Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 10 năm 2020 | 14:35

Thị trường rau quả hữu cơ: Giải pháp khai thác và phát triển

Theo Businesswire.com, dự báo thị trường rau quả hữu cơ thế giới giai đoạn 2019 - 2024 sẽ tăng trưởng 9%/năm. Bắc Mỹ là thị trường lớn nhất, tiếp theo là châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương.

t36.jpg
Mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho thu nhập 90-120 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Kim Đồng

 

Rau quả hữu cơ, xu hướng tiêu dùng mới

Mặc dù giá nông sản hữu cơ nói chung, rau quả hữu cơ nói riêng thường cao hơn từ 2 - 4 lần so với rau quả thông thường do mất nhiều công lao động hơn, chi phí chứng nhận cao, năng suất thấp và nhiều rủi ro vì sâu bệnh nhưng ngày càng có nhiều người tiêu dùng sẵn sàng mua vì lợi ích đối với sức khỏe của họ và qua đó muốn góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe và công bằng cho người sản xuất, vì sự bền vững hôm nay và mai sau. Đó là xu hướng tiêu dùng mới đang nổi lên ở các nước phát triển, cũng như các đô thị, thành phố lớn trong nước của nhóm người tiêu dùng trung lưu.

Theo Businesswire.com, dự báo thị trường rau quả hữu cơ thế giới giai đoạn 2019 - 2024 sẽ tăng trưởng 9%/năm. Bắc Mỹ là thị trường lớn nhất, tiếp theo là châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Hoa Kỳ, năm 2017, thị trường thực phẩm hữu cơ đạt 45,2 tỷ USD, trong đó, rau quả hữu cơ đạt 16,5 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2016. Chuối hữu cơ là loại quả có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tăng 30,4% so với năm 2016. Năm 2019, xuất khẩu rau, quả của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 150 triệu USD, đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Đến nay có 6 loại trái cây của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Mỹ: vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa, thanh long, xoài; có thể bưởi da xanh sẽ được phía Mỹ cấp phép trong năm nay.

Theo Ủy ban châu Âu về sản phẩm hữu cơ (ECOP) trong thập kỷ qua, thị trường hữu cơ EU đã tăng thêm 60%, hiện nay cung đang không đủ cầu, như tại Thụy Điển nhu cầu tăng hơn 20% mỗi năm. Theo Dự án EU-MUTRAP, 2016 tại hầu hết các nước EU, tỉ lệ tăng trưởng cao nhất đối với nông sản hữu cơ thuộc về ngành hàng rau quả, tiếp theo là thịt và các sản phẩm từ sữa. Trong ngắn hạn và trung hạn, nhu cầu được dự báo là rất lớn và tốc độ tăng trưởng vẫn tiếp tục được duy trì. Năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu 148 triệu USD rau quả sang EU. EU không yêu cầu phải đánh giá rủi ro về sâu bệnh, không bắt buộc chiếu xạ đối với rau quả nhập khẩu, đặc biệt thuế xuất với đa số rau quả của Việt Nam đã về 0% từ 1/8/2020 đang tạo cơ hội rất lớn cho rau quả Việt Nam, trong đó có rau quả hữu cơ.

Hiện, chúng ta chưa có đánh giá đầy đủ về thị trường hữu cơ trong nước.  Nhưng theo ước tính của Nielsen, tổng giá trị thị trường hữu cơ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ước đạt 400 tỉ đồng/năm và tăng dần hàng năm. Đa số sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ qua kênh bán lẻ, như tại TP. Hồ Chí Minh, ngoài 7 siêu thị Co.op Mart còn có khoảng 100 cửa hàng kinh doanh thực phẩm có bán sản phẩm hữu cơ.

Theo World Bank, giai đoạn 2014 - 2016, trung bình mỗi năm Việt Nam có 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu với mức sống trên 15 USD/ngày. Tạm tính đến năm 2018, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam chiếm 16,3% dân số và mỗi năm tăng thêm khoảng 1-1,5 triệu người. Ví dụ TP. Hà Nội với hơn 4 triệu dân nội thành, có tới hơn 30% là thành phần trung lưu và hàng trăm nghìn người nước ngoài đang sinh sống cùng hàng triệu khách du lịch quốc tế. Khi nhóm người tiêu dùng này gia tăng nhanh, mức chi tiêu của họ sẽ ngày một nhiều hơn, tạo ra nhu cầu rất lớn đối với nông sản chất lượng, an toàn, đặc biệt rau quả hữu cơ.

