Trong 20 năm qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có những chuyển biến tích cực cả về lượng và chất.
Đặc biệt là, nhận thức của xã hội và người dân về hợp tác xã kiểu mới được nâng lên; không chỉ tăng về số lượng mà số hợp tác xã hoạt động hiệu quả tăng liên tục với sự đa dạng các loại hình, quy mô; vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã được phát huy; nhiều mô hình hợp tác, liên kết mới đa lĩnh vực, đa thành phần hình thành; nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả cao xuất hiện và lan tỏa,… Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn nói riêng.
Trong 2 năm 2020-2021 và những tháng đầu năm 2022, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp thì vai trò của hợp tác xã trong hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng và ổn định xã hội càng thể hiện rõ. Đó là những nhận xét về kết quả thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về kinh tế tập thể và thi hành Luật Hợp tác xã 2012, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề của kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng được chỉ rõ:
Thu nhập của lao động thường xuyên trong hợp tác xã tuy có tăng nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với thu nhập của lao động khu vực doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tập thể thấp, tỉ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt mục tiêu. Tâm lý e ngại kinh tế tập thể và hợp tác xã của cả người dân và cơ quan quản lý còn tồn tại. Phần lớn các hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả; ở địa phương, tuy nhiều đầu mối quản lý kinh tế hợp tác nhưng thực chất “cha chung không ai khóc”. Chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể còn hạn chế, phân tán, chủ yếu là lồng ghép. Đặc biệt, khung pháp luật, chính sách về kinh tế tập thể còn nhiều rào cản, mâu thuẫn, chồng chéo.
Tại Hội nghị, các đại biểu nhận định, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng gay gắt, tiêu chuẩn của người dân và chính sách của các nước ngày càng khắt khe, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn rất khó có chỗ đứng, cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển.
Đồng tình quan điểm này, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, chỉ có tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết, hợp tác chúng ta mới khai thác tốt nhất lợi thế mà thiên nhiên ban tặng và cũng chỉ như vậy, nhà nông mới được hưởng lợi công bằng và giàu lên.
Nói về điều này, tại buổi công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp khó có thể làm giàu nhưng làm kinh tế nông nghiệp thì có thể giàu được. Điểm bắt đầu phải là, tổ chức lại sản xuất, dạy nông dân làm giàu. Việc này không thể làm riêng mà phải cùng nhau. Cùng nhau hợp tác chúng ta sẽ vừa đi nhanh, vừa đi xa và không ai bị bỏ lại phía sau.
Các chuyên gia cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất để có thể cùng nhau hiện thực hoá Chiến lược làm cho nông dân giàu hơn, nông nghiệp mạnh hơn, nông thôn hạnh phúc hơn là vấn đề thể chế.
Về điều này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho rằng, có 5 vấn đề lớn về thể chế cần sớm hoàn thiện để kinh tế tập thể phát triển năng động hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn: đó là quy định về bản chất hợp tác xã; quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện; quy định giao dịch của hợp tác xã; chính sách nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác xã; và các quy định về bộ máy quản lý nhà nước trong quản lý kinh tế tập thể.
Để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đạt kết quả như mục tiêu đề ra, con đường duy nhất là sớm đưa 10 triệu hộ nông dân sản xuất trên những mảnh ruộng nhỏ li ti vào các hợp tác xã để tổ chức lại sản xuất ở quy mô lớn, sản xuất theo thị trường với chuỗi liên kết tích hợp đa giá trị… Điều này chỉ có thể thành công khi điểm nghẽn thể chế được khai thông.