Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 1 năm 2018 | 9:0

Thu hồi đất phải đúng quy định của pháp luật

Sau khi báo Kinh tế nông thôn đăng bài "Sông Hinh: Cần thực hiện nghiêm Quyết định 861 của UBND tỉnh Phú Yên", Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã có cuộc họp khẩn và chỉ đạo UBND huyện Sông Hinh “Hoãn thi hành cưỡng chế thu hồi đất” vào ngày 26/12/2017 để hoàn tất thủ tục đúng theo quy định Luật Đất đai năm 2013.

>> Sông Hinh: Cần thực hiện nghiêm Quyết định 861 của UBND tỉnh Phú Yên

Ông Nguyễn Thanh Sơn tự hào với những thành quả sản xuất  lúa nước đã nuôi sống cả gia đình (mỗi năm trên dưới 1,5 tấn)

Như báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh, ngày 22/3/2005, UBND tỉnh Phú Yên có Quyết định số 449/QĐ-UBND phê duyệt thiết kế kỹ thuật đầu tư thực hiện 5 tuyến giao thông nội thị - thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh. Điều đáng nói là, 5 tuyến đường này đều liên quan đến phần đất của ông Nguyễn Thanh Sơn. Và cũng từ đây, ông Sơn liên tục có đơn thư gửi Báo Kinh tế nông thôn, lãnh đạo tỉnh Phú Yên và các cơ quan chức năng xung quanh việc UBND huyện Sông Hinh thu hồi đất mà chưa đền bù thỏa đáng.

Người đi đầu thực hiện mô hình sản xuất lúa nước 

Ông Nguyễn Thanh Sơn sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng của huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên). Năm 12 tuổi (1951), giữa lúc giặc Pháp vây lùng ráo riết các buôn làng, Sơn theo cha anh đi làm cách mạng, biết tăng gia sản xuất ngay tại hậu cứ. Ba năm sau (1954),  Sơn được tổ chức đưa ra Bắc học tập. Năm 1962,  Sơn tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Hải Dương và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1965, Sơn tiếp tục tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội và lên đường về Nam.

Sơn là người dân tộc thiểu số đầu tiên được Đảng đào tạo, dìu dắt, trở thành cánh tay đắc lực của Đảng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở Phú Yên; và là người đứng đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta đề xướng (1986) ngay tại huyện miền núi Sông Hinh khi vừa được chia tách.

Bước vào công cuộc đổi mới đất nước, gia đình ông Sơn đi đầu trong khai hoang vỡ hóa, tăng gia sản xuất.

Với chủ trương đó, gia đình ông Sơn đã khai hoang 33.030m2, được UBND thị trấn Hai Riêng xác nhận theo biên bản kiểm kê năm 2005 và được khẳng định lại năm 2006. Trong tổng số diện tích khai hoang, có giấy phép sử dụng đất nhà ở là 3.000m2, còn lại là diện tích ao hồ nuôi cá và trồng lúa nước hai vụ.

Qua hơn 32 năm (từ 1986 đến nay), gia đình ông Sơn liên tục thực hiện QSDĐ trên diện tích khai hoang, không một tổ chức, cá nhân nào đứng ra tranh chấp. Hơn nữa, mô hình sản xuất lúa nước đầu tiên ở Sông Hinh của gia đình ông Sơn được lãnh đạo huyện phát động, nhân rộng trên toàn huyện. Nhờ đó, các đập dâng nước ra đời, giúp bà con dân tộc thiểu số ổn định định canh, định cư. Đến nay, toàn huyện Sông Hinh có hơn 2.000ha lúa nước 2 vụ, tự túc được lương thực tại chỗ cho trên 40.000 dân.

Chuyển mục đích sử dụng đất phải theo quy định pháp luật

Trước hết, ông Sơn tự xác định: Gia đình ông là gia đình có truyền thống cách mạng của người dân tộc thiểu số. Vợ chồng ông rất tự hào về diện tích khai hoang đưa vào canh tác lúa nước, đã nuôi dưỡng cho những đứa con của mình ăn học khôn lớn và thành đạt, hiện đang công tác ở 3 miền đất nước.

Sau nữa, là đảng viên 56 tuổi đảng, ông Sơn sẵn sàng ủng hộ chủ trương của huyện Sông Hinh: Nâng cấp, mở rộng thị trấn Hai Riêng bằng 5 tuyến đường nội thị. Đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa chính trị - xã hội đối với huyện nhà. Cho nên, việc thu hồi đất để thực hiện chủ trương này là đúng, nhưng phải theo quy định của pháp luật, theo chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta ở vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng tại Điều 2, Quyết định số 1434/QĐ-UBND, ngày 26/9/2017 của UBND huyện Sông Hinh, ông Sơn cho rằng: UBND huyện đưa ra cơ sở pháp lý chung chung khi căn cứ vào Luật Đất đai 2013, Nghị định số 43/2014... mà không đưa ra các điều khoản quy định cụ thể của pháp luật hiện hành để tiến hành thu hồi đất của gia đình ông. Cũng tại Điều 2 của Quyết định này, tổng diện tích đất bị thu hồi 9.753,1m2 của gia đình ông Sơn là không đúng và chưa đầy đủ.

