Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 14 tháng 4 năm 2018 | 7:27

Thanh Hóa: Đại tang xóm nghèo tiễn đưa 3 thủy thủ tử nạn

Khi các anh lên tàu, không một người đưa tiễn, nhưng lúc về, làng hóa trắng khăn tang. Những tiếng khóc ai oán lầm than, để xóm chài chìm sâu vào trong nước mắt.

Ba cuộc đời… một hoành cảnh

Chúng tôi đến làng Xuân Vi, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) khi chiếc xe chở thi thể của các anh từ Quy Nhơn (Bình Định) vừa chạy tới. Những tiếng nấc từng hồi của người thân và gia đình cũng bần bật rung lên. Có lẽ từ hôm nhận được tin dữ đến giờ họ đã không còn sức để bật khóc nữa, mà nỗi đau quá lớn khiến cổ họng của họ như nghẹn lại.

Trong số các anh, đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đáng thương nhất vẫn là anh Phạm Trọng Hòa (35 tuổi). Vì quá nghèo nên trước khi anh ra đi vẫn chưa cất được cho vợ con ngôi nhà riêng, đành mượn nhà người thân ở tạm. Lúc anh mất, không có nhà cửa để làm ma chay, đành dựng lán ngoài nghĩa địa.

3.jpg
Bà con lối xóm đến chia buồn cùng các gia đình có người thân tử nạn trên tàu Thành Công

Tiếng khóc nghẹn ngào của bà Phạm Thị Ngoạn (57 tuổi, mẹ anh Hòa) ai oán: “Tội lắm các chú ạ, đời của Hòa chưa một lần được hạnh phúc. Năm 2 tuổi thì bố mất, Hòa phải nghỉ học sớm cùng mẹ làm việc kiếm tiền nuôi em. Đến khi lấy vợ cũng không cất nổi được ngôi nhà, nhà chật chội nên Hòa và vợ đã mượn tạm nhà người thân để ở”.

Trước khi xảy ra sự việc, Hòa đã làm nhiều nghề để bươn chải, từ nuôi gà đến chăn dê, nhưng vẫn không đủ ăn. Sáng ngày 4 Tết âm lịch, Hòa đã xin đi làm cho tàu Thành Công 98.

Cũng từ hôm đấy, người nhà và gia đình không còn được nhìn thấy mặt anh. Những đồng lương anh làm được người nhà cũng chưa được nhận.

2.jpg
Bà Nguyễn Thị Ngoạn (mẹ anh Hòa) vẫn chưa hết bàng hoàng về tin người con trai của mình đã ra đi mãi mãi.

Chị Dương Thị Hà (35 tuổi, vợ của anh) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị không tin là người chồng mình đã mất, đối với chị, anh Hòa chỉ đi làm ăn xa, vài tháng nữa sẽ về.

Lau vội những nước mắt chị Hà như điên dại: “Chồng của tôi chưa chết, vài tháng nữa anh ấy sẽ về. Anh ấy sẽ kiếm được nhiều tiền để mua đất làm nhà cho ba mẹ con tôi ở”.

Những lời nói vô thức của chị lại như đợt sóng xoáy sâu vào tâm khảm mỗi con người, khiến người thân và bạn bè không cầm được lòng mình. Trước đây cả hai anh chị cố gắng làm lụng vẫn chưa có nhà để ở, nay anh mất, mình chị biết xoay sở ra sao.

Cách nhà anh Hòa không xa là nhà anh Bách Văn Sáu (27 tuổi). Hoàn cảnh của anh Sáu cũng khó khăn không kém gì anh Hòa. Anh sinh ra trong một gia đình có 2 anh chị em bị nhiễm chất độc màu da cam. Cả ba thế hệ gia đình anh phải sống trong một ngôi nhà cấp 4 cũ nát, chật hẹp.

Ông Nguyễn Văn Tâm (57 tuổi), hàng xóm, cho biết: “Tội nghiệp lắm các chú ạ. Nhà thì nghèo, bố đi bộ đội nhiễm chất độc da cam nên nhà nó có 2 người mắc phải, do bố của Sáu mất hết giấy tờ nên các anh chị em nó không được hưởng chế độ”.

Trong số ba thủy thủ tử nạn, các anh đều là những đứa con của các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đất đai, nhà cửa. Để có chỗ làm đám ma cho các anh. Gia đình và bà con làng xóm đã dựng lên 3 chiếc lán ngoài nghĩa địa làng Xuân Vi, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, để tổ chức tang lễ cho các anh.

Chưa bao giờ xóm chài nghèo lại đau thương, tang tóc như những ngày qua. Từ người già đến người trẻ đều bàng hoàng, đau xót trước sự ra đi đột ngột của 3 thanh niên trong làng. Họ tổ chức đi thăm hỏi động viên từ nhà này qua nhà khác như để góp phần xoa dịu nỗi đau của gia đình các nạn nhân tử nạn.

Trước đó, vào trưa ngày 11/4, gia đình 3 thủy thủ Nguyễn Đức Quân (27 tuổi), Bách Văn Sáu (26 tuổi) và Phạm Trọng Hòa (34 tuổi), đều trú tại xã Hoằng Thanh, bàng hoàng nhận hung tin các anh bị ngạt khí dưới hầm tàu và đã tử vong.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, khoảng 8 giờ 30 phút ngày 1/4, tàu Thành Công 98 (thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thành Mỹ Phát, trụ sở tại Đồng Nai) vào Tân Cảng Miền Trung (ở phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Đến trưa cùng ngày, anh Quân, anh Sáu và anh Hòa xuống hầm tàu thì bị ngạt khí, tử vong tại chỗ.

Sau khi cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục, khoảng 9 giờ ngày 13/4, thi thể 3 thủy thủ được đưa từ thành phố Quy Nhơn về quê nhà mai táng. Cùng ngày các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo huyện Hoằng Hóa đã đến thắp hương, chia buồn cùng các gia đình.

 

Hà Khải - Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top