Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 1 năm 2019 | 22:35

Thủ tướng: Tiếp dân cũng phải ghi âm, ghi hình

“Tiếp dân cũng phải ghi âm ghi hình, hỏi cung cũng phải ghi âm ghi hình, quy định như vậy để đảm bảo quyền con người. Đó là những cải cách rất quan trọng trong hệ thống”, Thủ tướng nhấn mạnh.trong Hội nghị của ngành Tư pháp.

Tiếp dân cũng phải ghi âm ghi hình
 
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019 chiều 8/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong thành tích chung của đất nước có sự đóng góp của ngành Tư pháp.
 
Đánh giá kết quả của ngành Tư pháp, Thủ tướng nhận định, ngành tư pháp với khối lượng công việc khá lớn nhưng thực tế chính sách, chế độ cho người làm tư pháp còn hạn chế. Đặc biệt, rất ít cán bộ pháp chế, tư pháp được cất nhắc lên các vị trí cao.
 
ttg-tp.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
"Nhất là ở địa phương ít ông tư pháp nào lên phó chủ tịch, vì ông tư pháp hay nói, hay cản, nhiều người không thích", Thủ tướng nói.
 
Thủ tướng đánh giá cao công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật; làm tốt công tác gác cửa trong thẩm định văn bản và gác gôn trong các tranh chấp quốc tế.
 
Năm 2018 công tác thi hành án dân sự cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, thụ lý thi hành án đạt và vượt chỉ tiêu. Ngành đã thi hành án xong 600.000 việc với số tiền thi hành án thu về 35.000 tỷ đồng.
 
Thủ tướng nói. "Tôi rất mừng khi nghe Bộ trưởng nói đồng chí Tổng cục trưởng Thi hành án mới vững vàng, ngay ngắn. Tôi nói ý này là để nhắc các cục trưởng thi hành án địa phương có vững vàng, ngay ngắn không. Tôi theo dõi nhiều năm thì năm nào cũng có mấy ông ở tù vì đây là lĩnh vực dễ lạm dụng quyền lực, dễ áp dụng pháp luật sai”
 
Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành như công tác xây dựng thể chế, pháp luật còn nhiều bất cập, có văn bản mới ban hành phải sửa đổi bổ sung, còn tình trạng xin rút, xin lùi.
 
“Đây là một khuyết điểm trong hệ thông cần rút kinh nghiệm không chỉ Bộ Tư pháp. Trước QH hay nói đây là tình trạng ‘bắc nước chờ gạo’, nước sôi sùng sục mà gạo chưa tới”, Thủ tướng nhắc nhở.
 
Nhắc đến hàng loạt sai phạm trong quản lý nhà nước như vụ AVG, Thủ Thiêm, vụ đất đai ở Đà Nẵng, Khánh Hoà…, Thủ tướng đặt vấn đề: “Cán bộ tư pháp suy nghĩ gì với trách nhiệm là người gác gôn cho lãnh đạo đã tham mưu hết trách nhiệm chưa, hay góp ý mà không được nghe?”. Ông nhấn mạnh đến sự mạnh dạn tham mưu của người làm tư pháp trong việc can gián để sai phạm ít xảy ra…
 
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý một số tồn tại trong việc đưa luật vào cuộc sống, đào tạo đội ngũ luật sư, giám định tư pháp… và đề nghị ngành tư pháp khắc phục tình trạng “ngứa trên đầu gãi dưới chân”.
 
Nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng yêu cầu ngành Tư pháp chỉ rõ nội dung bứt phá là gì để đạt kết quả hơn năm vừa qua.
 
Đồng thời, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, xứng đáng là nhạc trưởng, gác cửa thẩm định tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của các quy định và là người gác gôn trong các tranh chấp quốc tế.
 
Cùng với đó là cải cách tư pháp, xây dựng luật đồng bộ giữa kinh tế với cải cách tư pháp và các lĩnh vực khác.
 
“Tiếp dân cũng phải ghi âm ghi hình, hỏi cung cũng phải ghi âm ghi hình, quy định như vậy để đảm bảo quyền con người. Đó là những cải cách rất quan trọng trong hệ thống”, Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ còn lưu ý xem xét xử lý các văn bản trái luật đưa ra khỏi hệ thống. Các dự án luật nhạy cảm, liên quan đến người dân phải tuyên truyền, giải thích rõ, sai là phải rút ngay.
 
