Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 8 năm 2017 | 5:0

Thu hút đầu tư nhưng phải tuân thủ pháp luật

Việc các địa phương ban hành các chính sách, cơ chế để thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án tại địa phương mình là vô cùng cần thiết. Mong muốn của các doanh nhân về một môi trường kinh doanh ngày càng giảm bớt sự chồng chéo và sức ỳ của thủ tục hành chính là hoàn toàn chính đáng. Song làm thế nào để việc thu hút đầu tư tạo được thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu tuân thủ pháp luật?

Những “tồn tại” được chỉ rõ

Ngày 16/6/2017, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký ban hành Kết luận thanh tra số 265/KL-TTr về việc thanh tra Cty CP Tập đoàn FLC trong việc thực hiện công tác xây dựng theo quy hoạch được duyệt, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và hoạt động kinh doanh bất động sản tại các dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Vừa qua, một số tờ báo đồng loại đưa tin về những sai phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và đầu tư xây dựng tại các dự án do Cty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư mà Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra trong Kết luận thanh tra. Lướt qua các diễn đàn và phần bình luận sau những tin bài, nhìn chung dư luận không ủng hộ những việc làm vi phạm pháp luật đó. Song qua phát biểu của đại diện Tập đoàn FLC và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chúng tôi nhìn nhận và thông tin thêm một cách toàn diện như sau:

Đối với UBND tỉnh Bình Định, Kết luận thanh tra đã chỉ ra 04 nội dung chính:

Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 không phù hợp với đồ án 1/2000 đối với dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý, vi phạm khoản 2, Điều 14 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.

Về nội dung này, ngày 17/5/2017 Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã giải trình với Đoàn thanh tra như sau: Để phục vụ tiến độ thực hiện dự án và kêu gọi thu hút đầu tư trên địa bàn, các Sở, ban ngành và chính quyền địa phương thống nhất trình UBND tỉnh phê duyệt đồ án QHCT 1/500 theo như nội dung chủ đầu tư đề xuất thay cho điều chỉnh QHCT 1/2000.

Đây có thể được coi là cách làm của lãnh đạo UBND tỉnh nhằm thu hút đầu tư. Nhưng đối với quan điểm của cơ quan thanh tra thì đây lại là một hành vi trái pháp luật. Cụ thể tại điểm b khoản 2 Điều 14 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã quy định rõ: “Cấp độ quy hoạch xây dựng phải bảo đảm thống nhất và phù hợp với quy hoạch có cấp độ cao hơn”. Nếu như coi đây là sự “đột phá” về thủ tục hành chính và mô hình này được “nhân rộng” thì đồ án quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có ý nghĩa hay không, khi chủ đầu tư nào cũng đề xuất điều chỉnh và được chấp thuận mà không cần điều chỉnh quy hoạch?

Không phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/500 dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý, vi phạm khoản 1 Điều 20 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.

Về nội dung này, ngày 17/5/2017, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình định có ý kiến tại Biên bản làm việc với Đoàn thanh tra như sau: “Quá trình xem xét đồ án QHCT 1/500 Dự án đã kết hợp báo cáo nhiệm vụ và nội dung quy hoạch thông qua Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Định và Ban Thường vụ Tỉnh ủy”.

Tại khoản 1 Điều 20 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 quy định quy định rõ về trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng như sau: Lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng; Điều tra, khảo sát thực địa; thu thập bản đồ, tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành có liên quan để lập đồ án quy hoạch xây dựng; Lập đồ án quy hoạch xây dựng; Thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng.

Như vậy phải chăng cách làm “nhằm giảm bớt thủ tục hành chính” này của UBND tỉnh Bình Định là phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 mà bỏ qua thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch?

Không ban hành quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết, vi phạm Khoản 3, Điều 12 Thông tư 10/2010/TT-BXD.

Nội dung này Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã thừa nhận tại Biên bản làm việc ngày 17/5/2017 với Thanh tra Bộ Xây dựng. Cụ thể Chủ đầu tư đang yêu cầu đơn vị tư vấn lập quy định, quản lý quy hoạch của dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành theo quy định. Một lần nữa vấn đề lại nằm ở chỗ thực hiện trước, quy định ban hành sau.

Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã cấp phép cho 07 công trình đã thi công hoàn thành; có 05 công trình đã thi công hoàn thành nhưng chưa có giấy phép xây dựng.

