Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 8 năm 2022 | 9:15

Thành công với “cây lạ” ở xứ cà phê

Trên sườn đồi tại thôn Mỹ Đức, xã Tân Văn (Lâm Hà - Lâm Đồng), gia đình cô giáo Phạm Minh Thu đã phá bỏ 1,3ha cà phê già cỗi, xuống giống loại cây lạ ở xứ cà phê - cây vú sữa Hoàng Kim.

Giá cao, bán theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, vú sữa Hoàng Kim mở ra hy vọng phát triển trên đất Tân Văn.

Mang “cây lạ” về xứ cà phê

Cô Phạm Minh Thu là giáo viên một trường học trên địa bàn xã Tân Văn. Cũng như nhiều gia đình khác, ngoài giờ lên lớp, cô và gia đình canh tác thêm một vài loại cây trồng để tăng thu nhập. Cô kể, trên mảnh đất 1,3 ha thuộc thôn Mỹ Đức, gia đình trồng cà phê như hầu hết bà con xung quanh. Đất dốc, cà phê già cỗi, tới mùa thu hoạch lại không tìm được công lao động, gia đình cô Thu tìm hướng chuyển đổi sang cây trồng khác. Tìm hiểu các nhà vườn, qua bạn bè, tháng 7/2020, gia đình xuống giống 500 cây vú sữa Hoàng Kim, loại cây ăn trái còn khá lạ với người dân xứ cà phê Lâm Hà.

 

z3615974753720_db4e63d7077359d6c87742c6d9019f7d.jpg
Cô Thu thu hoạch vú sữa Hoàng Kim.

  

Là giống cây siêu quả, chỉ trồng khoảng 12 tháng, những cây vú sữa Hoàng Kim đã cho trái bói. Do chọn giống vú sữa nhân từ hạt, cây con thực sinh nên thời gian ra hoa kết quả lâu hơn. Nếu là cây ghép, chỉ 8 tháng là bắt đầu cho thu hoạch. Cô Thu chọn giống thực sinh bởi cây thực sinh có sức sống khá bền, 20 năm cây mới cỗi. Còn cây ghép, sau 7-8 năm có dấu hiệu suy giảm năng suất. Đồng thời, cây thực sinh có sức sống mạnh, phát triển tốt hơn trên đất đồi. Những trái vú sữa có màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng tươi thì có thể thu hoạch.

 Cô Thu cho biết, vú sữa Hoàng Kim rất khác với vú sữa truyền thống. Hoa mọc dọc thân, dọc cành, dưới các nách lá và từ các bông hoa nhỏ li ti, những trái vú sữa mọc ngay trên thân, trên cành. Từ khi hoa được thụ phấn tới khi trái thu hoạch chỉ mất 2 tháng, trái lớn rất nhanh. Điều khá lạ là cây sau đợt thu hoạch trái, lại tiếp tục ra hoa lứa mới và kết quả rất nhanh. Trung bình, một cây vú sữa Hoàng Kim cho 5 lứa trái/năm, điều này khác với cây vú sữa truyền thống vốn ra hoa kết quả theo mùa.

Mô hình nông nghiệp xanh hiệu quả

Hiện tại, gia đình cô Phạm Minh Thu đang thu hoạch vú sữa 2 lần/tuần. Cô Thu cho biết, vú sữa Hoàng Kim là loại cây rất lớn, có thể cao 5-6m. Càng lớn, năng suất trái càng cao, cũng vì vậy,cô trồng rất thưa để đảm bảo khi cây lớn có không gian phát triển. Với giá 120 ngàn đồng/kg vú sữa lớn, size 3 trái/kg, trồng vú sữa Hoàng Kim cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng cà phê.

Cô Thu cho hay, cô trồng vú sữa Hoàng Kim theo cam kết, đã có người bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, trái hái đến đâu có người thu tới đó, giá ổn định quanh năm. Cũng nhờ thu nhập ổn định, cô và gia đình có ý định mở rộng diện tích vú sữa Hoàng Kim, cung cấp cho thị trường một loài trái thơm, ngon, dinh dưỡng cao.

Là người đầu tiên trồng vú sữa Hoàng Kim ở Tân Văn, đặc biệt ở địa hình dốc, cô Phạm Minh Thu rút ra một số kinh nghiệm: “Khi cây còn bé, cần phủ bạt đen quanh gốc để ổn định nhiệt độ, tránh cây sốc nước và hạn chế cỏ. Khi cây lớn có thể bỏ bạt ra. Vú sữa Hoàng Kim ưa nước, vào mùa khô cần tưới 2 lần/tuần. Nếu ở xứ nóng thì không cần bọc trái nhưng Lâm Hà có mùa mưa kéo dài, độ ẩm cao nên dễ phát sinh bọ cánh cứng chích hút. Vì vậy, vào mùa mưa, khi trái non tầm 2 tuần thì cần bọc trái bằng bao nilon, đảm bảo trái an toàn. Khi cây kết trái quá nhiều, cần tỉa bớt các trái vẹo, bé... để cây đủ sức nuôi trái. Và chú ý tới việc cắm cọc bảo vệ cây vì trồng trên sườn đồi, gió rất lớn khiến cây rung lắc, gãy cành, rụng trái”.

Bà Lương Nữ Hoài Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn, đánh giá, mô hình trồng vú sữa Hoàng Kim của gia đình cô Thu là mô hình đầu tiên và cho thấy hiệu quả kinh tế ổn định. Đặc biệt, gia đình cô Thu áp dụng kỹ thuật để cỏ phủ toàn vườn, chỉ cắt ngắn mặt cỏ chứ không sử dụng thuốc. Cỏ cắt ra được ủ ngay tại gốc, tạo thành lớp phân xanh bồi cho cây. Để cỏ phủ vườn giúp chống xói mòn trên đất dốc, giữ ẩm, giữ nhiệt ổn định cho đất, đồng thời đảm bảo canh tác an toàn, bền vững, là mô hình nông nghiệp xanh hiệu quả ở Tân Văn.

 

 

Diệp Quỳnh
Ý kiến bạn đọc
Top