Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 11 năm 2019 | 19:41

Thừa Thiên - Huế: Vi phạm trong khai thác khoáng sản tại Suối A Lin

Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ ra nhiều vi phạm trong khai thác khoáng sản tại khu vực dự án Nhà máy thủy điện A Lin B1 (huyện A Lưới).

Liên quan đến thông tin báo chí phản ánh thời gian qua, tại dòng suối A Lin (thuộc địa phận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế), một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc xây dựng công trình Nhà máy thủy điện A Lin B1 tại 2 xã Hồng Trung và Hồng Vân để khai thác cát, sỏi trái phép, ngoài khu vực mà UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cấp mỏ. Việc làm này khiến con suối bị "băm nát"; người dân địa phương bức xúc khi tài nguyên khoáng sản bị "rút ruột" trắng trợn, trong thời gian dài mà không vấp phải sự truy cản nào từ các cơ quan, chính quyền Nhà nước sở tại.
 
vùng-lòng-hồ-dự-án-nhà-máy-thủy-điện-a-lin-b1.jpg
Vùng lòng hồ dự án Nhà máy thủy điện A Lin B1 (Nguồn: THẢO VI - http://baodansinh.vn)
Trước sự phản ánh mạnh mẽ của báo chí, việc kiểm tra, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại A Lin đã được các cơ quan chức năng Thừa Thiên – Huế vào cuộc. Ngày 12/8/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành được quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn bộ việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn huyện A Lưới đối với Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Phú (sau đây gọi tắt là Công ty Trường Phú, chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện A Lin B1) và các tổ chức liên quan.
 
Trong Quyết định số 1936/QĐ – UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày 12/8/2019 về việc thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành nêu rõ: "báo cáo kết quả thanh tra về UBND tỉnh trước ngày 21/9/2019". Song, phải đến ngày 10/10/2019, Đoàn thanh tra mới có báo cáo số 10/BC – ĐTTrLN để báo cáo sự việc. Đến ngày 29/10 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành Kết luận thanh tra số 403/KLTT – UBND về việc khai thác, sử dụng cát, sỏi phục vụ thi công dự án Nhà máy thủy điện A Lin B1.
 
Theo kết luận thanh tra số 403, để thi công dự án thủy điện nói trên, Công ty Trường Phú đã hợp đồng thuê 4 công ty làm nhà thầu thi công, gồm: Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 – CTCP; Công ty Cổ phần Xây dựng 43; Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô và Công ty TNHH MTV Ngọc Tùng.
 
Mặt khác, tổng khối lượng cát, sỏi cần sử dụng để phục vụ thi công các hạng mục công trình trên địa bàn huyện A Lưới theo thiết kế là 93.151m3. Ngoài ra, các nhà thầu đã sử dụng 1.147,5m3 cát, sỏi để thi công các công trình phụ trợ khác.
 
Đến nay, tổng khối lượng cát, sỏi đã khai thác, sử dụng phục vụ thi công là 78.202m3.
Về từng nhà thầu thi công: Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 – CTCP đã khai thác, sử dụng 59.813m3 cát, sỏi để thi công, trong đó có 28.000m3 được khai thác trong quá trình tuyển đất, đá, cát, sỏi dôi dư khi thực hiện công tác đào móng để đắp đập. Khối lượng khoáng sản này, đơn vị thi công không thực hiện đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra, Thủy lợi 4 cũng chưa kê khai nộp thuế tài nguyên, phí môi trường đối với 2.000m3 cát, sỏi được đơn vị khai thác tại vùng lòng hồ và hạ lưu công trình đập dâng A Lin 3.
đoạn-hạ-lưu-của-suối-a-lin-phía-dưới-đập-dâng-a-lin-3-bị-phá-nát-vì-khai-thác-cát-sỏi-trái-phép.jpg
Đoạn hạ lưu của suối A Lin phía dưới đập dâng A Lin 3 bị phá nát vì khai thác cát, sỏi trái phép (Nguồn: THẢO VI - http://baodansinh.vn)
Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 bị kết luận là chưa kê khai nộp thuế tài nguyên, phí môi trường đối với 30.000m3 cát, sỏi được đơn vị khai thác tại tận thu; không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác đối với 28.000m cát, sỏi tận thu khi thi công đào móng đập và dùng đắp đập A Lin 3.
 
