Với sự chăm lo của Nhà nước, cộng đồng cùng nỗ lực của bản thân, nhiều hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Không chỉ giúp bản thân, gia đình, họ còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho những người cùng hoàn cảnh.
Trang trại chăn nuôi của chị Đặng Thị Thêm ở huyện Phú Xuyên.
“Đuổi” nghèo bằng đôi tay
Là một trong những tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu, anh Đỗ Văn Liệu ở thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái (Thường Tín - Hà Nội), chia sẻ, gia đình làm nghề sơn mài từ khi anh còn nhỏ, nhưng làm lụng quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Vì thế, khi trưởng thành, xây dựng gia đình, anh tâm niệm phải cố gắng thoát nghèo.
“Nhờ sự giúp đỡ của anh em, họ hàng cùng vốn vay 20 triệu đồng hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thường Tín, năm 2011, tôi “liều” xây dựng nhà xưởng làm sơn mài ở Cụm công nghiệp làng nghề Duyên Thái. Sau thời gian làm việc cật lực, chăm chỉ tìm mối hàng và nhờ uy tín sản phẩm cùng chút may mắn, đến năm 2016, gia đình đã thoát nghèo. Số tiền kiếm được hằng năm, tôi trả hết nợ, mở rộng xưởng, tạo việc làm cho 6 công nhân với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng…”, anh Liệu kể.
Cùng ở xã Duyên Thái còn có gia đình chị Nguyễn Thị Vân cũng thuộc diện hộ nghèo, nhờ vốn vay từ chương trình thoát nghèo của NHCSXH huyện Thường Tín, đến nay, chị đã có cơ ngơi khang trang. Chị Vân kể, với 40 triệu đồng được vay ban đầu, chị chỉ mở xưởng sản xuất nhỏ. Khi làm ăn có lãi, chị mở rộng xưởng và ký được hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sơn mài sang các nước: Mỹ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc…, mỗi năm có thu nhập khoảng 2 tỷ đồng. Chị không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm cho 12 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 6 - 7 triệu đồng/người/tháng…
Chị Đặng Thị Thêm ở thôn Hòa Mỹ, xã Hồng Minh (Phú Xuyên) cũng là một trong những tấm gương điển hình về thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong lúc đang băn khoăn về nguồn vốn thì được xã, huyện tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng chương trình hộ nghèo của NHCSXH. “Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, bằng số vốn vay và sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, gia đình đầu tư trang trại, nuôi cá và vài chục con lợn. Nhờ đó, đến nay, gia đình đã thoát nghèo, có của ăn của để, nuôi con cái ăn học trưởng thành.
Trao “cần câu” giúp hộ nghèo vươn lên
Nói về chương trình giảm nghèo của địa phương, Chủ tịch UBND xã Hồng Minh Đặng Quang Huy cho biết, mỗi đợt có nguồn vốn vay, xã đều họp bình xét công khai, quán triệt rõ mục đích, yêu cầu sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả.
Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, xã vận động các hội, đoàn thể, bà con cùng chung tay hỗ trợ hộ nghèo. Bên cạnh đó, chính quyền huyện, xã hướng dẫn cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển nghề phụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Điều quan trọng nữa là, các hộ nghèo có tinh thần tự lực, khát vọng đổi thay số phận, để đồng vốn do Nhà nước hỗ trợ thực sự trở thành “bệ đỡ”, nguồn lực hữu ích giúp người nghèo vượt qua khó khăn, tạo dựng cuộc sống ấm no cho gia đình. “Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm chỉ còn 1,7%. Nhờ thu nhập của người dân tăng cao mà năm 2018, xã chuẩn bị hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới”, ông Huy thông tin thêm.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, NHCSXH TP. Hà Nội đã phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tập trung rà soát, thống kê số hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện vay vốn, để đáp ứng kịp thời nhu cầu cho các đối tượng chính sách.
Theo Giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội Nguyễn Kim Phung, đến nay, nguồn vốn huy động và nhận ủy thác đầu tư tại chi nhánh đạt 3.508 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay 2.777 tỷ đồng, chiếm 39% tổng dư nợ.
Ông Nguyễn Kim Phung đánh giá: “Nhìn chung, thông qua các hội, đoàn thể, nguồn vốn cho vay được sử dụng đúng mục đích và trở thành “cần câu” cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Cũng từ nguồn vốn vay, người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh; cùng với sự cần cù, chịu khó, họ làm ăn có lãi, trả nợ ngân hàng để đơn vị tiếp tục giúp các hộ nghèo khác trên địa bàn có chiếc “phao” cứu sinh trong phát triển kinh tế…”.
Hiện nay, dù vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng sự chăm lo, tạo điều kiện, giúp đỡ của Nhà nước và toàn xã hội là nguồn lực vô cùng quý báu để người nghèo không còn mặc cảm. Cùng với sự nỗ lực của bản thân, không ít hộ đã trở thành những tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; góp sức không nhỏ trong phong trào xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.