Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 4 năm 2018 | 12:57

Thúc đẩy xuất khẩu: Phải “siết” chất lượng hàng hóa

“Sản xuất mà không quản lý tốt khâu đầu vào để có nền nông nghiệp sạch thì khó xuất khẩu”, Thủ tướng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu vừa diễn ra.

6.jpg
Đưa tôm vào dây chuyền chế biến tại Nhà máy chế biến thủy sản Kim Anh ở Sóc Trăng. Ảnh: ÀP

Những kỷ lục xuất khẩu

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương.

Năm 2017, Việt Nam có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 20 và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như: điện thoại các loại và linh kiện (45,27 tỷ USD, tăng 31,9%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (25,9 tỷ USD, tăng 36,8).

Nhóm hàng nông, thủy sản cũng có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng có tăng trưởng cao như thủy sản đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%; rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42,5%, hạt điều đạt 3,52 tỷ USD, tăng 23,8%...

Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Năm 2017, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 7 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu được mở rộng, phát triển theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa; cơ cấu thị trường xuất khẩu về cơ bản tốt, đặc biệt đối với nhóm hàng công nghiệp. Năm 2017, thị trường Mỹ chiếm 20,6% xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp (35,8 tỷ USD), thị trường EU chiếm 17,6%; tổng cộng 3 thị trường khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) chiếm gần 30%.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập. Xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA đều ghi nhận tốc độ tăng cao trong năm 2017: ASEAN tăng 24,2%, đạt 21,68 tỷ USD; Trung Quốc tăng 61,5%, đạt 35,46 tỷ USD; Nhật Bản tăng 14,8%, đạt 16,8 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 30%, đạt 14,8 tỷ USD; Australia tăng 15,1%, đạt 3,3 tỷ USD; Chile tăng 24,1%, đạt 999 triệu USD.

Tỉ lệ nội địa hoá trong sản phẩm xuất khẩu dần được cải thiện. Với việc đầu tư cho các nhà máy sản xuất nguyên liệu, đến nay, tỉ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã được cải thiện rất rõ. Nếu như năm 2000, tỉ lệ nội địa hoá mới khoảng 15-17% thì đến năm 2017, tỉ lệ nội địa hóa của ngành  đạt trên 50%. Không những phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, ngành dệt may còn xuất khẩu được nguyên phụ liệu (xơ sợi dệt các loại có kim ngạch xuất khẩu tăng 22,7%).

Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.

Ứng phó với chủ nghĩa bảo hộ

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, một trong những khó khăn hiện nay là sự quay trở lại của “chủ nghĩa bảo hộ”. Nguy cơ về cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc tuy không lớn nhưng vẫn âm ỉ, dẫn đến tâm lý không an tâm cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018".

Dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, lần đầu tiên sau nhiều năm, Mỹ áp dụng lại biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại (đối với máy giặt). Mỹ cũng sẵn sàng mâu thuẫn với chính mình, thay đổi quy tắc xuất xứ đã được nước này công nhận và duy trì nhiều năm để có thể đánh thuế “chống lẩn tránh” vào tôm xuất khẩu của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá cá tra, cá basa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường.

Để ứng phó, Bộ Công Thương nêu giải pháp tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các DN để chủ động phòng tránh các vụ kiện; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn DN cách ứng phó để giảm thiểu tác động bất lợi. Ngoài ra, nghiên cứu và tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của các vụ kiện “chống lẩn tránh”…

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng nêu rõ sự gia tăng bảo hộ của các nước đối với sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, kể cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, EU… bằng việc đưa ra các rào cản kỹ thuật, thương mại và ngày càng có xu hướng gia tăng, gây khó cho xuất khẩu nông sản.

5 câu hỏi lớn cần lời giải

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chất lượng sản phẩm Việt Nam cơ bản tốt nên mới xuất khẩu được, song đâu đó vẫn còn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, nên phải nâng cao quản lý chất lượng sản phẩm để mở đường cho xuất khẩu.

“Chiếm lĩnh được thị trường cũng là con đường để nền kinh tế Việt Nam chúng ta cất cánh. Thị trường trong nước với gần 100 triệu dân cũng vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng nhất để tăng trưởng, để phát triển bền vững thì cần nhìn vào thị trường toàn cầu.