Tổng Công ty Xây dựng 43 đã khai thác, sử dụng 17.500m3, trong đó có 1.200m3 được đơn vị khai thác vượt khối lượng cho phép tại khu vực lòng hồ thủy điện từ ngày 1/12/2015 – 20/3/2016. Đơn vị chưa kê khai nộp thuế, phí đối với khối lượng này. Công ty cũng chưa kê khai nộp thuế, phí đối với 1.000m3 cát, sỏi được khai thác tại khu vực hạ lưu công trình A Lin 3 từ ngày 26/3/2016 – 5/7/2016.
 
Đặc biệt, Tổng Công ty Xây dựng 43 đã khai thác trái phép 11.500m3 cát, sỏi tại khu vực lòng hồ và không thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan. Kết luận thanh tra cho rằng, Tổng Công ty Xây dựng 43 đã khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực lòng hồ A Lin B1 với khối lượng 13.700m3.
 
Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô đã mua 585,6m3 cát, sỏi để thi công các công trình theo hợp đồng. Tuy nhiên trong đó có đến 424,6m3 được đơn vị mua với 2 doanh nghiệp đã thực hiện khai thác trái phép vào năm 2015 tại xã Hồng Quảng, huyện A Lưới.
 
Riêng Công ty TNHH MTV Ngọc Tùng đã mua 45m3 sạn có nguồn gốc từ doanh nghiệp tư nhân vật liệu xây dựng Hùng Sen được khai thác trái phép vào năm 2015 tại xã Hồng Quảng.
 
Về chủ đầu tư, Công ty Trường Phú chưa thực hiện kê khai nộ thuế tài nguyên, phí môi trường đối với 15.113m3 cát, sỏi; thiếu trách nhiệm trong giám sát để các nhà thầu khai thác cát, sỏi trái phép trong khu vực dự án; sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp phục vụ thi công công trình.
 
Cũng theo kết luận thanh tra, vào thời điểm Đoàn thanh tra kiểm tra, tại khu vực mỏ CS3 (được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp cho Công ty Trường Phú để phục vụ dự án Thủy điện A Lin B1) không có hoạt động khai thác cát, sỏi. Dấu vết khai thác trước đó cũng chỉ manh mún, không tập trung. Do khu vuc đo đạc không có hiện trạng địa hình chi tiết trước khi khai thác; dấu vết khai thác đã lâu, bị cỏ và cây dại phủ kín. Do đó, không có cơ sở để tính toán chính xác khối lượng đã đào thực tế. Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng phát hiện và đo đếm được diện tích 26.531,6m2 có dấu vết khai thác vượt ra ngoài phạm vi cấp phép.
khu-vực-mỏ-cs3-do-ubnd-tỉnh-thừa-thiên.jpg
Khu vực mỏ CS3 do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp cho Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Phú có dấu vết khai thác manh mún (Nguồn: THẢO VI - http://baodansinh.vn)
Khu vực hạ lưu đập A Lin 3, dọc suối A Lin khoảng 2km về hạ lưu đập có nhiều vị trí cho thấy dấu hiệu khai thác trái phép. Ngoài ra, Công ty Thủy lợi 4 cũng đã thực hiện sàng, tuyển rửa thu hồi cát, sỏi phát sinh trong quá trình đào móng đập A Lin 3 tại khu vực lòng suối cách đập 500m về hạ lưu.Việc làm này chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, gây bồi lấp lòng suối và chưa có biện pháp bảo vệ môi trường.
 
Đối với việc khai thác cát, sỏi trong khu vực lòng hồ, khu vực thượng nguồn, Đoàn Thanh tra cũng không kiểm tra được do dòng nước đã được chặn và nước dâng cao.
Từ những vi phạm nêu trên, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 – CTCP và Công ty Cổ phần Xây dựng 43, trong đó: Công ty Thủy lợi 4 bị phạt 120 triệu đồng; Xây dựng 43 bị phạt 90 triệu đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng yêu cầu 2 đơn vị này phải thực hiện các khoản nghĩa vụ tài chính liên quan đối với khối lượng mà họ đã tận thu nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ trước đó. Yêu cầu Công ty Trường Phú thực hiện ngay việc kê khai nộp thuế tài nguyên, phí môi trường đối với 15.113m3 cát, sỏi.
 
