Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 9 năm 2016 | 4:14

Thủ tướng: Bảo đảm ATTP, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”

Ngày 27/9, ngay sau khi thị sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Long Biên và xã chuyên sản xuất rau Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với UBND TP. Hà Nội về kết quả thực hiện Chỉ thị 13 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Sáng sớm 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát chợ đầu mối Long Biên, TP. Hà Nội.

Là một trong những chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội, chợ Long Biên cung cấp các loại hoa quả, nông sản, thủy sản cho người dân Thủ đô. Vì vậy, đây cũng là một trong những chợ trọng điểm cần được kiểm soát chặt chẽ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của TP. Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm một số quầy hàng, trò chuyện với các tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại chợ.

Thủ tướng lưu ý các hộ kinh doanh phải mua bán các loại rau quả, nông sản, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho người tiêu dùng. Bà con buôn bán cần giữ gìn đạo đức kinh doanh, không vì lợi nhuận mà mua bán những loại hoa quả có ngâm tẩm, chứa chất bảo quản độc hại, không rõ nguồn gốc, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng và cho chính bản thân.

Làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ biểu dương Hà Nội về những kết quả, nỗ lực tạo bước chuyển biến về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về thành lập Ban Chỉ đạo công tác ATTP do đích thân Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban. Hà Nội đã kết hợp chặt chẽ việc quản lý ATTP theo chuỗi sản phẩm và vùng địa lý dù đây là vấn đề rất khó vì dễ nảy sinh chuyện “quyền anh quyền tôi” hay tình trạng “sông ngăn cách trở”.

Nghe báo cáo của Hà Nội về việc giao phó chủ tịch quận, huyện kiểm tra ATTP 1 lần/2 tuần, chủ tịch xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần/1 tuần, còn phó chủ tịch thì kiểm tra 2 lần/1 tuần, Thủ tướng đánh giá cao công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát của Hà Nội vì một chương trình lớn mà không tổ chức thanh kiểm tra tốt thì không thể thành công. Đây là kinh nghiệm tốt cần nhân rộng ra cả nước. Thủ tướng cũng hoan nghênh việc Hà Nội dùng các xe chuyên dụng để xét nghiệm nhanh thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ nông sản cũng như xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại trong công tác bảo đảm ATTP của Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực như thức ăn đường phố, chợ cóc chợ tạm, thực phẩm chức năng… Về tổng thể, người dân cả nước cũng như Thủ đô vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với chất lượng thực phẩm, còn nhiều vấn đề bất cập phải tiếp tục khắc phục.

Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi việc, mỗi nhiệm vụ bảo đảm ATTP phải có đầu mối chịu trách nhiệm, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”, để xảy ra một vụ việc mất ATTP trên địa bàn mà không ai chịu trách nhiệm.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội quản lý chặt chẽ lò giết mổ gia súc, gia cầm; rà soát, quy hoạch lại các cơ sở giết mổ. Chỉ đạo quyết liệt việc quản lý thức ăn đường phố, phân cấp và giao trách nhiệm cho UBND các phường. Thức ăn đường phố ở Hà Nội phải vào nề nếp, quy trình, sạch sẽ để giới thiệu ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam.

Phải điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm ATTP, để xảy ra ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. “Nếu người dân ăn bánh mỳ của cửa hàng A, hiệu B mà đau bụng, bị ngộ độc thì cần điều tra, xử lý nghiêm chủ cửa hàng bánh mỳ đó chứ không thể để tình trạng giao bán bành mỳ một cách vô trách nhiệm”, Thủ tướng nói.

Hà Nội cần tiếp tục thông tin tốt hơn về thực phẩm an toàn, cảnh báo các loại thực phẩm không an toàn, cơ sở vi phạm để người dân biết; phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm sạch cho Thành phố, bao gồm phát triển các vùng nông sản sạch, có thương hiệu và đẩy mạnh liên kết vùng. Kiểm soát ATTP tại các làng nghề sản xuất bánh, mứt, kẹo, giò, chả, miến…

Thủ tướng đồng ý việc Hà Nội mở rộng mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP theo Quyết định 38 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ra tất cả các huyện, xã, phường, để bảo đảm tính đồng bộ trong thanh tra, kiểm tra. Đồng thời đồng ý giao Hà Nội nghiên cứu mô hình lực lượng phản ứng nhanh để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm ATTP, đẩy mạnh việc tiếp nhận thông tin để xử lý vi phạm.

Đối với các bộ, ngành chức năng, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổng kết mô hình thanh tra chuyên ngành theo Quyết định 38 tại Hà Nội để xem xét việc nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Bộ NN&PTNT phối hợp với Hà Nội xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, nhân rộng mô hình sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGap. Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định hướng dẫn về ATTP tại các chợ, siêu thị.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không an toàn, không rõ nguồn gốc. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm việc bảo đảm  kinh phí cho công tác bảo đảm ATTP theo tinh thần Chỉ thị 13.

PV.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top