Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 3 năm 2020 | 21:22

Thủ tướng: Các gói hỗ trợ phải có hiệu lực ngay đến DN và người dân

Các gói hỗ trợ phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không có cơ chế xin-cho, thiếu minh bạch. “Chúng ta hiểu rằng như một cái lò xo bị nén, cần chuẩn bị tốt để bật ra mạnh mẽ trong thời gian tới”.

Chúng ta phải chuẩn bị tốt mọi điều kiện, có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ, của các cấp, các ngành đối với sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Hỗ trợ không phải là bao cấp cho sự yếu kém. Các gói hỗ trợ phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không có cơ chế xin-cho, thiếu minh bạch. “Chúng ta hiểu rằng như một cái lò xo bị nén, cần chuẩn bị tốt để bật ra mạnh mẽ trong thời gian tới”.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 vào chiều nay, 3/3.

Đề cập đến công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã chủ động triển khai sớm, không để dịch lây lan. “Kết quả rất đáng mừng như vậy, nhưng chúng ta không được chủ quan vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới”, cần tiếp tục theo dõi để đưa ra những giải pháp mới để Việt Nam là đất nước an toàn.

Về tình hình tháng 2 và 2 tháng đầu năm, Thủ tướng nêu rõ, mặc dù chịu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng nhìn chung kinh tế-xã hội của nước ta ổn định và có những điểm sáng. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định.

Tuy nhiên, nhiều ngành, lĩnh vực đã gặp khó khăn, bộc lộ rõ những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực giảm, đặc biệt là du lịch và hàng không chịu tác động rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu. Khu vực dịch vụ chịu tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thời gian tới là “cần hết sức thận trọng nhưng cũng không bi quan”. Trên cơ sở xác định rõ phân tích, đánh giá kỹ tình hình, xem xét những yếu tố tác động, ảnh hưởng để có giải pháp, đối sách cụ thể, phù hợp, kịp thời trong các lĩnh vực.

Huy động mạnh mẽ hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để thực hiện bằng được nhiệm vụ kép đặt ra: Vừa tập trung phòng chống dịch, kiên quyết không để lây lan, vừa nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Chúng ta phải chuẩn bị tốt mọi điều kiện, khắc phục mọi khó khăn, có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ, của các cấp, các ngành đối với sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tạo niềm tin vào thời kỳ mới và đồng thời chuẩn bị tốt mọi điều kiện để phát triển thời gian tới. “Phải biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng và chúng ta hiểu rằng như một cái lò xo bị nén, cần chuẩn bị tốt để bật ra mạnh mẽ trong thời gian tới”, Thủ tướng nói.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

“Tinh thần chung là phải giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có địa chỉ rõ ràng để triển khai thực hiện ngay, không nói chung chung, lòng vòng” Thủ tướng nói và đặc biệt lưu ý các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết là cho du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu.

Hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không phải là bao cấp cho sự yếu kém, trong đó có hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp, hỗ trợ về chính sách tài khóa. Các gói hỗ trợ này phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không có cơ chế xin-cho, thiếu minh bạch.

Thủ tướng nêu rõ, ổn định vĩ mô vẫn là cái then chốt, không để vì các lý do khác làm ảnh hưởng đến mục tiêu này. Chúng ta chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế. Các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị sẵn các kịch bản, phương án và đối sách với tình huống, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và tình hình thế giới, khu vực để không bị động, bất ngờ. Theo dõi chặt chẽ biến động của giá cả, thị trường để góp phần kiểm soát lạm phát. Thủ tướng yêu cầu không tăng giá điện, đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nâng giá.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ vào Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước để ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, nhất là cung ứng tín dụng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, không để thiếu vốn tín dụng.

Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành rà soát, khẩn trương đề xuất phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Cho rằng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ sớm chuẩn bị kỹ nội dung cho hội nghị toàn quốc kiểm điểm trách nhiệm về vấn đề này ngay trong quý I/2020. Với khoảng 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, đây sẽ là kênh quan trọng góp phần cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xã hội, năm ngoái chiếm 34% GDP, thì năm nay, con số này phải cao hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh: Phải tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các địa phương, “đừng để ngâm ngày này sang ngày kia, sở này sang sở kia”. Quy định nào chưa sát thực tế thì phải bãi bỏ, “nhất là xóa bỏ cái quyền tôi, quyền anh, xin-cho”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông sớm trình phương án tổng thể nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản và giảm chi phí cho sản xuất nông nghiệp.

Ngoài các chính sách hỗ trợ phù hợp về thuế, tín dụng, các ngành giao thông, văn hóa, thể thao và du lịch rà soát, có biện pháp cụ thể hỗ trợ, khuyến khích, giảm chi phí kể cả chi phí vận chuyển…

Bộ LĐ-TB&XH rà soát, đánh giá tình hình và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch COVID-19.

Thủ tướng đề nghị công tác thông tin và truyền thông phải góp phần tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân, tuyên truyền các tấm gương trong lao động, sản xuất, chống dịch bệnh COVID-19. Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm hành vi thông tin sai sự thật.

Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top