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng giao Công an tỉnh này xác minh làm rõ, xử lý vi phạm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực suối A Lin đoạn hạ lưu đập, khai thác ngoài phạm vi mỏ được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Trường Phú tại khu vực lòng hồ.
 
Khai thác “vàng đen” ở Bắc Giang liệu có bị xử lý?

Tìm đến khu vực khai thác than nằm trên địa phận thôn Lái. Tại đây, 2 chiếc máy xúc cỡ lớn cùng hàng chục chiếc xe tải đang hoạt động. Tiếng máy móc, khói bụi của than khiến chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi quay lại thăm một làng quê từng rất yên bình, nằm cách xa thành phố Bắc Giang gần 100km.

"Ở đây trữ lượng than nhiều lắm. Từ nhiều năm trước, họ đã khai thác ở An Bá và các xã lân cận. Từ đầu năm đến nay, chủ bãi than mua đất lâm nghiệp trồng keo của người dân sau đó chặt cây đi để đào than phía dưới. Có nhà được họ trả cho vài trăm triệu đồng/đồi keo nên nhiều người đồng ý bán dù biết trái quy định của pháp luật", anh H, một người dân địa phương cho hay.

Qua đó, nơi đây như một "đại công trường" khai thác than. Nhiều quả đồi cây trước kia cao sừng sững thì giờ đây đã bị máy xúc san phẳng, đào sâu xuống lòng đất để khai thác than lộ thiên. Những lời nói của anh H như chưa thể lột tả được hết hiện trường nên anh dẫn chúng tôi ra thăm những con suối, cánh đồng lúa bị ảnh hưởng do nước thải ở bãi than. "Năng suất giờ kém lắm, 1 sào chỉ được hơn tạ lúa, có nhà còn mất trắng, chẳng thu hoạch được gì. Môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng, nhiều hộ dân chán chường bỏ đất không muốn canh tác", anh H than thở.

 

những-đồi-keo-ở-thôn-lái.jpg
Đường dẫn đến đồi keo lầy lội dấu vết của than.  (Nguồn: Cao Tuân - GiadinhNet)

Còn ông T, một cao niên thôn Vá (xã An Bá) ngậm ngùi khi chúng tôi hỏi chuyện. Mấy năm trước, ông thường sang thôn Lái nhặt củi ở đồi keo rồi đi săn bắt chim. Ngày hè, ông thường đưa các cháu ra suối bắt tôm, bắt cá. "Giờ thì tan hoang hết rồi. Chúng tôi lên đồi keo còn phải xin phép những người khai thác than, trẻ con sau giờ học cũng chẳng dám ra ngoài. Con đường độc đạo nối các thôn với nhau bị xe tải chở than hạng nặng tàn phá. Những ngôi nhà ven đường bị nứt toác…", ông T xót xa.

Từ "đại công trường" khai thác, chúng tôi theo dấu những chiếc xe tải chở đầy than để trần hoặc phủ bạt qua loa. Xe tải chở than chạy với tốc độ cao ngay trong khu dân cư và liên tục bóp còi để báo hiệu những nhóm học sinh đi xe đạp tránh đường. Đi khoảng 5km, các xe đến điểm tập kết nằm trên đường tỉnh lộ, rất gần UBND xã An Vá. Theo lời người dân địa phương, buổi sáng nhóm người khai thác và vận chuyển than đi từ 6h. Họ làm liên tục đến chập tối thì nghỉ. Nhóm người này có khoảng chục xe tải, mỗi xe chạy được 16 chuyến/ngày. Tính sơ sơ, mỗi ngày gần 200 lượt xe tải chở than chạy qua khu dân cư.

