Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 12 năm 2017 | 2:44

Thủ tướng: "Không để tình trạng lấy nghị quyết năm ngoái để làm năm nay"

Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017 sáng 1/12, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các biện pháp chỉ đạo điều hành năm 2018, các ngành cần xem có gì mới trong chỉ đạo.

Nhìn lại tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có nhiều sự kiện lớn của đất nước. Quốc hội họp kỳ họp thứ 4, có những nghị quyết quan trọng cho năm 2018 và một số nghị quyết khác về giám sát tối cao, thông qua 6 luật. Phục vụ kỳ họp với tinh thần chủ động, các thành viên Chính phủ đã tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 với 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt, đồng thời cũng đưa ra một số vấn đề về bất cập, tồn tại mà cơ quan điều hành cần tiếp tục phấn đấu tốt hơn nữa, triển khai tốt hơn nữa các nghị quyết của Quốc hội.

Trong tháng 11, chúng ta đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, từ nội dung đến công tác lễ tân, hậu cần, an ninh…, được nhiều đại biểu từ các nền kinh tế đánh giá cao.

Một vấn đề nữa nổi lên trong tháng 11 là thiên tai, bão lũ lớn diễn ra. “Cơn bão số 12 đã tàn phá nặng nề 9 tỉnh miền Trung, đặc biệt là Khánh Hòa, Phú Yên”, Thủ tướng nói và cho biết, hôm qua (30/11), Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra khắc phục hậu quả tại Khánh Hòa thì thấy mức độ thiệt hại rất lớn. Riêng Khánh Hòa có 45 người chết, mất tích. Hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền bị hư hỏng, các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà xưởng bị thiệt hại, sập đổ. Những cơ sở hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học đến nay chưa có đủ vật liệu, nhân công để sửa chữa toàn bộ.

Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, không để người dân bị đói, không có chỗ ở; không để hỗ trợ đi sai địa chỉ, sai mục đích, tiếp nhận tài trợ, viện trợ, nhất là viện trợ nước ngoài cần kịp thời hơn.

Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận khi còn 1 tháng nữa kết thúc năm 2017 và chuẩn bị cho Nghị quyết 01 về các biện pháp chỉ đạo điều hành năm 2018, trong đó, tập trung góp ý về các mặt tồn tại, bất cập.

Điểm lại các kết quả đạt được trong tháng 11 và 11 tháng của năm 2017, Thủ tướng cho rằng “những con số mà chúng ta ước báo cáo Quốc hội thì qua tình hình tháng 11 khẳng định chúng ta đã nhận định đúng”. Trong quá trình xây dựng báo cáo, các cơ quan chức năng đã xem xét con số một cách khách quan, chính xác, cụ thể.

Thủ tướng nêu một số tồn tại, bất cập và đề nghị các thành viên Chính phủ

góp ý kiến một cách thẳng thắn nhất. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại phiên họp, Thủ tướng nêu một số tồn tại, bất cập để “các thành viên Chính phủ góp ý kiến một cách thẳng thắn nhất”. Đó là thiên tai gây thiệt hại lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành tập trung khắc phục, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tiếp tục triển khai “chứ không phải qua bão là thôi”. Giải ngân vốn đầu tư còn chậm, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc như bạo hành trẻ em, nhất là cấp mẫu giáo; lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo; đầu tư tiền ảo, vấn đề hàng giả, hàng nhái; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; hóa chất nhỏ lẻ độc hại…

“Chúng ta chỉ còn đúng 1 tháng nữa là kết thúc năm 2017, khối lượng công việc còn rất lớn nên không được chủ quan”, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo để hoàn thành toàn diện mục tiêu đề ra.

Thủ tướng đề nghị phân tích, lý giải rõ mặt tồn tại để có biện pháp khắc phục tốt hơn, nhất là chuẩn bị cho năm 2018, đồng thời lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với từng ngành, từng lĩnh vực để đưa vào Nghị quyết 01 về điều hành kinh tế-xã hội năm 2018, “không để có tình trạng lấy nghị quyết năm ngoái để làm năm nay”. Các bộ, ngành liên quan xem xét, chốt lại các vấn đề quan trọng trong điều hành để thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện kế hoạch, nhất là thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Trung ương, Quốc hội đề ra. 

 

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cũng đặt vấn đề các ngành, các cấp cần làm gì để tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành? Nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí là gì?...

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phát biểu về các vấn đề phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh, đối ngoại để Chính phủ thảo luận, thống nhất chỉ đạo triển khai thực hiện.

Dự thảo Nghị quyết 01 sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng với các địa phương vào cuối tháng này. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại Hội nghị, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình Thủ tướng ký ban hành và triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2018.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top