Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 29 tháng 8 năm 2020 | 12:3

Thị trường xuất khẩu gạo đang mở rộng

Gạo 5% tấm của Việt Nam đang có giá tốt, duy trì ở mức 480-490 USD/tấn. Đây là cơ hội tốt tăng giá trị xuất khẩu của hạt gạo trong nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo cần theo dõi sát nhu cầu thị trường để không đánh mất những đơn hàng mới của những tháng cuối năm trong tình thế cạnh tranh về giá và chất lượng với gạo Thái Lan.

 

xk-gao.jpg

Tín hiệu tích cực từ EVFTA

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mang lại những cơ hội tuyệt vời cho gạo Việt. Nhờ tác động tích cực của việc giảm thuế cùng với thị trường đang sôi động nên giá gạo ST20 xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) đã đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine cũng có giá trên 600 USD/tấn.

Nói đến một trong những sản phẩm gạo thượng hạng về chất lượng và luôn đạt giá trị cao trong xuất khẩu gạo phải kể đến gạo Hom Mali của Thái Lan. Trong thời gian qua, giá gạo Hom Mali 92% xuất khẩu của Thái Lan tuần từ 14/8 – 20/8 có giá trị bình quân 950 – 962 USD/tấn.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngày 27/8, giá gạo ST20 tại cảng (giá FOB) đã đạt khoảng 850 USD/tấn, loại bao 50kg, nếu tính giá bán lẻ còn cao hơn nhiều. “Về chất lượng, gạo ST20 của Việt Nam ngon không kém gạo Hom Mali của Thái Lan”, ông Kiên nhấn mạnh.

Sau khi giành chiến thắng trong 5 năm liên tiếp, năm 2018, gạo Hom Mali (gạo nhài) của Thái Lan đã thất bại trước gạo thơm của Campuchia và trong năm 2019 lại tiếp tục thất bại trước giống gạo ST25 của Việt Nam tại cuộc thi World’s Best Rice (Gạo ngon nhất thế giới) do tổ chức The Rice Trader tổ chức.

Trên thực tế, theo đánh giá của các doanh nghiệp, cơ hội xuất khẩu các loại gạo thơm của Việt Nam rất rộng mở và hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng phân khúc của Thái Lan, Campuchia. Bằng chứng là Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) vừa ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine.

Điều đáng nói, giá gạo ST20 Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất khẩu sang EU đạt trên 1.000 USD tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn, đây là một con số đáng mơ ước và là một kỷ lục mới của gạo Việt trong hành trình xuất khẩu nhiều năm qua.

Được biết, trong đợt giao lô hàng lần đầu tiên, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An sẽ giao 6 container với khoảng 150 tấn gạo.

Được biết, những ưu đãi Việt Nam được hưởng sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mang lại mức giá trong mơ cho gạo thơm Việt khi xuất khẩu sang EU, cộng với việc EU cho phép hạn ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường là 80.000 tấn/năm đã giúp gạo Việt bắt đầu khơi mở đượ thị trường.

Trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine 520 USD/tấn. Việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao.

Tất nhiên, để có thể vào được EU, hạt gạo Việt cũng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Theo đó, gạo phải đảm bảo được truy xuất nguồn gốc với địa chỉ vùng trồng rõ ràng, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phải đạt đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc tương đương.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, hiện thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn khá sôi động, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan. Theo đánh giá của VFA, Thái Lan vẫn đang tiếp tục chật vật trong cuộc đua xuất khẩu gạo dù giá chào hiện đã thấp hơn so với nguồn cung Việt Nam do nhu cầu nhập khẩu của khu vực châu Á suy giảm và thị phần châu Phi lại đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ. Nhật Bản hiện là nhân tố ổn định duy nhất góp phần hỗ trợ cho xuất khẩu gạo Thái Lan.