Để chứng minh và phản biện cho hai vấn đề cụ thể nói trên, tại Điều 2 của Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 26/9/2017 của UBND huyện Sông Hinh, gia đình ông Sơn kèm theo hai văn bản, được phân tích rõ ràng theo các điều luật của pháp luật: Một là đơn kiến nghị khẩn cấp ngày 15/12/2017 gửi Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên; Hai là bài báo trên Kinh tế nông thôn ngày 19/12/2017.

Như vậy, trừ phần đất có giấy phép sử dụng 3.000m2 (thuộc loại đất nhà ở), còn trên 30.000m2 đất khai hoang của gia đình ông Sơn đã và đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, trồng cây lâu năm và ao cá) chuyển mục đích sang xây dựng, chỉnh trang đô thị, thị trấn Hai Riêng cần phải tuân thủ đúng quy định pháp luật khi thu hồi.

Cơ sở pháp luật nào để thực hiện cưỡng chế?

Ngày 4/12/2017, UBND huyện Sông Hinh ra Quyết định số 2015 “Về việc cưỡng chế thu hồi đất” đối với hộ gia đình ông Sơn, được ấn định thực hiện vào ngày 26/12/2017.

Ông Sơn cho rằng: Quyết định này không đúng với trình tự thủ tục hành chính, nhất là chưa thực hiện nghiêm Quyết định 861 của UBND tỉnh Phú Yên; và tại Quyết định 861, UBND tỉnh giao Sở TN&MT Phú Yên đôn đốc, hướng dẫn UBND huyện Sông Hinh thực hiện đúng quy trình quy định pháp luật về thu hồi đất đối với gia đình ông. Theo biên bản làm việc ngày 2/11/2017, ông Mai Kim Lộc, Phó giám đốc Sở TN&MT nhấn mạnh: Nếu gia đình tôi (tức ông Sơn) cung cấp được các giấy tờ quy định tại Điều 100 và Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 thì đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ và được bồi thường thiệt hại về đất khi bị thu hồi đất (theo Điểm a, Khoản 6, Điều 6 NĐ22/CP ngày 24/4/1998, hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai).

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên tại Quyết định 861, đại diện Sở TN&MT đã có ý kiến hướng dẫn UBND Sông Hinh thực hiện việc thu hồi đất của gia đình ông Sơn theo đúng các điều 100 và 101 Luật Đất đai 2013 như đã nói ở trên.

Với hành vi vi phạm thủ tục hành chính nói trên, UBND huyện Sông Hinh chẳng những cố tình né tránh việc thực hiện Quyết định 861 và sự hướng dẫn của Sở TN&MT, mà còn tiếp tục ra Quyết định số 2015, ngày 4/12/2017 “về việc cưỡng chế thu hồi đất” đối với hộ ông Sơn.

Ông Sơn cho biết thêm, qua nhiều lần đối thoại, UBND huyện Sông Hinh cố tình vu khống ông tại Văn bản số 391/2011/UBND ngày 17/10/2011: “Trong quá trình làm bí thư, ông Sơn đã chiếm đất của dân làng”. Lẽ ra, ông Sơn phải khởi kiện tội vu khống này từ lúc ấy, làm mất danh dự và uy tín của một cựu Bí thư Huyện ủy khóa đầu của huyện mới Sông Hinh; Bôi nhọ chính sách khai hoang vỡ hóa...  Nay, với thời điểm nhạy cảm, gia đình ông Sơn thống nhất đề cập lại tội danh vu khống của UBND huyện Sông Hinh  và chính thức khởi kiện.

Qua đơn kiến nghị khẩn cấp ngày 15/12/2017 của gia đình ông Sơn và được sự nối tiếp thông tin của Báo điện tử  Kinh tế nông thôn ngày 19/12/2017, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã nắm bắt được và kịp thời chỉ đạo “Hoãn thi hành cưỡng chế” ngày 26/12/2017 đối với việc thu hồi đất của gia đình ông Sơn.

Kiên trì bảo vệ chân lý 

Ngày 29/12/2017, gia đình ông Sơn có đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh đến TAND tỉnh Phú Yên. Qua đơn khởi kiện, gia đình ông Sơn đề nghị tòa xem xét hủy bỏ Quyết định số 1434/QĐ-UBND, ngày 26/9/2017 của UBND huyện Sông Hinh “v/v thay thế, sửa đổi một số quyết định thu hồi đất đối với hộ ông Nguyễn Thanh Sơn”. Công nhận toàn bộ diện tích đất khai hoang 33.030m2 của gia đình ông, trong đó có 3.000m2 đất nhà ở theo giấy phép sử dụng đất ngày 6/6/1998. Buộc UBND huyện Sông Hinh rút lời vu khống ông Sơn tại Văn bản số 391/2011/UBND ngày 17/10/2011 và công khai xin lỗi gia đình ông bằng văn bản...

Vụ việc đang được TAND tỉnh Phú Yên xem xét, phân xử. Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin với bạn đọc.

Phi Công

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top