Sáng 29/1, tại cuộc gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong tương lai xa, chúng ta cần vươn lên làm chủ cả 5 không gian và mong các nhà khoa học sẽ phát huy vai trò to lớn trong việc hiện thực hóa điều này.
Đánh giá cao các ý kiến, Thủ tướng bày tỏ, 300 giáo sư, tiến sĩ có mặt trong hội trường hôm nay, đại diện cho 4 triệu trí thức Việt Nam, “xin mỗi người một trang giấy đóng góp cho sự phát triển của Tổ quốc”. Đây là một trong những cách làm tốt để tập hợp trí tuệ của đội ngũ nhà khoa học. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa để đối thoại, lắng nghe các ý kiến phản biện từ các nhà khoa học đối với các thể chế, chính sách.
“Thành quả của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước có sự đóng góp to lớn, trực tiếp của lực lượng trí thức và các nhà khoa học nước ta”, Thủ tướng nêu rõ. Trong lịch sử, dân tộc ta luôn coi trọng vai trò của trí thức, “phi trí bất hưng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong một lần trả lời báo chí nước ngoài, đã nói: Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc, ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế.
Bày tỏ vui mừng thấy đội ngũ trí thức, lực lượng khoa học công nghệ ngày càng phát triển nhanh, to lớn, trưởng thành vững vàng, Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng đội ngũ trí thức, nhân tài. Không có nhân tài thì không thể phát triển được đất nước. Nhưng có nhân tài rồi mà không trọng dụng thì sẽ càng khiến đất nước suy yếu. “Do đó, đặt câu hỏi sử dụng trí thức như thế nào và trí thức làm gì cho đất nước, là những vấn đề lớn”.
Thủ tướng chia sẻ về chuyến công tác vừa qua của ông tới Davos, Thụy Sĩ, dự Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nơi được ví như “phiên chợ các ý tưởng”. Tại đó, Việt Nam đã mang đến thông điệp hết sức mạnh mẽ, thể hiện khát vọng và quyết tâm trở thành một quốc gia đổi mới sáng tạo, một nền kinh tế liên kết sâu rộng với kinh tế toàn cầu. Tại đây, Việt Nam đã ký với WEF thoả thuận hợp tác về xây dựng Trung tâm cách mạng công nghệ 4.0 tại Việt Nam. Trung tâm trên sẽ được kết nối với các trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF tại Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trí thức, nhà khoa học. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Năm nay, Chính phủ đưa ra phương châm hành động “12 chữ”: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả. Sẽ có sự “bứt phá” hơn nữa trên các lĩnh vực, bứt phá không chỉ về kinh tế, mà cả về xử lý tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, bứt phá về kiến tạo phát triển, chủ động hơn trong phòng chống thiên tai…
Vì vậy, để phát triển đất nước nhanh và bền vững, đòi hỏi chúng ta cần phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí thức, khơi dậy và huy động được sức sáng tạo của người Việt Nam. Đây là thách thức, là bứt phá, đồng thời là cơ hội cho những người làm khoa học, công nghệ đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Thủ tướng mong muốn đội ngũ trí thức, khoa học, kể cả trong nước và Việt kiều, kể cả các nhà sáng chế không chuyên, học sinh, sinh viên đóng góp vào khát vọng dân tộc, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, “làm sao dân ta giàu hơn, nước ta mạnh hơn”. Trong tương lai xa, chúng ta cần vươn lên làm chủ cả 5 không gian: Đất, nước, trời, vũ trụ, không gian mạng và các nhà khoa học có vai trò rất lớn giúp làm chủ các không gian này.
Nhấn mạnh cần chú trọng tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên Thủ tướng lưu ý tập trung hơn cao hơn vào một số lĩnh vực: Một là, biến đổi khí hậu khi Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng này; thứ hai, an toàn, an ninh năng lượng - một cân đối lớn của nền kinh tế, “bánh mì” của sự phát triển. Thứ ba, là chăm sóc con người, khoa học của sự sống, Thủ tướng lấy ví dụ, tuổi thọ của người dân hiện nay lên tới 74 tuổi nhưng nhiều người đến 60 tuổi bắt đầu ốm yếu, nên phải nghiên cứu làm sao để sau tuổi 60 vẫn khỏe mạnh.
Thứ tư là nông nghiệp, bởi đa số người dân sống ở nông thôn, “làm sao người dân ở vùng sâu, vùng xa có thể thanh toán điện tử thông qua điện thoại thông minh”. Thứ năm là khoa học xã hội, đặc biệt là khoa học quản lý để phát triển, khoa học pháp lý để bảo về quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Nhất trí với các ý kiến rằng để khoa học công nghệ phát triển thì cần thể chế, pháp luật tốt, Thủ tướng cho rằng chính sách về kinh tế, thuế và các chính sách khác đối với khoa học công nghệ còn nhiều vấn đề. “Chúng tôi tiếp thu vấn đề này để làm sao không chỉ đổi mới tư duy phát triển mà còn phải đổi mới chính sách về tài chính, kinh tế để cởi trói cho khoa học công nghệ” và quản lý tài chính như thế nào để phù hợp với khoa học công nghệ, như chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo Thủ tướng, hầu hết các tài nguyên càng khai thác càng kiệt quệ nhưng trí tuệ, năng lực sáng tạo càng khai thác, sử dụng càng thêm giàu có, phong phú. “Nước ta có may mắn là người Việt rất thông minh, sáng tạo, chăm chỉ. Dân tộc ta có truyền thống trọng hiền tài, được coi là ‘nguyên khí quốc gia’, trí thức yêu nước luôn được xã hội trân trọng, tôn vinh. Chúng ta vui mừng đội ngũ trí thức trong nước và nước ngoài đều đang phát triển mạnh. Đó là tiềm lực vô cùng to lớn mà không phải dân tộc nào cũng có được. Đảng, Nhà nước luôn mong muốn phát huy tốt nhất tiềm năng quan trọng này để trở thành nguồn lực, sức mạnh cho phát triển đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế quốc gia, củng cố và hun đúc thêm niềm tự hào dân tộc, tự hào mang dòng máu Lạc Hồng”.
“Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều trăn trở, làm sao để trí tuệ, năng lực người Việt Nam được tỏa sáng, đóng góp cho sự phát triển phồn vinh của đất nước”, Thủ tướng bày tỏ.
Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng đã trả lời, cho ý kiến đối với một số kiến nghị cụ thể, trong đó, Thủ tướng cho biết, sẽ có đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật từ Trung ương tới địa phương./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.