KTNT- Cát tặc lộng hành khiến đất đai và hoa màu của người dân ở xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa - Thanh Hóa) sạt lở nghiêm trọng. Đáng nói là tình trạng này đã diễn ra rất lâu, nhưng chính quyền và các sở ban ngành vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Cát tặc có bảo kê
Theo phản ánh của người dân địa phương, việc những tàu ở mỏ cát Sơn Đào đưa vòi vào bờ hút cát đã khiến cho hàng chục mẫu đất cùng hoa màu sạt lở xuống sông. Tiếc của, người dân dùng đá ném vào tàu. Tuy nhiên, sau những lần đó, họ lại bị những tay anh chị tìm đến uy hiếp.
Ông Ngô V.B. (54 tuổi), ở thôn 8, xã Thiệu Đô cho biết: “Cát tặc đặt vòi vào bờ để hút cát gây sạt lở đất của chúng tôi. Nhiều lần nói không được nên tôi lấy đá ném vào tàu. Tuy nhiên, vài hôm sau, có tốp người xăm trổ mang dao đến nhà tôi dọa dẫm”.
Cây cối hoa màu lần lượt gục đổ vì đất bị sạt lở do hút cát.
Nhìn vườn dâu đang hàng ngày bị sạt lún, ông Nguyễn X.T. (61 tuổi) ngậm ngùi: “Đành chịu thôi các chú ạ, nhà tôi mất hơn 3 sào đất nhưng có dám kiện cáo hay đòi chúng trả đâu, vì kiện cáo chưa được thì chúng đã đến nhà uy hiếp”.
Cũng theo phản ánh của người dân, cát tặc hoạt động rất tinh vi. Chúng lợi dụng ban đêm, đưa 5- 6 vòi vào bờ hút, nên chỉ sau một đêm hoa màu và đất bỗng nhiên trôi theo Hà bá.
Không chỉ có vậy, chúng thường tổ chức những nhóm canh giữ, khi thấy động liền tắt máy, thả cho tàu tự trôi ra giữa dòng sông, nơi được phép khai thác nên rất khó khăn trong công tác xử lý.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc theo sông Chu trên địa bàn thôn 8 và thôn 9, được bồi đắp bởi một lượng cát lớn. Việc các tàu đưa vòi vào bờ hút cát đã khiến cho đất canh tác của người dân bị sạt lở nghiêm trọng.
Cát tặc đưa vòi bạch tuộc vào bờ hút cát gây sụt lún hàng chục hecta hoa màu của người dân.
Trước tình trạng cát tặc đang hoành hành khiến cho đời sống nhân dân vô cùng bức xúc, chúng tôi đã có buổi làm việc với chính quyền sở tại và các ban ngành liên quan.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thế Ký, Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô, cho biết: “Tình trạng cát tặc hoạt động tại địa phương đang là vấn đề rất nóng. Chúng hoạt động rất tinh vi và liều lĩnh. Chúng có tai mắt khắp nơi, khi thấy đoàn kiểm tra xuống, lập tức tắt máy để tàu tự động trôi ra giữa dòng sông nên không thể xử lý được”.
Cũng theo ông Ký, từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép đã gây sụt lún 5% diện tích hoa màu của người dân ở thôn 8 và thôn 9. Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện trong việc tạm dừng cấp phép khai thác đối với mỏ cát số 03 của Công ty TNHH Sơn Đào.
“Chúng tôi đã bắt được nhiều tàu và xử phạt hành chính nhiều lần. Tuy nhiên, đây toàn là những tàu không đăng ký, đăng kiểm nên không xác định được chủ nhân là ai nên rất khó khăn trong công tác xử phạt. Trước mắt, chính quyền xã đã chỉ đạo cho công an xã và dân quân tự vệ thành lập tổ an ninh trật tự, thay phiên nhau canh gác để hạn chế việc khai thác cát nhằm tránh tình trạng sụt lún thêm”, ông Ký thông tin.
Lực lương chức năng của xã làm lán túc trực để canh cát tặc.
Dựng lán giữ đất cho dân
Việc những con tàu không số tại mỏ cát Sơn Đào ngang nhiên đưa vòi vào bờ hút gây sụt lún nghiêm trọng. Để giữ đất, chính quyền xã đã thành lập tổ an ninh trật tự bao gồm công an và dân quân tự vệ thay nhau canh gác.
Ông Lê Văn Duy, Trưởng công an xã Thiệu Đô, cho biết: “Việc cát tặc sử dụng xã hội đen uy hiếp người dân là đúng. Chúng tôi đã gửi tờ trình lên huyện để xin ý kiến chỉ đạo. Đồng thời phía công an xã phối hợp với đội dân quân tự vệ tiến hành dựng lều để trông giữ đất. Từ khi chúng tôi dựng lều trông coi đến nay, tình trạng cát tặc giảm đáng kể”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Anh Thắng, Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thiệu Hóa, cho biết: “Sau khi nhận được tờ trình của UBND xã Thiệu Đô, chúng tôi đã cho anh em xuống kiểm tra và xử phạt những tàu vi phạm, thậm chí, có những hôm còn thu giữ cả tàu. Tuy nhiên, chúng hoạt động rất tinh vi nên không xử lý triệt để được vì ông chủ thực sự không biết là ai nên chúng tôi chỉ xử lý được chủ tàu”.
Cũng theo ông Thắng: “Để xử lý triệt để vấn đề này, chúng tôi sẽ đề nghị với cảnh sát giao thông đường thủy tiến hành rà soát toàn bộ số tàu cát trên địa bàn, đồng thời yêu cầu các mỏ cát kê khai toàn bộ số tàu hút cát của mình để dễ dàng trong khâu quản lý”.
Trong khi chính quyền và sở ban ngành đang lúng túng, chưa có phương pháp để xử lý triệt để thì việc dựng lều giữ đất của công an xã là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, đề nghị chính quyền địa phương nhanh chóng xử lý triệt để tình trạng trên, giúp người dân sớm ổn định sản xuất.
Hà Khải - Xuân Sơn
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.