Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 6 năm 2016 | 4:18

Thủ tướng chia sẻ những vất vả với đồng lương còn khiêm tốn của các nhà báo

Chiều nay (21/6), Bộ TT&TT tổ chức Gặp mặt Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhận định: Cách đây 91 năm, sự ra đời của báo Thanh niên đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nhìn lại quá trình 91 năm qua, báo chí Việt Nam đã có bước trưởng thành vượt bậc cả về nội dung, hình thức, chất lượng,... Đội ngũ nhà báo, phóng viên giỏi về nghiệp vụ, đạo đức trong sáng đang tiếp bước cha anh phát huy truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam. Chúng ta tự hào vì những người cầm bút vẫn là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, vì cuộc sống ấm no của nhân dân”.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Luật Báo chí năm 2016 được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng, rõ ràng, giúp báo chí phát triển lành mạnh. Quy hoạch báo chí đã có tác động lớn, giúp tinh gọn hệ thống báo chí để làm tốt hơn công tác tuyên truyền. Công tác đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên được quan tâm chỉ đạo, hàng ngàn phóng viên được đào tạo, đào tạo lại, tiếp cận phương pháp làm báo hiện đại. Trong bối cảnh hiện nay, còn nhiều mặt trái của mạng xã hội, báo chí còn gặp nhiều khó khăn trong kỷ nguyên số, nhưng tin rằng giới báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, vượt qua thử thách, đưa sự nghiệp báo chí ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin và sự gửi gắm của nhân dân.

Tổng biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu chia sẻ: “Từ tờ báo Thanh Niên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đến nay, lực lượng báo chí đã trở thành một lực lượng hùng hậu với hơn 23.000 hội viên, 838 cơ quan báo chí, ngày càng đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các nhà báo trưởng thành về nhiều mặt, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ ngày càng được nâng cao và chuyên nghiệp hơn. Công nghệ làm báo tương đương và sánh vai các nước trong khu vực.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi tới những người làm báo cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất: “Báo chí là công cụ sắc bén, tuyên truyền, bảo vệ lợi ích của dân tộc, của nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, báo chí đã làm tốt nhiệm vụ thông tin truyền thông về cơ chế chính sách, sự quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước, phản ánh mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế; Tăng cường truyền thông về những nhân tố mới, mô hình hay, cách làm hay, biểu dương người tốt, việc tốt, gắn với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực..., góp phần tạo đồng thuận, xây dựng xã hội ta tốt đẹp hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa các nhà báo lão thành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng trước sự lớn mạnh vượt bậc của báo chí cách mạng Việt Nam, với hơn 800 cơ quan báo chí, hơn 20.000 người đang làm việc trong các cơ quan báo chí, trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ... Đây thực sự là lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Trước những thành tựu đạt được không nhỏ của báo chí, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn đề nghị những người làm báo phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn thách thức với báo chí. Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, internet, 3G, 4G..., báo in đối mặt sự sụt giảm doanh thu khi xu thế người dân sử dụng báo mạng, các báo điện tử cũng phải cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội.

Thủ tướng cũng chia sẻ những vất vả của công việc với đồng lương còn khiêm tốn của các nhà báo, phải rất bản lĩnh tránh cám dỗ của mặt trái thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo các cơ quan báo chí

4 nhiệm vụ trọng tâm của những người làm báo

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng đề nghị những người làm báo Việt Nam cần làm tốt một số niệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục phát huy thành quả của báo chí đã đóng góp trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, khắc phục những hạn chế trong hoạt động báo chí, tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, gương điển hình người tốt việc tốt, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Đảng và trong toàn xã hội.

Thứ hai, báo chí thông tin đa dạng, chính xác, khách quan, trung thực, là kênh phổ biến vừa phản biện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa phản ánh ý kiến của người dân, góp phần giám sát các hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, phản động, tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, chủ động thông tin, bác bỏ nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và toàn xã hội.

Thứ ba, các cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí phải thường xuyên quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Báo chí cách mang phải làm tốt chức năng định hướng xã hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội, hướng người dân tới các giá trị chân – thiện – mỹ. Cùng với việc khen thưởng thành tích tốt, cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, sai phạm trong hoạt động báo chí. Cần sớm triển khai đưa Luật Báo chí 2016 vào đời sống; đồng thời nghiêm túc thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về quy hoạch báo chí.

Thứ tư, đề nghị báo chí làm tốt công tác tuyên truyền phản biện các hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính các cấp, cùng chung tay xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, xây dựng Chính phủ, bộ máy hành chính các cấp liêm chính, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Dương Thanh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top