Theo đó 07 công trình đã thi công hoàn thành mới được Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cấp phép gồm: Khối khách sạn; nhà Spa; nhà ở cán bộ nhân viên; nhà đa năng; khu tâm linh; các công trình hạ tầng (theo GPXD số 50/GPXD-BQL ngày 30/12/2016) và nhà Câu lạc bộ Golf (club house) (theo GPXD số 59/GPXD-BQL ngày 30/12/2016).


Khối khách sạn – Hạng mục được cấp phép xây dựng sau khi đã thi công hoàn thành (ảnh: Quang Huy).

Đối với 05 công trình đã thi công hoàn thành nhưng chưa có GPXD gồm: Sân tập golf; khu thương mại quảng trường; trạm xử lý nước thải; khu sân golf; khu kỹ thuật sân golf.


Trung tâm hội nghị FLC – Trong dự án là hạng mục Nhà đa năng (ảnh: Quang Huy).

Tại khoản 1 Điều 89 Chương V Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 quy định: Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có GPXD do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này (Điều 2 quy định về các công trình được miễn GPXD).

Việc xây dựng trước, cấp phép sau và xây dựng không phép không thể coi là “những cái hết sức nhỏ, vụn vặt”, như phát biểu của người đứng đầu UBND tỉnh Bình Định.

Đối với Cty CP Tập đoàn FLC, tại Dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý, Kết luận thanh tra đã chỉ ra các nội dung sau: Về quy hoạch không có hồ sơ lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; không có hồ sơ tổ chức cắm mốc giới theo đồ án quy hoạch được phê duyệt; thiếu 3/14 thành phần bản vẽ quy hoạch. Về công tác quản lý chất lượng công trình không có hồ sơ quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình các hạng mục nhà đa năng, nhà spa, hạ tầng kỹ thuật, bể bơi chính, beach club, nhà bảo dưỡng sân golf, khu tâm linh. Về hoạt động kinh doanh bất động sản đã công khai không đầy đủ thông tin về bất động sản, vi phạm khoản 3, Điều 8 Luật kinh doanh bất động sản 2014.

Kết luận thanh tra đã yêu cầu Cty CP Tập đoàn FLC: Buộc kiểm định lại chất lượng công trình xây dựng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định về chất lượng công trình xây dựng. Thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng xây dựng; báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trước khi đưa vào sử dụng theo quy định tại khoản 4, Điều 31 Nghị định 15/2013/NĐ-CP; khoản 4, Điều 31 Nghị định 46/2015/NĐ-CP và hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý khác có liên quan.

Thực hiện việc công bố thông tin bất động sản phải đầy đủ theo quy định pháp luật; chấn chỉnh các đơn vị khảo sát, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động xây dựng; khắc phục các nội dung khác mà Đoàn thanh tra đã nêu tại Báo cáo kết quả thanh tra.

Ngoài ra, trong Báo cáo Kết quả thanh tra cũng đã chỉ ra việc chủ đầu tư tiến hành thi công một số hạng mục: Nhà Club house, khu khách sạn Staffhouse từ tháng 8/2015, trước khi dự án có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (Quyết định số 1122/QĐ-BQL và Quyết định số 1123/QĐ-BQL ngày 13/6/2016 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án) là vi phạm khoản 2 Điều 19 Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13. Cụ thể: “Việc đánh giá tác động môi trường phải được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án”.

Từ chính sách nhằm trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư đến tiền lệ cho việc vi phạm pháp luật

Ngày 21/4/2015, UBND tỉnh Bình Định, Cty CP Tập đoàn FLC và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã ký kết thỏa thuận nguyên tắc đầu tư thực hiện Dự án Khu sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý. Trong đó có 2 nội dung cam kết của tỉnh Bình Định: Chịu trách nhiệm tự mình đăng ký bổ sung sân golf 18 lỗ của Dự án vào Quy hoạch các sân golf đến năm 2020 của Chính phủ và đưa khu vực đảo Hòn Cân vào quy hoạch của dự án. Tạo điều kiện tối đa và đồng ý cho phép FLC triển khai xây dựng công trình Dự án song song với việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan trong vòng 03 (ba) năm kể từ ngày khởi công xây dựng công trình.

Liệu có phải từ 2 cam kết này, Tập đoàn FLC đã được UBND tỉnh cho phép thực hiện dự án theo “cơ chế đặc thù” nhằm thực hiện dự án trước – phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sau; khởi công xây dựng trước – cấp phép xây dựng sau; xây dựng trước – hoàn hồ sơ quản lý chất lượng công trình sau; khai thác sử dụng trước – nghiệm thu công trình sau?

