Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 1 năm 2020 | 22:36

Thả cá dịp ông Công, ông Táo: Đừng làm ô nhiễm sông, hồ!

Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, theo phong tục của người Việt, là ngày cúng tiễn Ông Công, Ông Táo về Trời. Đây là nét đẹp của văn hóa, nhưng xin mọi người đừng làm ô nhiễm sông, hồ khi thả cá chép.

Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc.
 
Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện-Ác của loài người.
 
Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.
6.jpg
Thả cá chép để ông Công, ông Táo lên Trời là một phong tục đẹp. 
 
Trước đây, sau khi cúng ông Công, ông Táo người dân thường mang cá chép ra ao, hồ, sông suối gần nhà để thả. Thời đó không có túi nylon để đựng cá, mọi người thường đựng cá trong xô hay chậu, sau khi thả cá xong lại mang xô, chậu về.
1.jpg
... Nhưng thả cá chứ đừng thả túi nylon.
 
 
Nhưng bây giờ, việc khi mang cá đi thả, người dân thường hay đựng cá vào trong túi nylon, sau khi thả cá xong là vứt ngay túi nylon đó xuống hồ, ao, sông suối.
 
Việc làm vô ý thức này đã làm cho hệ thống sông ngòi, ao hồ ngập tràn túi nylon. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi ở môi trường tự nhiên một túi nylon phải mất 200 đến 500 năm mới phân hủy, gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề và trở thành một vấn nạn.
4.jpgNhiều người nước ngoài tham gia  dọn rác thải sau khi thả cá chép
Hà Nội và các tỉnh, thành khác trên cả nước đều xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, đặc biệt là túi nylon đựng cá ra sông ngòi, hồ ao. Mặc dù đã đươc tuyên truyền và nhắc nhở, tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân vứt  túi nylon ra môi trường.
 
Những năm gần đây, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, nhiều thanh niên tình nguyện đứng trên các cây cầu bắc qua sông Hồng của Hà Nội để nhắc nhắc và thu gom những chiếc túi nylon đựng cá của người dân. Đây là việc làm rất đáng trân trọng và cần được nhân rộng.
2.jpg
Một vị tu sĩ tham gia bảo vệ môi trường

 

Chính vì việc làm mang ý nghĩa cao về bảo vệ môi trường của các bạn thanh niên Thủ đô mà có năm người nước ngoài đang công tác tại Việt Nam cũng tự nguyện tham gia bảo vệ môi trường bằng cách đi thu gom những chiếc túi nylon của người dân vứt lại sau khi đã thả cá xuống sông, hồ.
 
Mùa xuân mới đang về, ngày cúng lễ ông Công, ông Táo đã gần, mong sao người dân trên mọi miền của đất nước thả cá chứ không thả nylong để bảo vệ môi trường sống cho chính chúng ta và các thế hệ con cháu sau này.
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top