Anh La Văn Thái, Trưởng thôn Lái tâm sự với chúng tôi rằng, cuộc sống của người dân nơi đây đang bị đảo lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng từ quá trình khai thác, vận chuyển than. Chưa kể những khối núi đất sau khi được bới lên để đào than có thể đổ sập xuống khi bão lũ về, vùi lấp thôn làng nhỏ bé…

Tại buổi làm việc với PV Báo chí, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã An Bá cho biết: "Theo hồ sơ, khu vực khai thác than ở thôn Lái của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản Á Cường. Thế nhưng mỗi đợt lại có một người phụ trách khai thác khác nhau. Trong đợt kiểm tra hồi tháng 9/2019, chúng tôi phát hiện một nhóm người với nhiều máy móc đang khai thác than tại khu vực đất lâm nghiệp của các hộ gia đình. Khi làm việc thì hai bên bảo có thỏa thuận thuê đất bằng giấy viết tay. Ngoài ra, việc khai thác cũng làm đất đá thải và nước than tràn vào ruộng gây ảnh hưởng đến hoa màu của nhân dân. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên Phòng TN&MT và UBND huyện Sơn Động rồi, chứ không phải làm ngơ đâu".

 

on-đường-của-các-thôn-mỗi-ngày-có-hàng-trăm-lượt-xe-tải-chở-than-đi-qua-dẫn-đến-xuống-cấp.jpg
Con đường của các thôn mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải chở than đi qua dẫn đến xuống cấp, ô nhiễm  (Nguồn: Cao Tuân - GiadinhNet)

Ông Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã An Bá cũng cho biết: "Về thủ tục, họ khai thác như thế là không đảm bảo. Nhưng ở góc độ địa phương, chúng tôi cũng không biết được họ khai thác có đúng chỉ giới không. Còn theo giấy phép thì đến ngày 21/11/2019 là hết hạn khai thác. Nhà tôi cũng ở xã An Vá nên ngày nào cũng chứng kiến cảnh xe tải chở than gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến giao thông và tuổi thọ của đường".

"Họ đang xin các cơ quan chức năng gia hạn giấy phép khai thác than. Nhưng nói thật, chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền đừng gia hạn. Họ khai thác kiểu này chỉ "vẽ" thêm phiền cho địa phương, tạo ra nhiều hệ lụy chứ chẳng đóng góp được gì. Người dân kêu nhiều, chúng tôi cũng "chán" lắm nhưng không biết xử lý thế nào?", ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã tiếp lời.

Lạc Sơn – Hòa Bình: Tồn tại vấn nạn khai thác vàng trái phép  

Theo người dân xóm Khướng, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) cho biết, bắt đầu từ tháng 7 năm 2010, gia đình ông Bùi Chí Hưởng, trú tại thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn lên xã Tự Do đề xuất với UBND xã xin được thuê khu vực hợp lưu ba dòng suối tại khu vực xóm Khướng để phát triển trang trại gồm chăn nuôi gia súc gia cầm và nuôi trồng thủy sản.

Xét thấy đơn đề nghị của ông Bùi Chí Hưởng có thể thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình cũng như kinh tế địa phương nên UBND xã đã đồng ý để ông Hưởng tự thỏa thuận với những hộ dân có đất ở khu vực trên. Tuy nhiên, sau khi được sự đồng thuận của chính quyền địa phương và người dân, ông Hưởng đã không phát triển trang trại và nuôi trồng thủy sản như cam kết mà đã huy động nhận lực và phương tiện đến để tiến hành đào đãi vàng một cách trái phép trên nền diện tích lớn bất chấp ngày đêm.