Nhiều cơ hội 

Trước sức ép cạnh tranh của các thị trường khác, cộng với giá cả biến động, lần đầu tiên trong năm nay, Thái Lan đã phải hạ mục tiêu xuất khẩu gạo. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng đang phối hợp với chính phủ nước này nhằm tăng cường giá trị hạt gạo Thái và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong 7 tháng đầu năm, Thái Lan xuất khẩu 2,57 triệu tấn gạo đạt giá trị 54,2 tỷ baht, giảm 31,9% về khối lượng và và 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 22/6, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của một ủy ban có nhiệm vụ xử lý chiến lược gạo của Thái Lan với mục tiêu 3 nhóm gạo chính: gạo Hom Mali và gạo thơm Thái cho thị trường cao cấp; gạo trắng hạt mềm dẻo, gạo trắng hạt cứng và gạo đồ cho thị trường phổ thông; gạo nếp và gạo chất lượng đặc sản cho thị trường đặc biệt.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Charoen Laothammatas, đây là lần đầu tiên một cuộc họp của ủy ban về chiến lược gạo có sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Đó là một dấu hiệu tốt cho thấy Thái Lan có ý định chú trọng vào nghiên cứu và phát triển giống lúa để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thái Lan sản xuất hơn 20 triệu tấn gạo/năm, trong đó khoảng 10 triệu tấn để tiêu dùng trong nước và phần còn lại để xuất khẩu. Năm 2019, quốc gia Đông Nam Á này xuất khẩu 7,58 triệu tấn gạo, giảm 32% về lượng và 25% về giá trị so với năm trước. TREA hy vọng xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo trong năm 2020, với tổng giá trị 4,2 tỷ USD, tương đương chỉ tiêu của Bộ Thương mại. Đây là chỉ tiêu thấp nhất trong vòng 7 năm qua kể từ năm 2013 khi Thái Lan chỉ xuất khẩu có 6,6 triệu tấn gạo.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, triển vọng xuất khẩu toàn cầu đang mở ra đối với lúa gạo của Việt Nam khi Hiệp định Thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua và dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020. Cụ thể, với cam kết trong EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm; đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm đối với sản phẩm từ gạo.

Nhiều tín hiệu tích cực như con số thống kê 7 tháng đầu năm chỉ ra khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận: "Để tăng được giá trị xuất khẩu thì điều doanh nghiệp cần quan tâm nhất vẫn là bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc hạt gạo, đặc biệt tập trung xuất khẩu các loại gạo thuộc phân khúc chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản để có mức giá tốt”.

Tranh thủ xuất khẩu khi được giá

Số liệu thống kê trên website của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từ giữa tháng 7 đến nay cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có những thời điểm vượt lên, cao hơn giá gạo Thái Lan.

Cụ thể, ngày 16/7, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam là 467 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan là 447 USD/tấn và duy trì giá chào bán cao hơn Thái Lan khoảng một tuần cuối tháng 7. Đến những ngày gần đây, giá gạo hai nước so kè từng ngày, chênh lệch không đáng kể.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo cho biết, đây là lần thứ hai trong lịch sử xuất khẩu gạo chúng ta vượt Thái Lan về giá chào bán. Trước đó, vào tháng 9/2011, khi Chính phủ Thái Lan thay đổi chính sách xuất khẩu gạo đã tạo cơ hội cho Việt Nam tăng giá bán lên mức kỷ lục, đỉnh điểm có giai đoạn đạt 557 USD/tấn so với giá gạo Thái Lan 536 USD/tấn, kéo dài đến tháng 1/2012.

Cuối tháng 3 vừa qua, nước ta điều chỉnh cơ chế xuất khẩu gạo khi dịch COVID-19 diễn biến khó lường, tạo cơ hội cho Thái Lan thống lĩnh thị trường xuất khẩu gạo thế giới “một mình một chợ”, họ đã đẩy giá xuất khẩu gạo lên cao, kéo theo giá gạo của Việt Nam tăng theo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Bích, việc này gây ra kết quả ngược, đến tháng 6 thì tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm 40% so với cùng kỳ 2019. Hiện nay Thái Lan đã chủ động hạ giá xuất khẩu gạo, nhưng mức giá vẫn cao hơn rất nhiều so với trước dịch COVID-19. Theo lý giải của ông Bích, động thái của Thái Lan nhằm đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm, bù đắp cho sự sụt giảm trước đó, do vậy sẽ gây khó khăn cho nước ta trong việc tìm kiếm những hợp đồng mới. Ông Bích dẫn ra bài học với Maylaysia, một khách hàng truyền thống của Việt Nam đã chuyển sang nhập 100.000 tấn gạo của Ấn Độ với mức giá thấp hơn rất nhiều giá chào bán của Việt Nam.