Giải pháp khai thác và phát triển thị trường rau quả hữu cơ

Sản xuất rau quả hữu cơ chỉ bền vững khi có thị trường tiêu thụ ổn định, đảm bảo người sản xuất có thu nhập cao hơn so với sản xuất thông thường. Vì vậy, tìm các giải pháp khai thác và phát triển thị trường là điều kiện tiên quyết để mở rộng sản xuất rau quả hữu cơ.

 

t37.jpg
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Tập đoàn TH. Ảnh: Thanh Tâm

 

Giải pháp căn cơ nhất là xây dựng được liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp với nông dân trong hợp tác xã, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt chuỗi giá trị trong tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đó là giải pháp tiên quyết cho phát triển nông nghiệp hàng hóa nói chung, đặc biệt đối với sản xuất hữu cơ, khi nông dân đa số nhỏ lẻ, chưa thể chủ động tiếp cận thị trường, ngay cả thị trường trong nước.

Một vài mô hình khá thành công chứng minh điều đó.

HTX rau hữu cơ Thanh Xuân (Hà Nội) có 26 nhóm sản xuất với diện tích 34ha, cung cấp 50 - 70 tấn rau/tháng, sản phẩm luôn được tiêu thụ hết là do HTX đã liên kết với 12 công ty và 45 điểm bán sản phẩm hữu cơ trên địa bàn TP.Hà Nội.

Nhãn hiệu tập thể rau hữu cơ Lương Sơn ( Hòa Bình) có 6 HTX và 25 tổ nhóm sản xuất với diện tích hơn 27ha, mỗi tháng cung cấp khoảng 16 tấn sản phẩm, trong đó đa số được tiêu thụ thông qua liên kết với Công ty TNHH Vinagap, Công ty Tràng An, Công ty Tâm Đạt, Công ty BAVIFARM, hệ thống cửa hàng Bác Tôm… Các đơn vị này lâu nay sản xuất theo tiêu chuẩn PGS, hiện đang chuyển đổi sang TCVN theo quy định.

Thứ hai, cần đầu tư nhiều hơn cho chế biến rau quả hữu cơ ở dạng sấy, ngâm, đông lạnh; các loại nước ép, tinh dầu, kem dưỡng da, nước hoa; các loại gia vị hữu cơ như bột hạt tiêu, bột ớt, tương ớt… nhằm đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, kéo dài thời gian bảo quản, khắc phục hạn chế của xuất khẩu rau quả tươi do thị trường Mỹ, châu Âu… cách xa Việt Nam.

Đối với thị trường xuất khẩu: Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) năm 2018, Việt Nam có khoảng 50 công ty được chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế cho các mặt hàng như rau, củ, dừa và sản phẩm từ dừa, trái cây sấy, gạo…, xếp hạng 51/179 quốc gia. Để xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm được các nhà nhập khẩu hữu cơ chuyên nghiệp thông qua các hội chợ (ví dụ, như Biofach hoặc Fruit Logistica ở EU) hoặc danh bạ các công ty buôn bán thực phẩm hữu cơ để trao đổi, giới thiệu sản phẩm hiện có hoặc tiềm năng sản xuất của Việt Nam, tìm được các nhà nhập khẩu hữu cơ có uy tín. Họ sẽ tư vấn về thủ tục và đặt hàng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ phù hợp với  thị trường. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin thị trường, tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu, xây dựng được thương hiệu nông sản hữu cơ Việt Nam.

Đối với thị trường trong nước: Doanh nghiệp, HTX cần mở nhiều điểm chuyên bán sản phẩm hữu cơ, các siêu thị cần có gian hàng hữu cơ riêng, áp dụng mua bán online; sản phẩm bán phải được chứng nhận của bên thứ 3 và đặc biệt, Nhà nước phải kiểm tra, bảo đảm thị trường minh bạch, bảo vệ người tiêu dùng; từng bước đưa sản xuất hữu cơ vào chương trình giáo dục các cấp; khuyến khích các mô hình như bữa ăn hữu cơ hàng tuần, hàng tháng tại trường học, nhà ăn tập thể; truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về nông sản hữu cơ gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ 2020-2025 tại Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA) chủ trương vận động phong trào làm kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ, kết nối sản xuất với thị trường và phát triển bền vững. Trước mắt tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình “vườn hữu cơ”, từng bước chuyển đổi dần từ làm VAC thông thường sang làm vườn hữu cơ và các loại hình khác (vườn đô thị, trang trại  VAC 4.0) nhằm bảo vệ đất vườn, bảo vệ môi trường sống trong lành và cung cấp rau quả hữu cơ, an toàn cho gia đình và thị trường..

 

 

 

TS. Phạm Đồng Quảng
Ý kiến bạn đọc
  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top