Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 6 năm 2022 | 8:46

Thái Bình thúc đẩy phong trào làm VAC và phát triển cơ giới hóa nông nghiệp

Để phong trào làm VAC ngày càng phát triển, Hội Làm vườn tỉnh Thái Bình tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tận dụng tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Từ đó, tạo ra năng suất cao, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Lãi hàng trăm triệu đồng/năm

Mô hình VAC của gia đình anh Lưu Đình Tú (thôn Ngọc Chi, xã Quỳnh Bảo, huyện Quỳnh Phụ) rộng gần 1ha, trước đây trồng nhiều loại cây nhưng vì chất đất kém nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Làm vườn tỉnh tổ chức, anh Tú có thêm kinh nghiệm, kiến thức làm vườn, hiệu quả trồng trọt từ đó tăng lên đáng kể.

Anh chia sẻ: Được tham gia tập huấn, tôi có thêm kinh nghiệm, hiểu thêm về cách trồng, chăm sóc mít Thái, đầu tư mua 220 gốc về trồng và tham gia vào chương trình phối hợp giữa Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp Thái Bình với Hội Làm vườn tỉnh sử dụng phân bón phù hợp để bón cho mít. Đến nay, các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, tôi còn đào thêm rãnh lấy nước, tận dụng để nuôi ốc, trồng thêm chanh, trừ chi phí, mỗi năm thu nhập của gia đình đạt 250 triệu đồng.

 

1.jpg
Lãnh đạo Hội Làm vườn tỉnh Thái Bình kiểm tra hoạt động sản xuất của hội viên.

 

Cũng tại thôn Ngọc Chi, anh Nguyễn Duy Đằng tích tụ được gần 15.000m2 đất trồng cây đàn hương lấy gỗ, trồng thêm mít, hồng xiêm và hơn 1.000 gốc cà trắng, cà tím. Từ khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật làm vườn, anh đã tận dụng đất trống của gia đình trồng xen kẽ các loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Đằng cho biết: Tôi trồng cây đàn hương, mít và làm giàn cho mướp leo để lấy bóng mát trồng cây cà trắng, cà tím. Nhờ được bón bằng nguồn phân chuồng ủ hoai mục nên cà phát triển tốt. Mỗi năm tôi xuất bán 2 vụ cà với gần 30 tấn, hơn 10 tấn hoa quả, xuất hơn 10 tấn cá truyền thống..., trừ chi phí, thu lãi gần 300 triệu đồng.

Để phong trào VAC ngày càng phát triển

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Thái Bình, cho biết: Không chỉ ở xã Quỳnh Bảo mà phong trào phát triển kinh tế VAC trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Toàn tỉnh hiện có trên 38.400 hội viên đóng góp quỹ Hội 2,4 tỷ đồng phục vụ các hoạt động hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Nhiều địa phương đã quan tâm đến hoạt động làm vườn và tạo điều kiện giúp Hội Làm vườn có nguồn kinh phí hoạt động. Phong trào làm vườn tại một số địa phương như Bách Thuận, Việt Thuận (Vũ Thư), phường Hoàng Diệu, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình)... phát triển mạnh.

Hội Làm vườn tỉnh  Thái Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phát triển kinh tế vườn, chú trọng tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn hội viên cách lựa chọn, trồng và chăm sóc các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao; phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các mô hình điểm phát triển kinh tế vườn để hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế sản xuất.

Để phong trào làm VAC ngày càng phát triển, thời gian tới, Hội Làm vườn tỉnh Thái Bình tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tận dụng tiềm năng, lợi thế nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao; liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung ứng phân bón, con giống, cây trồng bảo đảm chất lượng, tiêu thụ sản phẩm, giúp hội viên yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Thực hiện chuyển đổi kinh tế VAC hiệu quả

Mới đây, Hội Làm vườn tỉnh Thái Bình tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây hàng năm có giá trị kinh tế cao năm 2022.