 

việc-khai-thác-trực-tiếp-làm-ảnh-hưởng-đến-dòng-chảy-gây-nguy-cơ-sạt-lở-cao.jpg
Việc khai thác trực tiếp làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây nguy cơ sạt lở cao (Nguồn: Báo Công lý)

Một thời gian sau, nắm bắt được việc làm trái phép, đi ngược cam kết ban đầu, UBND xã Tự Do đã lập tổ công tác xác minh và Chủ tịch UBND xã thời điểm đó là ông Bùi Tiến Nhinh đã có văn bản kết luận: “Vị trí đào bới thuộc thửa đất số 96, tờ bản đồ 318 diện tích khoảng 5000m2. Đây là khu vực hợp lưu của ba con suối (suối cạn), mùa mưa có lưu lượng nước chảy qua cao, dòng chảy xiết, việc khai thác trực tiếp làm ảnh hưởng đến dòng chảy, nguy cơ làm biến đổi dòng, gây nguy cơ sạt lở cao. Qua xác minh cho thấy mục đích đào ao của ông Hưởng là không có cơ sở, mục đích chính là đào đãi vàng. UBND xã Tự Do đã yêu cầu dừng việc khai thác nhưng ông Bùi Chí Hưởng không chấp hành mà còn mở rộng diện tích, gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng đến tài nguyên đất của xã.”

Tiếp đó, UBND xã Tự Do cũng đã có văn bản báo cáo gửi lên UBND huyện Lạc Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường. Đáng nói là sau kết luận của UBND xã, ông Hưởng vẫn huy động nhân lực và phương tiện tiếp tục việc khai thác vàng và ngày một mở rộng diện tích. Vụ việc ngang nhiên này diễn ra trong 6 năm tiếp theo khiến không ít tài nguyên khoáng sản bị đánh cắp, đồng thời sau nhiều năm cày xới bằng máy móc, môi trường sống của người dân, đất hoa màu canh tác, hoàn lưu dòng chảy đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Bùi Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã Tự Do cho biết: “Suối Khướng có chiều dài 12km chạy qua 3 thôn của xã Tự Do. Giữa năm 2010 ông Bùi Chí Hưởng có lên đề xuất với xã muốn thuê để phát triển du lịch, trang trại, nuôi trồng thủy sản”.

Ông Thiên cũng xác nhận: “Sau khi nhân dân có ý kiến phản ánh, chúng tôi xác minh thì được biết việc khai thác vàng là có thật. Ông Hưởng sử dụng 6,7 công nhân có máy xúc, máy bơm hút và các phương tiện để đào đãi vàng. Chúng tôi đã báo cáo lên Ủy ban huyện, huyện cũng đã về xác minh lập biên bản yêu cầu ông Hưởng dừng ngay việc khai thác nhưng không hiệu quả. Hàng chục biên bản yêu cầu dừng ngay việc khai thác trái phép nhưng với mức độ lớn, phương tiện nhiều nên với chức năng quyền hạn của mình chúng tôi cũng chỉ làm được đến như vậy”.

 

việc-khai-thác-trái-phép-đã-dừng-lại-nhưng-cảnh-quan-môi-trường-bị-xâm-hại-nghiêm-trọng.jpg
Việc khai thác trái phép đã dừng lại nhưng cảnh quan môi trường bị xâm hại nghiêm trọng (Nguồn: Báo Công lý)

 

Phải đến năm 2016 thì công việc khai thác trái phép của ông Hưởng mới dừng lại nhưng cảnh quan môi trường đã bị xâm hại nghiêm trọng, hệ lụy nặng nề về môi trường đến nay chưa được khắc phục.

“Đúng là việc khai thác đã tác động đến cảnh quan và môi trường. Trước dòng suối vốn đẹp nay đã có dấu hiệu sụt lở, dòng chảy bị mở rộng xâm hại vào đất hoa màu của người dân. Nguy cơ sẽ sạt lở và ảnh hưởng tới đất canh tác. Trước nghề nuôi và đánh bắt cá của người dân rất phát triển giờ không làm được nữa do dầu luyn thải ra gây ô nhiễm.”- Ông Bùi Văn Tuấn – cán bộ địa chính xã Tự Do cho biết.

Vì sao hàng chục văn bản của chính quyền yêu cầu ông Hưởng dừng khai thác vàng trái phép vào thời điểm đó không có tác dụng? Liệu có điều gì bất thường? Ai là người phải chịu trách nhiệm và khắc phục những hậu quả gây ra cho môi trường, điều kiện canh tác của người dân? Đó là những bức xúc, những câu khắc khoải của người dân xóm Khướng suốt nhiều năm nay nhưng chưa có câu trả lời.

 

 

Hữu Thắng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top