Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 2 tháng 7 năm 2020 | 10:14

Thúc đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng

Sáng nay (2/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương.

01.jpg
Thủ tướng chủ trì hội nghị với các địa phương. Ảnh VGP/Quang Hiếu

 

Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động với tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.

Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,8% vào mức tăng trưởng chung.

Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.

Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507.200 lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

6 tháng, có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo các chuyên gia kinh tế, điểm đáng chú ý là GDP quý II/2020 ước tính chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020 bởi đây là giai đoạn Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội...

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với chủ trương chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân, thì mức tăng trưởng này cũng “không phải điều gì quá tồi tệ”. Thậm chí, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh hầu như “đốn hạ” hết các nền kinh tế lớn toàn cầu.

Thúc đẩy "cỗ xe tam mã": đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, việc sớm kiểm soát được dịch bệnh là một tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, không vì kinh tế mà để dịch bệnh quay trở lại, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Dịch Covid-19 tác động rất mạnh đến nền kinh tế trong quý II khi chỉ đạt tăng trưởng 0,36%. Trong bối cảnh này, ông cho rằng nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là cấp bách hơn bao giờ hết.

 

02.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

 

Tuy nhiên, bài toán phục hồi kinh tế phải đáp ứng được yêu cầu là kiên quyết không để dịch bệnh quay lại Việt Nam. Bối cảnh tình hình thế giới, nhất là các nước đối tác lớn vẫn rất phức tạp.

Không bi quan hay ngại khó, song theo Thủ tướng, cần dự báo tình hình còn rất khó khăn, kinh tế thế giới suy thoái nặng nề, chưa thể phục hồi trong ngắn hạn. 

Nhiều nhóm giải pháp cũng được Thủ tướng nêu ra, định hướng tại Hội nghị.

Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Thủ tướng, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, liên tục những ngày qua 4 lần tăng giá dầu, giá thịt lợn còn cao, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng.

Vì thế, cần nhìn rõ rủi ro bên ngoài và bên trong để có giải pháp kịp thời; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, tạo nền tảng ổn định và phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng ví cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như "cỗ xe tam mã", gồm 3 cấu phần quan trọng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. "Phải dùng mọi biện pháp để thúc đẩy cỗ xe tam mã này, tạo động lực cho phát triển đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, về điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, tinh thần được Thủ tướng quán triệt là không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà còn phải tiến công để phát triển, dư địa tài khóa và tiền tệ của Việt Nam còn lớn. Do đó, đặt câu hỏi việc duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ có phải là giải pháp đúng trong bối cảnh hiện nay hay không, trong khi các nước bơm tiền, tăng thâm hụt ngân sách… để kích thích tăng trưởng.

Thứ ba, trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc giải ngân 6 tháng đầu năm chỉ đạt 33%, giải ngân ODA đạt 10%, trong khi còn 700.000 tỷ đồng vốn chờ.

Thứ tư, khi thị trường quốc tế và cầu nội địa giảm, phải có biện pháp gì để mở rộng thị trường mới, kích cầu tiêu dùng nội địa. Thủ tướng đặt câu hỏi việc đáp ứng nhu cầu của 100 triệu dân nước Việt thì đã làm tốt chưa. Do đó, các bộ ngành phải có chính sách để tận dụng điều này.

Thứ năm, Thủ tướng nhắc nhở các bộ ngành phải rà soát quy định của pháp luật, giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

“Tinh thần phải phục vụ nhân dân, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp mới tạo được động lực phát triển. Các anh cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó khăn, khó dễ cho nhà đầu tư thì không bao giờ tạo được động lực”, Thủ tướng lưu ý.

Thứ sáu, phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị… Theo Thủ tướng, những cái này rất mới, địa phương nào biết chỉ đạo sẽ góp phần phát triển kinh tế rất lớn.

Thứ bảy, làm thế nào để thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vốn tư nhân, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Thủ tướng cho rằng nhiều nguồn vốn sẽ không vào Việt Nam nếu không tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng và các điều kiện thu hút khác. Thủ tướng yêu cầu phải bỏ ngay những điều bất hợp lý, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân.

"Chúng ta đã đi được nửa chặng đường, còn 180 ngày nữa. Cần có hành động quyết tâm cụ thể hơn, để vượt qua khó khăn trong năm đại dịch này", Thủ tướng nhấn mạnh.

 

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

  • Chào năm mới 2024! Dấu ấn vị thế mới hướng đến thịnh vượng

    Chào năm mới 2024! Dấu ấn vị thế mới hướng đến thịnh vượng

    1. Năm 2023 đã qua đi trong niềm vui và sự tự tin.

Top