Sáng nay (17/11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong ngày 2 ngày 15 và 16/11.
Các đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế), Thái Trường Giang (Cà Mau)... chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giải pháp cụ thể cơ cấu lại nông nghiệp; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước; giải pháp đột phá ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí;...
Về cơ cấu lại nền kinh tế, Thủ tướng, nhấn mạnh giải pháp kiện toàn thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển các sản phẩm chủ lực; phát triển các tập đoàn kinh tế lớn,... trên tinh thần hội nhập sâu rộng, không để thua trên sân nhà.
Về tái cơ cấu nông nghiệp, cần đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; giải quyết vốn, tín dụng ưu đãi; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh, xây dựng các chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến đầu ra,...
Về giải pháp đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tiếp cận đất đai, thuế, năng lượng, thủ tục đầu tư,...
Về giải pháp triển khai chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Thủ tướng yêu cầu cần xử lý nghiêm các vi phạm, tích cực trồng, chăm sóc bảo vệ rừng, hạn chế di dân tự do, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với bảo vệ rừng...
Về biến đổi khí hậu, nước ta là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng trực tiếp biến đổi khí hậu. Việt Nam có chương trình hành động cụ thể giao từng Bộ, ngành, địa phương đối phó trong phạm vi quốc gia và từng địa phương và đã dành một phần kinh phí để làm.
Các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Cạn), Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng), Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Phan Viết Lượng (Bình Phước), Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), Phạm Phú Quốc (TPHCM), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)... chất vấn về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân; giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, bảo vệ chính đáng sản phẩm sản xuất trong nước; giải pháp đầu tư cho giáo dục (phát triển đội ngũ nhà giáo, miễn học phí cho học sinh phổ thông); giải pháp tận dụng tối đa các hiệp định hội nhập mang lại; giải pháp xử lý hiện tượng phạt cho tồn tại (ẩn sau đó là thương lượng, mặc cả, tư túi); xây dựng, áp dụng văn hóa từ chức; giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM, tiến độ di dời các trường đại học, cơ quan ra khỏi nội đô, nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng đô thị; giải pháp xây dựng 1 - 2 trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước ngang tầm khu vực; giải pháp lâu dài, đột phá để khắc phục sự cố môi trường biển và lũ lụt ở các tỉnh miền Trung...
Khẳng định tầm quan trọng của công tác tiếp dân, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần bố trí cán bộ đủ năng lực, phẩm chất để theo dõi xử lý; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo;...
Đồng tình với quan điểm đại biểu nêu về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp và hàng hóa sản xuất trong nước; thực hiện tốt cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chất lượng cao; xây dựng cơ chế để phát triển các tập đoàn, công ty lớn của đất nước...
Về thể chế "phạt cho tồn tại" cần nghiên cứu rà soát, tổng kết, đánh giá lại quy định, không để xảy ra tiêu cực. Về văn hóa từ chức, Thủ tướng tiếp thu ý kiến này, khẳng định văn hóa từ chức là cần thiết và giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất quy định cụ thể.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng trình bày các giải pháp về phát triển giáo dục; giải quyết vấn đề quy hoạch, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM; kiên quyết không bù lỗ, bán khoán, cho thuê các doanh nghiệp đã "đắp chiếu"; xây dựng cơ chế hình thành trung tâm kinh tế tài chính lớn của đất nước tại TPHCM, Hà Nội;...
Về giải quyết sự cố môi trường ở miền Trung, Thủ tướng khẳng định nếu lặp lại ô nhiễm môi trường sẽ đóng cửa Formosa. Về phòng chống lũ, đây là ứng phó thiên tai, nên cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ vừa cấp bách, vừa lâu dài, Thủ tướng mong đồng bào miền Trung phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo để vượt qua khó khăn thách thức...
Phát biểu bế mạc Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau 2 ngày rưỡi làm việc tích cực và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành các nội dung phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2. Các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng. Tổng cộng có hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, trong đó, có hơn 20 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, có hơn 35 lượt đại biểu đặt câu hỏi tranh luận.
Quốc hội hoan nghênh sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao của tập thể Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng trong việc trả lời chất vấn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vẫn còn có nhiều tồn tại, hạn chế, thách thức cần phải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực trả lời chất vấn lần này cùng với các thành viên khác của Chính phủ tiếp tục rà soát, bám sát các nghị quyết giám sát của Quốc hội đã ban hành thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 113 ngày 27/11/2015 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội Khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn để tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thành các yêu cầu của Quốc hội về các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện các giải pháp có hiệu quả để thực hiện các yêu cầu của Quốc hội tại kỳ họp này.
D.Thanh
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.