Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 4 năm 2018 | 10:55

Thanh Hóa: Bi kịch cô giáo trẻ sống trong cảnh xiềng xích

Lúc phát bệnh, cô thường chạy vào rừng sâu hoặc lao nhanh qua đường, rất nguy hiểm đến tính mạng. Cực chẳng đã, người nhà đành xích cô lại để lo thuốc thang mong cô sớm được hồi phục.

Hạnh phúc chưa được gang tay

Đấy là câu chuyện đáng thương của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Huyên (SN 1974), trú tại thôn Tân Tiến, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh , tỉnh Thanh Hóa. Từ lúc phát bệnh, cuộc đời Huyên gắn bó với cái chòi nhỏ và những vòng xiềng xích.

Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nơi mà cô giáo mầm non ngày trước đang sinh sống. Trong chiếc chòi lá nhỏ, bà Hiển (mẹ của Huyên) đang nới rộng dây xích để con đi lại thoải mái hơn.

jpg-2.jpg
Từ khi phát bệnh, Huyên bị xích trong căn chòi nhỏ này

Bà Hiển cho biết: “Tội nghiệp lắm các chú ạ, những ngày trái gió, trở trời nó thường gào thét và quậy phá. Cực chẳng đã nên chúng tôi phải xích cháu lại để chăm nom, mong con sớm ngày bình phục”.

Trên khóe mắt sâu hõm của người đàn bà gần đất xa trời bắt đầu đong dần những giọt lệ. Bà khóc thương cho số phận hẩm hiu của đứa con gái mình, bà sợ rằng một ngày nào đó bà mất đi sẽ không còn ai lo cơm nước cho đứa con tội nghiệp này.

Theo bà Hiển, sau khi học xong chương trình sư phạm, năm 1994, Huyên về làm giáo viên tại xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh. Đến năm 1997, Huyên lấy một thầy giáo. Hạnh phúc đã bắt đầu chớm nở khi Huyên hạ sinh đứa con đầu lòng.

Nhưng hạnh phúc của gia đình nhỏ chưa được bao lâu thì tai họa bỗng ập đến. Huyên bắt đầu mắc phải chứng bệnh lạ. Gia đình đã mang Huyên đi chữa trị tại Bệnh viện Tâm Thần Thanh Hóa.

Sau ba tháng chữa trị, bệnh tình Huyên đã thuyên chuyển nên gia đình xin cho cô về. Khoảng thời gian này, Huyên vẫn lên lớp nhưng không thường xuyên vì những cơn đau đầu kỳ lạ thường xảy ra.

Số buổi Huyên đứng lớp cũng thưa dần bởi những cơn đau đầu ngày càng gia tăng. Đến năm 2002, cô giáo mầm non đã phải bỏ bục giảng. Cũng từ đó, cuộc sống của cô giáo trẻ phải gắn bó với cái chòi nhỏ và những sợi dây xích sắt.

3-1.jpg
Căn chòi mà Huyên sinh sống xập xệ, mọi sinh hoạt đã gắn với chị đã lâu 

Từ ngày Huyên phát bệnh, người chồng của cô đã ôm con bỏ đi không một lời từ biệt. Thương con, bà Hiên mang về cưu mang để lo thuốc thang mong con sớm ngày bình phục.

Tuy nhiên, bệnh tình của Huyên không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu tăng thêm. Những lúc lên cơn, Huyên thường gào thét và chạy trốn. Lúc thì chạy vào rừng, hay lao xuống dòng sông chảy xiết nguy hiểm đến tính mạng.

Bà Hiển nhớ lại: “Có lần ở đây xảy ra lũ ống to lắm, con Huyên đang trong nhà thì ôm đầu hét lớn rồi chạy vụt ra suối khiến tôi không kịp giữ. Nó nhảy xuống dòng nước dữ trong sự bàng hoàng của mọi người. Nước lũ cuốn nó đi nhưng nó may mắn thoát chết khi dạt vào bờ và được dân bản tìm thấy”.

Thấy con phát bệnh thường làm những chuyện điên rồ nguy hiểm đến tính mạng, cực chẳng đã, bà Hiển nhờ hàng xóm dựng một cái chòi rồi xích con lại để trông nom.

Bao nhiêu gia tài trong nhà, bà Hiển đều bán sạch để có tiền chữa trị cho con. Giờ đây, cả gia tài chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và khoản tiền hỗ trợ 450 nghìn/ tháng.

Không dừng lại ở đấy, khi bệnh tình của Huyên chưa có chuyển biến thì bố của cô lại bị tai biến, nằm liệt nửa người hơn 10 năm nay. Bao nhiêu lo toan trong nhà giờ dồn hết lên đôi vai người đàn bà tuổi “thất thập cổ lai hi”.

Bà Lò Thị Nương, hàng xóm bà Hiển, cho biết: “Gia đình bà Hiển tội nghiệp lắm, con thì bị bệnh tâm thần, chồng lại bại liệt. Mọi lo toan trong nhà đều một mình bà gánh vác”.

2.jpg
Dù tuổi đã cao nhưng mọi lo lắng trong nhà đều do bà Hiển đảm nhận

Dù đã tuổi xế chiều, nhưng bà Hiển có lẽ chưa một ngày được nghỉ ngơi. Bà sợ rằng khi bà mất đi, rồi người chồng bị liệt và đứa con tội nghiệp sẽ ra sao. Nhiều lúc mệt mỏi nhưng thương chồng, thương con, bà vẫn gắng gượng đi làm để có tiền đong gạo.

Trước hoàn cảnh của cô giáo Lê Thị Huyên, rất mong bạn đọc quan tâm giúp đỡ. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Lê Văn Hoàng (em trai chị Huyên), thôn Tân Tiến, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, điện thoại: 0982403515.

 

Hà Khải - Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Hải Phòng phân loại rác tại nguồn, chung tay bảo vệ môi trường

    Hải Phòng phân loại rác tại nguồn, chung tay bảo vệ môi trường

    Ngày 20/12, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Kế hoạch số 331 và triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34 của Ban Thường vụ Thành uỷ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

  • Bộ đội Biên phòng Quảng Trị trao tặng heo giống và cá giống cho người dân vùng cao

    Bộ đội Biên phòng Quảng Trị trao tặng heo giống và cá giống cho người dân vùng cao

    Đồn Biên phòng Hướng Lập (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã tổ chức trao 4 cặp heo giống và 1.000 con cá giống để tạo sinh kế cho nhiều hộ gia vùng cao ở tỉnh Quảng Trị.

  • Nỗi lo ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

    Nỗi lo ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

    Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Kiến Xương phát triển tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số trang trại chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, còn để xảy ra tình trạng phát tán mùi hôi gây bức xúc trong nhân dân. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng trên để trả lại môi trường sống trong lành cho bà con.

Top