Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 6 năm 2020 | 21:58

Thủ tướng: Tuyệt đối không để làn sóng thứ 2 của COVID-19 ở Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “không có câu chuyện mở cửa ào ạt”, không thể vì mục tiêu nôn nóng phát triển mà mở cửa để ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay (24/6) về phòng chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “không có câu chuyện mở cửa ào ạt”, không thể vì mục tiêu nôn nóng phát triển mà mở cửa để ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta thực hiện mục tiêu kép và việc bảo vệ sức khỏe nhân dân là rất cần thiết, do đó, việc mở cửa cho chuyên gia, lao động bậc cao, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cần giám sát, xử lý, giải quyết chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, phá đi thành quả quan trọng mà chúng ta phấn đấu được trong thời gian qua. “Không có câu chuyện mở cửa ào ạt”. Trong chỉ đạo, phải nâng cao tinh thần cảnh giác để không vấp phải sai lầm trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Không thể vì mục tiêu nôn nóng phát triển mà mở cửa để ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Cần quan tâm hơn nữa đến các biện pháp phòng bệnh chủ động. Khi xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng thì phải tập trung khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời.

Cần tăng tần suất chuyến bay để đưa người Việt Nam, các nhà đầu tư, chuyên gia, công nhân lành nghề vào Việt Nam cũng như đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động, học tập nếu nước đó chấp thuận. Quy định rõ hơn quy trình, thủ tục giải quyết cho chuyên gia, các nhà đầu tư, lao động kỹ thuật vào Việt Nam; công khai hóa, tạo thuận lợi hơn nữa việc đưa người Việt Nam có nhu cầu về nước. Không để trình trạng lấy lý do phòng dịch mà gây khó khăn cho các đối tượng khi nhập cảnh.

Nhấn mạnh chưa mở cửa đón khách du lịch, Thủ tướng nêu rõ, mọi chuyên gia, lao động bậc cao, nhà đầu tư đều được vào Việt Nam với phương thức cách ly phù hợp. Bộ Y tế chủ trì xử lý vấn đề này cùng Bộ Ngoại giao.

Ngành y tế, các ban chỉ đạo theo dõi, bám sát mọi diễn biến, kiên trì thực hiện 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly phù hợp, khoanh vùng và dập dịch trong quá trình chỉ đạo giai đoạn tới.

Các cơ quan báo chí truyền thông tiếp tục thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh để người dân yên tâm. “Chúng tôi không loại bỏ tình hình quốc tế và khu vực để xem xét mở các chuyến bay thương mại quốc tế nhưng thời điểm thì chúng tôi đề nghị các đồng chí tính toán cụ thể”, Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia; nhấn mạnh tinh thần đề cao cảnh giác. Bộ Y tế bảo đảm duy trì năng lực, sự sẵn sàng đáp ứng của hệ thống đối với các tình huống dịch bệnh.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

UBND TPHCM, Hà Nội cũng như các tỉnh có cửa khẩu hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường thủy quốc tế lựa chọn khu vực an toàn cho các thương nhân thực hiện việc trao đổi, ký kết với các đối tác khi vào Việt Nam.

Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung, đặc biệt đối với bà con về nước.

Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát tại biên giới đường bộ, nhất là các đường mòn, lối mở, phòng dịch chặt chẽ tại các cơ sở cách ly.

Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành chủ động triển khai các giải pháp kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa với thị trường quốc tế, nếu cần thiết, cử các đoàn công tác đến các vùng, địa bàn cơ bản an toàn để thúc đẩy giao thương. “EVFTA đã ký rồi, bây giờ vùng nào an toàn thì thúc đẩy, mà xuất khẩu vẫn là một điều kiện quan trọng để tăng trưởng ở nước ta, chứ không chỉ trao đổi trực tuyến”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Y tế triển khai giám sát xét nghiệm COVID-19 đối với thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH, NHNN chủ trì phối hợp với các cơ quan đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 42, Nghị quyết 84 và các biện pháp khác để xử lý, tháo gỡ những khó khăn cũng như an sinh xã hội.

Các bộ, ngành và các địa phương phải chủ động thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bộ Tài chính đề xuất thu phí cách ly và đề xuất hỗ trợ cho các lực lượng quân đội, nhân viên y tế.

Chính phủ chúng ta tuyệt đối không được để làn sóng thứ 2 về COVID-19 quay lại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, đây là tinh thần chỉ đạo bao trùm nhất để bảo vệ kết quả thực hiện mục tiêu kép.

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top