Hơn nữa, doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại không bi quan như vậy. Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex cho biết, doanh nghiệp đang xuất gạo với giá 485 USD/tấn. Đây cũng là mức giá gạo hiện tại của Thái Lan theo thông tin niêm yết mới nhất của VFA. “Nhiều báo đăng giá gạo Việt Nam trên 490 USD/tấn và cao hơn giá của Thái Lan 20 USD. Intimex dẫn đầu sản lượng xuất khẩu gạo cũng chỉ xuất được giá 485 USD/tấn thì tôi không biết thông tin trên là từ đâu”, ông Đỗ Hà Nam hoài nghi.

Theo ông Nam, giá gạo hiện nay đang có lợi cho người trồng lúa, cho doanh nghiệp xuất khẩu và vẫn có thể duy trì mức giá cao vì nhiều lý do, nhưng phần lớn là do cung-cầu thị trường. Tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến thời điểm này đã giảm so với cùng kỳ, trong khi nhu cầu của thế giới tăng do dịch COVID-19 và một số thị trường chính như Trung Quốc đang gánh chịu thiên tai nặng nề nên giá gạo vẫn cao trong những tháng sắp tới.

Về chỉ tiêu xuất khẩu gạo cả năm, ông Nam cho rằng không đáng lo ngại. Với Intimex, chỉ tiêu cả năm khoảng 500.000 tấn thì đến nay doanh nghiệp đã xuất được gần 400.000 tấn, nhiệm vụ cho những tháng còn lại khá nhẹ nhàng.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNN) cho biết, 7 tháng năm 2020, khối lượng xuất khẩu gạo nước ta đạt gần 3,69 triệu tấn và đạt giá trị gần 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng nhưng tăng gần 11% về giá trị so với cùng kỳ. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn tập trung hàng để hoàn tất các hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài như Malaysia, Phillipines và Cuba để hoàn thành kế hoạch xuất 6,7 triệu tấn cả năm 2020.

Thời điểm hiện nay giá gạo Việt Nam ngang ngửa với Thái Lan, theo ông Lê Thanh Tùng là đáng mừng. Bên cạnh nguyên nhân khách quan từ nhu cầu thị trường thế giới tăng cao thì ông Tùng cho rằng phải nhìn nhận chất lượng gạo của Việt Nam đang tốt lên, nhưng việc tăng giá và vượt lên Thái Lan chỉ là hiện tượng đột biến, không kỳ vọng duy trì hằng năm.

Về lâu về dài để cạnh tranh được giá bán với Thái Lan đòi hỏi chiến lược nâng cao chất lượng gạo của Việt Nam. Cách đây 10 năm, Chính phủ đã có chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo cùng với Nghị quyết 120 về sản xuất lúa gạo thích ứng biến đổi khí hậu nhằm nâng cao chất lượng gạo. Do vậy đã có nhiều giống lúa mới chất lượng cao được đưa vào sản xuất thay thế giống chất lượng trung bình. Thậm chí một số loại gạo chất lượng cao của Việt Nam được thế giới công nhận như ST25, ST24, Nàng hoa 9… có giá chào bán quanh ngưỡng 1.000 USD/tấn. Tuy nhiên ông Tùng cho rằng, chủ trương xuất khẩu gạo của nước ta không lấy các giống lúa tuyệt đỉnh làm trọng tâm, mà chỉ giữ tỉ trọng ở mức 15% để duy trì thương hiệu, vì chất lượng cao nhưng năng suất thấp, không mang lại giá trị kinh tế cho đại đa số người trồng lúa.

Ngoài ra, theo ông Đỗ Hà Nam, thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với Liên minh châu Âu trong xuất khẩu gạo không có những loại gạo “tuyệt phẩm” như ST25.

Lo ngại trước mắt của những doanh nghiệp xuất khẩu gạo như Intimex là gạo nếp không có đầu ra. Trước đây thị trường chính xuất khẩu gạo nếp là Trung Quốc với hạn ngạch khoảng 400.000 tấn mỗi năm, còn lại khoảng 1 triệu tấn xuất đi qua nước thứ 3 là Campuchia. Thời gian qua do ảnh hưởng dịch COVID-19, chính sách đóng cửa biên giới đã khiến gạo nếp không tìm được đường ra thế giới.

 

 

PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top