02.jpg
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc về Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu.

Một nước không cân bằng được xuất -nhập khẩu hoặc nhập siêu cao cũng là cội nguồn của lạm phát cao mà lạm phát cao thì kinh tế bấp bênh, đời sống người dân khó khăn. Do đó, cân bằng thương mại là vấn đề quan trọng trong điều hành. Trước khi sản xuất sản phẩm nào ở trong nước thì cần phải nghĩ đến việc tiêu thụ ở đâu, sản xuất cái xã hội cần chứ không phải cái mình có”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm qua, Việt Nam xuất khẩu trên 200 tỷ USD, trong đó có những ngành hàng có kim ngạch lớn như: Điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp và một số sản phẩm khác mà chúng ta đã tìm ra lối đi cách làm. Theo Thủ tướng, chúng ta gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới với 12 hiệp định FTA đã ký kết và đang đàm phán, cũng như kết thúc đàm phán một số FTA. Đây là điều quan trọng để nước ta không phụ thuộc vào một vài bạn hàng, một vài ngành hàng, góp phần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Nhiều lãnh đạo nước ta, kể cả các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thậm chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đều đi tiếp thị cho sản phẩm của Việt Nam, tìm thị trường mới.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, khó khăn trong thương mại toàn cầu năm nay và những năm tiếp theo luôn hiện hữu do căng thẳng ở nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có nguy cơ của một cuộc chiến thương mại. Xu hướng bảo hộ gia tăng, nhất là những tháng đầu năm 2018, cần nắm bắt vấn đề này để đa dạng hóa trong xuất khẩu. Các nước nâng cao tiêu chuẩn, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm, kể cả quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, bảo vệ thực vật ngày càng khắt khe hơn. “Sản xuất mà không quản lý tốt khâu đầu vào này để có nền nông nghiệp sạch thì khó xuất khẩu”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng nêu ra 5 câu hỏi lớn cần các lời giải đáp của các bộ ngành.

Thứ nhất, làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam? Làm sao để DN Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không chỉ có tôm đông lạnh, cá phi-lê…, không chỉ có chế biến thô?

Thứ hai, có sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu, “có bao nhiêu rào cản mà ngành hàng của các đồng chí đang vấp phải”? Nếu “hôm nay, các đồng chí không phát biểu được hết hay nhiều khi ở hội nghị các đồng chí tế nhị thì viết thư gửi bộ trưởng, gửi Thủ tướng để đưa sáng kiến tháo gỡ”, Thủ tướng bày tỏ.

Thứ ba, làm sao để DN Việt có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu? Các cơ quan ngoại thương, ngoại giao cần làm gì? Cục Xúc tiến thương mại hoạt động như thế nào cho hiệu quả? Vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đến đâu? Công tác tuyên truyền, hướng dẫn DN, hiệp hội, ngành hàng trong thực hiện quy định như thế nào, yêu cầu chất lượng hàng hóa, quản lý truy xuất nguồn gốc ra sao? Cục Cạnh tranh quốc gia cần phải làm gì để chủ động hơn trong bối cảnh hiện nay?

Thứ tư, tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa thế nào, “những hiệp định, ưu đãi thuế có liên quan đến sản xuất trong nước thì các đồng chí có biết rõ không, cần có thông tin gì”?

Thứ năm, khâu nào là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay, ngoại ngữ, hay pháp luật, hay chất lượng, hay cả ba? Các đại biểu cũng có thể đề xuất những chiến lược tổng quan của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu, làm sao để có hệ thống chứ không để rời rạc, “lúc bí chỗ này, lúc gỡ chỗ kia”. Bức tranh lớn về xuất khẩu cần được tiếp cận như thế nào?

Bộ Công Thương cần tiếp tục trả lời 5 câu hỏi mà Thủ tướng nêu ra khi phát biểu mở đầu Hội nghị. Những câu hỏi này có thể chọn lọc, đưa vào những nội dung của Chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy xuất khẩu cả trước mắt và lâu dài với giải pháp tổng thể, chứ không phải chắp vá. “Tỉnh nào, bộ nào cũng có định hướng xuất khẩu với bước đi thích hợp” để góp phần “đông tay vỗ nên kêu” bởi theo Thủ tướng, tỉnh nào cũng có lợi thế về xuất khẩu.

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top