Với mô hình trang trại tổng hợp, ông Ngọc Miên ở thôn Hin Lò, xã Yên Thắng (Lục Yên - Yên Bái) có thu nhập 130 triệu đồng/năm.
Từng là hộ nghèo nhưng ông Miên đã tìm cách vượt qua khó khăn bằng cách áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cây - con giống mới vào sản xuất. Với diện tích đất vườn trên 1 mẫu, ông đã cải tạo hơn 6 sào thành ao lớn trước nhà chuyên nuôi cá rô phi đơn tính. Tận dụng lợi thế có nguồn nước dẫn từ trong núi ra, ông xây dựng hệ thống ao nhỏ ngay dưới gầm sàn nhà để nuôi cá bỗng. Theo ông, nuôi theo phương pháp này vẫn đảm bảo cá bỗng có nguồn nước sạch ra - vào thường xuyên, giúp tránh nóng vào mùa hè, chưa kể còn tạo thêm cảnh quan đẹp và lạ mắt. Trong quá trình nuôi, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật được học, thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, nên đàn cá phát triển khá tốt, hầu như không xảy ra bệnh dịch. Cuối năm 2015, ông đã thu hoạch trên 4 tấn cá rô phi, thu về 120 triệu đồng.
Ông Miên chăm sóc vườn cam của gia đình.
Cùng với cá, ông Miên còn trồng thêm 80 gốc cam đường Canh. Là giống cây trồng khá mới đối với đất Lục Yên nên trước khi đưa vào trồng, ông đã đi học hỏi kinh nghiệm ở khắp nơi và rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Theo ông, việc phòng trừ sâu đục thân thời điểm tháng 4, tháng 5 là rất quan trọng. Để có được vườn cam xanh tốt như bây giờ, ông đã bao lần phải trồng lại, nhưng nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi nên ông đã thu về thành quả của mình. Vụ cam năm nay, khoảng một nửa diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng khoảng 7 tạ, mang về cho gia đình hơn chục triệu đồng. Nhà chỉ có 2 lao động vậy mà vợ chồng ông còn nuôi thêm 2 con lợn nái, hơn 100 con gà, chưa kể hơn 3 ha rừng và vài sào ruộng. Ông Miên tâm sự: “Là nông dân nên tôi luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm làm ăn ở nhiều nơi về áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình, từ đó nâng cao đời sống, từng bước xóa nghèo bền vững”.
Hiện, những người con của ông đều đã có công việc và kinh tế ổn định, gia đình có “của ăn, của để”, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm các thiết bị phục vụ sản xuất và đời sống.
Gương mẫu trong mọi hoạt động, đi đầu trong phát triển kinh tế, ông Miên còn nhiệt tình giúp đỡ bà con xung quanh cùng tiến bộ. Thấy nuôi cá hiệu quả, ông đã hỗ trợ 10 hộ nguồn giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi để họ cùng làm. Bà Chu Thị Quý, người dân thôn Hin Lò, chia sẻ: “Tôi thấy ông Miên là người năng động, làm kinh tế giỏi, gia đình tôi cùng nhiều hộ khác trong thôn được ông giúp đỡ về con giống, kinh nghiệm trong chăn nuôi cá nước ngọt, nhờ đó mà kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt”.
Cơ ngơi hôm nay mà gia đình ông Miên có được là cả quá trình vất vả tìm tòi, suy nghĩ và sự đầu tư không hề nhỏ. Bên cạnh ngôi nhà sàn cũ, một ngôi nhà mới đã được dựng lên, vàng óng ả, ao nuôi cá rô phi đang được gia đình cải tạo, nâng cấp để tăng thêm năng suất và hiệu quả. Khuôn viên gia đình cũng đang được chỉnh trang với mục đích tổ chức du lịch sinh thái. Đây là ý tưởng khá táo bạo của một lão nông, nhưng ý tưởng đó không hề viển vông bởi xét về địa thế, Hin Lò có điều kiện rất lý tưởng cho hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí. Mong rằng dự định của ông Miên sẽ trở thành hiện thực để góp phần phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và giúp thêm nhiều gia đình còn khó khăn.
Khắc Điệp- Mai Huyên
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.