Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 6 năm 2019 | 9:19

Thay đổi tư duy “số cộng phát triển”

Hôm nay (25/6), tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, sự kiện mới nhất trong chuỗi các hội nghị mang tính chất liên vùng.

 
Thủ tướng và các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm đặc trưng của khu vực Bắc Bộ. Ảnh VGP/Quang Hiếu

 

Trước thực trạng liên kết vùng còn là khâu yếu của nước ta, Thủ tướng đã chủ trì hàng loạt hội nghị nhằm tháo “điểm nghẽn này” như hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam cách đây 1 tháng rưỡi, hội nghị giao ban Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cách đây hơn 4 tháng cũng như các hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, về phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên, về vấn đề dân di cư tự do tại Tây Nguyên…

Thủ tướng đã nêu rõ quan điểm phát triển vùng là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt, hay là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng. Phải có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính.

 

Ảnh VGP/Quang Hiếu

 

Với 7 tỉnh, thành phố, bao gồm Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chiếm gần 32% GDP của cả nước và thu nhập bình quân đầu người đạt 4.813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước, đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Thời gian qua, vùng kinh tế có dân số hơn 16 triệu người này đã làm được nhiều công trình, dự án quan trọng có tính chất liên vùng, một hướng đi tất yếu nhằm khai thác thế mạnh từng địa phương để tạo điều kiện, nền tảng phát triển nhanh hơn.

 

Ảnh VGP/Quang Hiếu

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng đối với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Liên kết giữa các tỉnh trong khu vực vẫn chỉ theo kiểu tận thu những lợi thế sẵn có, ngắn hạn, mang tính thời vụ.

Do đó, bên cạnh giải “bài toán” liên kết vùng, hội nghị hôm nay sẽ thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của vùng; các vấn đề về môi trường đầu tư, kinh doanh và hạ tầng đô thị, giao thông, phát triển logistics, nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển dịch vụ du lịch… trong vùng.

 

Ảnh VGP/Quang Hiếu

 

Các đại biểu sẽ tập trung bàn thảo các giải pháp để làm sao khu vực này trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, như mục tiêu Quyết định 198/QĐ-TTg của Thủ tướng đề ra.

 

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

 

Hiện nay, chúng ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên và  27% dân số cả nước, đóng góp 89% GDP đất nước.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top