Tóm lại: Luật Quy hoạch số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009 (hiệu lực từ 01/01/2010), Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 (hiệu lực từ 01/01/2015), Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014 (hiệu lực từ 01/01/2015), Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 ngày 25/11/2014 (hiệu lực từ 01/7/2015) là những Bộ luật được Quốc hội thông qua, được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động quy hoạch đô thị, hoạt động đầu tư xây dựng và lĩnh vực bảo vệ môi trường trên lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, tỉnh Bình Định đương nhiên thuộc đối tượng áp dụng và mọi hoạt động liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường, kinh doanh bất động sản của các dự án đều thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật này.

Việc các địa phương ban hành các chính sách, cơ chế để thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án tại địa phương mình là vô cùng cần thiết. Mong muốn của các doanh nhân về một môi trường kinh doanh ngày càng giảm bớt sự chồng chéo và sức ỳ của thủ tục hành chính (như phát biểu của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết trên trang cá nhân) là hoàn toàn chính đáng. Song cũng nên nhìn nhận lại vấn đề một các toàn diện hơn:

Nếu nhìn ở góc độ một doanh nhân, môi trường đầu tư lý tưởng là một môi trường đảm bảo sự công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đem lại nhiều lợi nhuận mà không vi phạm pháp luật.

Nếu nhìn ở góc độ quản lý Nhà nước, người đứng đầu một đơn vị hành chính trước hết phải sử dụng đúng thẩm quyền của mình để ban hành những chính sách thu hút nhà đầu tư nhưng phải đảm bảo đúng Luật.

Nếu nhìn ở góc độ một luật sư chân chính, am hiểu pháp luật và thực sự muốn đóng góp cho nền kinh tế, hãy tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên cơ sở những điều mà “Luật cho phép”, hoặc ít nhất cũng làm những điều mà “Luật không cấm”.

Nếu nhìn ở góc độ của một người dân địa phương, ngoài một số công ăn việc làm được giải quyết, họ chỉ đánh giá được sự đóng góp của một doanh nghiệp ở số tiền nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp đó đóng góp cho Ngân sách tỉnh và số tiền đó được sử dụng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội mà họ có thể tiếp cận như thế nào.

Còn ở góc độ bảo vệ môi trường, hãy nhớ từ sự “ưu đãi đầu tư” mà chính quyền địa phương dành cho Cty Vedan (Đài Loan – Trung Quốc) và Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đến hậu quả mà người dân phải gánh chịu do việc xả thải ra sông Thị Vải hay sự nhiễm độc nặng nề của bờ biển miền Trung như thế nào, cũng bởi những yêu cầu về đánh giá tác động môi trường không được ưu tiên đặt ra và thực hiện nghiêm túc từ giai đoạn chuẩn bị dự án.

Không thể phủ nhận những đóng góp của Tập đoàn FLC trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và giải quyết được công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại nhiều địa phương. Nhưng sự phát triển sẽ thực sự là bền vững nếu sự phát triển không chỉ dựa vào những cơ chế theo kiểu “Luật - Lệ - Ngoại lệ”.

Cũng không thể phủ nhận được những nỗ lực của chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu UBND tỉnh Bình Định trong việc tạo ra các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhà đầu tư có tiềm năng, nhưng nếu cơ chế không phù hợp với quy định của pháp luật thì cần phải xem xét lại. Sẽ là bền vững hơn khi không chỉ tạo ra cơ chế đặc thù cho một doanh nghiệp mà tạo ra cả một môi trường đầu tư đúng Luật và bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp khác. Khi một doanh nghiệp được “xé rào” thì doanh nghiệp khác cũng sẽ muốn làm như vậy, lúc đó đâu sẽ là cơ sở để chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước?

Xin được dùng những trăn trở của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho lời kết của bài viết: “Làm sao để tạo điều kiện thông thoáng và môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đó chính là mục tiêu của Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Và vai trò của các địa phương trong vấn đề này là hết sức quan trọng”.

Nhưng thiết nghĩ, mục tiêu của Chính phủ kiến tạo, phục vụ không có nghĩa là thu hút đầu tư bằng mọi giá, và hơn hết, phải đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật./.

* Bài viết có sử dụng một số tư liệu trên trang điện tử: Vnexpress.net, dantri.com.vn, tienphong.vn, Tuổi trẻ online, trang cá nhân của Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, Kết luận thanh tra và Báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng.

Theo Nguyễn Sơn/Xây dựng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top