Cá nướng Diễn Vạn (Diễn Châu, Nghệ An) vốn “nức tiếng” thực khách gần xa bởi sự thơm ngon, béo ngậy, mang đậm hương vị của biển. Giờ đây, cá nướng Diễn Vạn đã mang một thương hiệu riêng.
Qua khỏi cầu Vạn là tới đầu làng với hàng chục lò nướng hai bên con đường “xương sống” của làng. Mùi thơm từ cá dậy lên sống mũi như tấm biển chỉ dẫn cho người đi qua đường tìm đến làng nghề này. Bất kể mùa nắng hay mùa mưa, nhịp sống nơi đây vẫn luôn tất bật và hối hả.
Khi được hỏi về nguồn gốc làng nghề cá nướng thì không ai biết có từ bao giờ, chỉ biết là đã từ rất lâu, đặc biệt khoảng hơn 20 năm trở lại đây, một số hộ gia đình bắt đầu nướng cá tại nhà rồi đem đến các chợ huyện bán. Lâu dần, những con cá nướng Diễn Vạn đi ra khắp tỉnh và tạo nên một thương hiệu riêng. Ban đầu nghề nướng cá chủ yếu đến từ các hộ gia đình tại xóm Trung Hậu nhưng sau đó lan rộng ra một số xóm khác như Trung Phú, Yên Đồng, Đồng Én,...
Bất kể mùa nắng hay mùa mưa, làng cá nướng tại xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu vẫn tất bật và hối hả. Ảnh: Thu Hiền
Một ngày với người dân làng cá nướng Diễn Vạn bắt đầu khi trời còn chưa kịp hửng nắng và kết thúc khi ánh mặt trời dần lẩn khuất sau những mái nhà. Về đây, không khí làm việc nhộn nhịp, tiếng cười nói khúc khích, mùi thơm cá nướng hòa lẫn vào than hồng,... tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp và bình dị chốn thôn quê.
Chủ lò Hoàng Văn Tuấn (xóm Trung Hậu, xã Diễn Vạn) cho biết: “Để có những con cá nướng thơm ngon, khi ăn người ta nhớ đến mình thì đầu tiên phải chọn nguyên liệu cho thật tươi. Từ 4 – 5 giờ sáng, tôi đã phải đến các bãi biển Diễn Thành, Diễn Bích (huyện Diễn Châu), xa hơn là các cảng biển tại thị xã Cửa Lò, Quỳnh Phương, Quỳnh Tiến (Thị xã Hoàng Mai),... để lấy cá. Đa phần cá mua được là cá cấp đông từ các tàu đánh bắt dài ngày, một số ít cá tươi là đánh bắt qua đêm. Bình thường, gia đình anh làm khoảng 3 tạ cá/ngày. Dịp Tết, số lượng người mua gia tăng nên gia đình anh làm khoảng 5-7 tạ cá/ngày”.
Đến khoảng 7 giờ sáng thì cá về tới các hộ gia đình, những lao động nơi đây nhanh tay rã đông, rửa sạch và phơi ráo. Sau đó, người ta dùng một que tre xuyên từ đầu đến bụng cá. Cách này giúp định hình con cá trong quá trình nướng không bị gãy và giúp nướng cá dễ hơn. Để cá chín đều và trông đẹp mắt, trước khi nướng, họ dùng dao khứa nhẹ một đường nhỏ lên mình con cá. Trước khi cho vào lò nướng, những con cá được chế biến sạch sẽ, xếp ngay ngắn lên trành. “Như mùa này phải mất 2-3 tiếng thì cá mới khô và đem đi nướng. Trời mùa hè thì nhanh hơn, khoảng 1 tiếng”, anh Tuấn đang xếp cá cho hay.
Để giữ được mức lửa vừa phải, cá chín đến độ, không bị sém cháy, đòi hỏi người nướng phải có kinh nghiệm, lật trở càng đều tay càng thơm ngon. Chị Lê Thị Thảo - người đã có hơn 10 năm gắn bó với lò bếp than hồng cho hay: “Nghề nướng cá vất vả lắm. Làm từ sáng sớm đến chiều tối mới xong. Trong khi nướng, bị phỏng tay, chân,... là chuyện thường tình. Có những ngày nhiệt độ cao (39 – 40 độ), tôi phải mặc 2, 3 lớp quần áo, bịt kín mặt. Nhiệt độ ngoài trời cộng với sức nóng từ than đỏ hồng như làm tăng thêm sự mệt nhọc. Còn những ngày mưa, thời tiết dịu nhẹ thì việc nướng cá cũng trở nên dễ chịu hơn”.
“Không phải ai cũng có thể nướng được ngay lần đầu. Người học nhanh cũng phải mất cả năm trời. Tết đến, cá tiêu thụ mạnh nên chị em chúng tôi phải nướng cá với số lượng lớn. Nghề này tuy vất vả nhưng có thêm nguồn thu và khá ổn định”, chị Thảo vừa lật từng con cá vừa tiếp lời.
Nghề nướng cá thuê tuy vất vả nhưng bù lại cho thu nhập ổn định. Một ngày, những người nướng cá thuê được các chủ lò trả 180.000 đồng. Thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
“Bình thường một ngày gia đình tôi nướng khoảng 5 đến 7 tạ cá. Những dịp lễ Tết, số lượng lên đến cả tấn. Những lúc như vậy, tôi phải thuê thêm người nướng ở các xóm khác. Cá sau khi nướng xong được vận chuyển đến một số chợ đầu mối trong huyện miền núi như Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương,... Nếu bán hết cá, trừ tiền thuê nhân công, xăng xe thì lãi ròng khoảng 700.000 đến 1.000.000 đồng/ ngày. Các loại cá nướng được ưa chuộng như cá trích, cá đốm, cá thu, cá bạc má,....”, chủ lò Nguyễn Văn Lượng (xóm Trung Phú, xã Diễn Vạn) cho biết.
Ông Đặng Văn Công (Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn) cho biết: “Hiện nay, cả xã có khoảng 40 hộ làm nghề nướng cá, tập trung chủ yếu ở một số xóm như Trung Hậu, Trung Phú, Yên Đồng, Đồng Én,... Trong những năm qua, cá nướng Diễn Vạn đã khẳng định được tên tuổi và trở thành món ăn vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng. Hiện nay, các hộ gia đình đang nướng cá theo phương thức đơn lẻ. Tức là họ tận dụng phần đất trống trước nhà để nướng cá. Chúng tôi đã lập đề án lên các cấp để xây dựng khu tập trung nướng cá”.
Rời làng cá nướng Diễn Vạn khi trời đã ngả bóng nhưng mùi thơm của cá đượm với vị mặn của biển như lan tỏa, chạy thẳng lên sống mũi và níu chân những thực khách đến đây.
Chương trình từ thiện: Cùng em đến trường hỗ trợ học sinh nghèo “Viết tiếp ước mơ” giai đoạn 2025 - 2028 sẽ hỗ trợ cho hàng nghìn học sinh nghèo tại các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và vùng chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra. Ngoài ra, Ngân hàng cũng thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ cho khách hàng phù hợp với tình hình thực tế.
Mới đây, tại các Điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Đắk Nông đã tổ chức trao giải và cấp giấy chứng nhận cho các khách hàng tiêu biểu đạt tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do công ty phát động.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).
Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.