Gần 200 đại biểu đã nghe đại diện Hội Làm vườn tỉnh thông tin về tình hình sản xuất cây trồng hiện nay; hiệu quả và lợi ích từ việc chuyển đổi cây trồng trên đất cấy lúa kém hiệu quả; điều kiện và thủ tục chuyển đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm và kỹ thuật thâm canh một số cây trồng chuyển đổi trên đất lúa.

Thông qua lớp tập huấn, cán bộ, hội viên Hội Làm vườn các cấp có thêm kiến thức áp dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao thu nhập trong trồng trọt.

Theo kế hoạch phát triển thủy sản trong ao bán nổi trên địa bàn huyện Vũ Thư giai đoạn 2022 - 2025, phấn đấu đến năm 2025, huyện chuyển đổi 225ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi kết hợp với trồng lúa. Sản lượng thủy sản ước đạt gần 3.000 tấn, giá trị ước đạt trên 99 tỷ đồng.

Giai đoạn 2022 - 2023, Vũ Thư thực hiện chuyển đổi 20 - 25ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi kết hợp với trồng lúa tập trung ở một số xã: Xuân Hòa, Hiệp Hòa... Phấn đấu xây dựng 2 - 3 vùng nuôi thủy sản trong ao bán nổi, 1 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trở lên.

Để đạt mục tiêu trên, huyện Vũ Thư tập trung thực hiện rà soát diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương để thực hiện chuyển đổi sang nuôi thủy sản trong áo bán nổi kết hợp với trồng lúa. Đầu tư nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thực hiện chuyển đổi đạt mục tiêu để ra. Trong tổ chức phát triển sản xuất, huyện xây dựng các mô hình, đối tượng nuôi phù hợp với từng địa phương, theo phương thức nuôi thủy sản kết hợp với trồng lúa (nuôi 3 - 4 vụ thủy sản, trồng 1 vụ lúa hoặc nuôi thủy sản xen ghép với trồng lúa) để giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường.

Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản trong ao bán nổi kết hợp với trồng lúa được thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

2.jpg
Nông dân huyện Kiến Xương sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu.

 

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất

Đẩy mạnh đưa cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được coi là đột phá để nâng cao năng suất, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Những năm gần đây, cơ giới hóa nông nghiệp của Thái Bình đã có những bước phát triển đáng khích lệ, nhiều loại máy, thiết bị được đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động và giá trị nông sản, tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.

 

Năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, Hội Làm vườn tỉnh Thái Bình đã tổ chức tập huấn về sản xuất nông nghiệp an toàn và kỹ thuật chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học cho trên 500 lượt cán bộ, hội viên; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, các doanh nghiệp... tổ chức hơn 140 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây ăn quả, bảo vệ môi trường trong sản xuất VAC, nuôi trồng thủy sản cho hơn 5.500 lượt hội viên; tổ chức 18 buổi tham quan mô hình với 386 cán bộ, hội viên tham gia. Hoạt động hỗ trợ hội viên tiếp tục được quan tâm với hơn 410.000 cây con giống các loại.

 

Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa chưa đồng bộ và toàn diện, một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đỗ Quý Phương cho biết, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29 nhằm tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ để từng bước đồng bộ cơ giới hóa các khâu sản xuất.

Thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hữu hiệu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực cơ giới hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lành nghề phục vụ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

Ông Phương khẳng định, cơ giới hóa đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn (làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản...). Để hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã tập trung hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc vào các khâu làm đất, thu hoạch. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 80%, khâu gieo cấy đạt khoảng 15%.

Trong chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại đều áp dụng hệ thống chuồng trại khép kín từ cung cấp nước, thức ăn tự động, trong đó 100% hộ nuôi lợn quy mô công nghiệp sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, núm uống tự động; hầm biogas. Trong nuôi trồng thủy sản, hầu hết các hộ nuôi theo phương thức quảng canh và bán thâm canh, 100% diện tích nuôi trồng được cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu: đào ao, hồ, nạo vét, cung cấp nước, sục khí, chế biến thức ăn.

 

 

 

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top