Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 6 tháng 11 năm 2016 | 6:25

Thư bạn đọc: Phán quyết của tòa án có khách quan, minh bạch?

Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn thư của ông Cao Văn Đình, tại 43 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) và ông Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật Hồng Phú (Đoàn Luật sư Hà Nội) phản ánh: Bản án số 189/2011/DSPT ngày 03/10/2011 giải quyết tranh chấp nhà đất tại số 43 Lý Thường Kiệt giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Xuân Nghiêm, thường trú tại TP.Hồ Chí Minh với các bị đơn là gia đình ông Đình và các hộ dân sinh sống trên mảnh đất này chưa công bằng, thậm chí đã tước đoạt chỗ ở và quyền, lợi ích hợp pháp của hàng chục con người.

Cả luật sư và bị đơn đều cho rằng bản án này chưa công bằng?

Một là, trong bản án, chỉ có ông Nguyễn Xuân Hiển đang định cư tại Hà Lan là người đồng thừa kế nhưng đã giao phần di sản được hưởng cho em trai là nguyên đơn, việc làm này phải tiến hành công chứng, chứng thực (theo Khoản 1 Điều 52 Nghị định 75/2000/NĐ-CP), văn bản đó có giá trị chứng cứ không phải chứng minh theo Khoản 2 Điều 14 Nghị định 75/2000/NĐ-CP. Như vậy, ông Hiển lẽ ra không phải tham gia vụ án nhưng Hội đồng xét xử đã “phù phép” đưa ông Hiển vào với vai trò là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để áp dụng Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 nhằm khôi phục thời hiệu khởi kiện cho nguyên đơn và để cho mình có thẩm quyền giải quyết.

Hai là, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 23/2003/QH11 quy định Điều 1 “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01/7/1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”. Nhà đất mà nguyên đơn đòi đang là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước (theo Quyết định số 252/QĐ-TNMT&NĐ ngày 16/5/2005 của Sở Tài nguyên môi trường và nhà đất Hà Nội) thuộc trường hợp Điều 1 của Nghị quyết 23/2003/QH11 nêu trên. Quy định là vậy nhưng Hội đồng xét xử vẫn cho mình quyền ­phán quyết trả lại nhà cho nguyên đơn.

Ba là, Hội đồng xét xử xác định quyền sử dụng 411m2 đất và nhà tại số 43 Lý Thường Kiệt cho mẹ của nguyên đơn dựa vào bằng khoán điền thổ số 152P năm 1952 mà quên mất rằng mẹ nguyên đơn tự nguyện bàn giao cho Nhà nước và Nhà nước đã tiếp nhận vào năm 1960, như vậy quyền sử dụng đất đó không còn của mẹ nguyên đơn.

Bốn là, Hội đồng xét xử xác định “việc đòi nhà của nguyên đơn không liên quan gì đến quyền lợi, nghĩa vụ của UBND TP. Hà Nội”. Trong khi đó, tại Quyết định số 252/QĐ-TN,MT&NĐ của Sở Tài nguyên môi trường và Nhà đất Hà Nội ngày 16/5/2005 đã khẳng định căn hộ trên là thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Nay, Hội đồng xét xử tuyên phần tài sản của nhà nước thuộc về nguyên đơn là trái với quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 23/2003/NQ-QH11. Mà tại Điều 3 Quyết định số 103/VX ngày 28/6/1973 quy định “Ông Chánh văn phòng UBHC thành phố, ông Giám đốc Cục quản lý công trình công cộng, ông Chủ tịch UBHC khu phố Hoàn Kiếm có trách nhiệm thi hành quyết định này”. Rõ ràng đây là tài sản của nhà nước do UBND TP. Hà Nội quản lý và trách nhiệm của UBND TP.Hà Nội thi hành. Vậy mà Hội đồng xét xử lại loại bỏ UBND TP.Hà Nội, không đưa vào tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Khi tài sản của nhà nước bị tuyên trả cho nguyên đơn đã 4 năm rưỡi, UBND TP.Hà Nội với tư cách là tổ chức bị xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp vẫn im hơi lặng tiếng, bỏ mặc tài sản cho cơ quan khác phán quyết trả cho người khác. Một sự im lặng đáng sợ!?

Năm là, ngày 10/9/2014, Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) ra Kháng nghị giám đốc thẩm số 328/2014/KN-DS do Phó chánh án Nguyễn Sơn ký, trong đó nêu rất rõ nhà đất mà nguyên đơn đòi Nhà nước chưa thực hiện việc giao trả nhà cho mẹ nguyên đơn, việc tòa án thụ lý giải quyết buộc các hộ gia đình tại nhà số 43 Lý Thường Kiệt trả nhà cho ông Nghiêm là sai thẩm quyền và chưa bảo đảm quyền lợi cho các đương sự, đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân TP.Hà Nội giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ngày 14/6/2016, TANDTC lại ra Quyết định số 01/2016/RKN-DS do Phó chánh án Tống Anh Hào ký căn cứ vào lý do là một số hộ dân đã nhận tiền thỏa thuận thi hành án, các hộ còn lại thì không có quyền ở đó (xác định theo Công văn 1466/SXD-PC ngày 2/3/2016 của Sở Xây dựng Hà Nội). Điều này “càng khó hiểu” khi lẽ ra tòa án phải căn cứ hồ sơ địa chính theo quy định Luật Đất đai năm 2003 để ra phán quyết chứ không được dựa vào ý kiến của cơ quan khác.

Báo Kinh tế nông thôn xin chuyển đơn, đề nghị ngành chức năng vào cuộc, làm rõ những khúc mắc này.

Ban bạn đọc

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top