Ý kiến trái chiều xung quanh quy định của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội  
 
Người đứng đầu Chính phủ đã nêu rõ quan điểm của mình về việc ghi âm ghi hình trong việc tiếp công dân và hỏi cung. Làm việc này để bảo đảm quyền của con người.  
 
Tuy nhiên, ngày 3/1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân thành phố (tại số 34, Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và số 20 Hoàng Diệu, quận Hà Đông). Bản nội quy nêu ra những quy định chung về tiếp dân như địa điểm, thời gian, lịch tiếp dân định kỳ…
 
Nội quy này cũng đưa ra 10 điều yêu cầu các công dân thực hiện khi đến trụ sở tiếp dân như: không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xuyên tạc, vu khống, kích động gây mất trật tự trong trụ sở tiếp công dân hoặc có hành động xâm hại, xúc phạm, cản trở cán bộ tiếp công dân làm nhiệm vụ và các hoạt động của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân…
 
Đặc biệt, tại nội quy này, ghi rõ công dân: “không quy phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.
 
Quy định này đang có rất nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận của xã hội.
nhuong.jpg
Đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng
 
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, đọc quy định trên thấy không phải khi cán bộ tiếp công dân sẽ cấm hoàn toàn việc người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm. Quy định này dành quyền chủ động cho công chức quyết định, nghĩa là nếu cán bộ tiếp công dân đó đồng ý thì người dân cứ quay phim, ghi âm bình thường cuộc làm việc.
 
Theo đại biểu Nhưỡng, quy định nêu trên cũng là cần thiết để tránh tình trạng có người quay phim xong đưa lên mạng với mục đích không lành mạnh làm ảnh hưởng đến công việc của nhà nước. Vấn để thứ hai, trụ sở tiếp công dân là cơ quan công quyền, tại đó phải có nội quy khi công dân đến làm việc phải tôn trọng nội quy. “Khi quay phim, chụp ảnh đối với không ít cán bộ tiếp công dân họ cảm thấy bị phân tâm, làm việc khó. Nhưng cũng có người cảm thấy bình thường. Với quy định nêu trên thì việc công dân được quay phim, chụp ảnh, ghi âm hay không phụ thuộc vào quyết định của cán bộ tiếp công dân tại đó”, Phó Ban Dân nguyện nói.
 
Phó Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: Nếu tôi tiếp công dân ai đó muốn quay phim, ghi âm thì cứ thoải mái. “Bởi, thứ nhất khi công dân đã quay phim, ghi âm thì tôi càng làm việc cẩn thận hơn. Thứ hai, khi mình làm việc đúng quy định của pháp luật, động cơ trong sáng, không có gì khuất tất thì không ngại chuyện ai đó quay phim hay ghi âm”, ông Nhưỡng bày tỏ.
 
xuyền.jpg
Đại biểu QH Bùi Văn Xuyền
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng quy định này của UBND TP.Hà Nội là không phù hợp. Dẫn việc ghi âm, ghi hình đối với CSGT đang làm nhiệm vụ đã từng gây tranh cãi trước đây, đại biểu Xuyền cho rằng, cán bộ tiếp dân cũng đang thực thi công vụ, không phải tư cách cá nhân và không thuộc phạm vi bí mật đời tư. “Nếu ghi âm, ghi hình CSGT được, thì tại sao không ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân được?”, đại biểu Xuyền đặt vấn đề. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, việc ghi âm, ghi hình như thế nào và sử dụng các âm thanh, hình ảnh đó ra sao lại phải tuân theo những quy định của pháp luật tương ứng.
 
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI), cũng cho rằng quy định cấm quay phim, chụp ảnh khi tiếp công dân là trái với quy định của Luật Tiếp cận thông tin. Theo ông Đức, khoản 4, điều 3 Luật Tiếp cận thông tin quy định: “Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, chỉ có Quốc hội mới có quyền hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân.
 
Cũng theo ông Đức, việc hạn chế quyền quay phim, chụp ảnh khi tiếp công dân cũng rất bất hợp lý. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, người dân có quyền khởi kiện một hành vi hành chính của cán bộ, trong đó có cán bộ tiếp dân. Nếu cấm người dân quay phim, chụp ảnh, là đã tước đi quyền thu thập chứng cứ của người dân, trước nguy cơ quyền lợi bị xâm phạm bởi hành vi của cán bộ tiếp dân.
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top