niềm tự hào của người dân Hải Phòng được tổ chức thường niên vào tháng 5 gắn với kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng.

  • Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024 với hơn 20 gian hàng và khoảng 12.000 đầu sách, nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng được giới thiệu đến nhân dân thành phố Cảng.

  • Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), UBND tỉnh Nghệ An, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2024 gắn với sự kiện công bố, đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy).

Top