Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 7 năm 2020 | 15:42

Thuốc bảo vệ thực vật sinh học: Tấm vé qua “hàng rào kỹ thuật”

Giải pháp bền vững và chủ động nhất trong công tác bảo vệ thực vật (BVTV) hiện nay là áp dụng chiến lược quản lý dịch hại tổng hợp, trong đó coi trọng việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và thiên địch.

Tuy nhiên, trong nhiều năm sử dụng, thuốc hóa học BVTV đã bộc lộ những mặt tiêu cực, song, để thuốc BVTV sinh học được sử dụng rộng rãi vẫn còn nhiều thách thức.

 

tr9.jpg

Chị Phạm Thị Thơi ở xã Phượng Sơn (Lục Ngạn – Bắc Giang) sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược phòng trừ các đối tượng sâu gây hại trên vườn cam. Ảnh: Đức Thọ.

 

Lạm dụng thuốc BVTV hóa học

Thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đã góp phần lớn vào việc phòng trừ sinh vật gây hại, bảo vệ mùa màng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Chính vì vậy, công tác BVTV được tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, trong nhiều năm sử dụng, thuốc hóa học BVTV đã bộc lộ những mặt tiêu cực, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp an toàn, ô nhiễm môi trường và gây ra những hậu quả không mong muốn. Việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp tính, mạn tính và nhiều bệnh hiểm nghèo trên người do tiếp xúc với môi trường hoặc ăn phải thực phẩm có dư lượng thuốc.

Không những thế, tình trạng giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng xấu đến thiên địch và các sinh vật có ích, hiện tượng kháng thuốc của sinh vật hại và bùng phát dịch hại, ô nhiễm đất, nguồn nước... đã được thực tiễn chứng minh có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng thuốc BVTV hóa học trong sản xuất nông nghiệp.

Trong ngành trồng trọt, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là cần thiết. Ước tính khoảng trên 35% sản lượng ngành trồng trọt trên Thế giới hiện nay có được nhờ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì năng suất cây ăn quả, rau và ngũ cốc trên Thế giới có thể giảm 78%, 54% và 32% tương ứng. Thuốc bảo vệ thực vật đã giúp nông dân giảm thiệt hại do sinh vật hại gây ra khoảng 35-42%.

Mặc dù, thuốc bảo vệ thực vật đóng vai trò quan trọng không thể phủ nhận, nhưng việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật lại đang là một vấn đề bức xúc, một thực tế đáng lo ngại, gây ra những hậu quả không mong muốn.

 

tr10.jpg
Doveco ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, dùng thiết bị bay để phun thuốc BVTV sinh học cho vườn chanh leo.

 

Tại Trung Quốc, nông dân đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều gấp 3 lần mức bình quân của Thế giới. Tổ chức Hòa bình xanh công bố kết quả nghiên cứu cho thấy 70% lượng thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng tại Trung Quốc không được đưa trúng đích mà thay vào đó được đưa vào đất và nguồn nước (Fan, 2017). 

Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật, khoảng 40% nông dân sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ nguyên tắc “ 4 đúng”. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, bằng việc áp dụng các biện pháp IPM có thế cắt giảm 50% lượng thuốc BVTV hóa học mà vẫn đảm bảo được năng suất và chất lượng cây trồng.

Nhiều người biết tác hại của thuốc BVTV hóa học, do đó, sử dụng thuốc BVTV sinh học hiện được đánh giá là một trong những xu thế bền vững và chủ động trong công tác BVTV, thay thế dần thuốc BVTV hóa học.

Xu thế sử dụng thuốc BVTV sinh học

Những năm gần đây, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học ngày càng nhiều, kể cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Theo dự báo của các chuyên gia và các tổ chức quốc tế có uy tín, giai đoạn 2019- 2024 thị trường thuốc BVTV sinh học sẽ tăng trưởng khoảng 15- 17%/năm với tổng giá trị khoảng 6,6 tỷ USD vào năm 2024. Khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ là nơi có mức tăng trưởng cao nhất. Cũng trong giai đoạn này, giá trị phân hữu cơ vi sinh trên thị trường cũng sẽ tăng trên 10%/ năm.

Tại Việt Nam, thị trường thuốc BVTV sinh học năm 2019 được ước tính có giá trị 30,7 triệu USD, đến năm 2024 sẽ đạt 65,7 triệu USD, với mức tăng trưởng trên 16,4%/năm.

Các chuyên gia đưa ra 5 nguyên nhân chính quyết định việc sử dụng ngày càng nhiều thuốc BVTV sinh học để thay thế thuốc hóa học như sau:

Thứ nhất, do yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp trên Thế giới: Sản xuất nông nghiệp Thế giới vừa phải quan tâm đến việc tăng năng suất, tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực khi dân số tăng nhanh, vừa phải giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; có nghĩa là phải đảm bảo “ tăng trưởng xanh”. Để đáp ứng yêu cầu này, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học và phân bón hữu cơ vi sinh là một sự lựa chọn hợp lý nhất.

Thứ hai, do yêu cầu thị trường và những sự thay đổi trong chuỗi sản xuất thực phẩm: Sử dụng thuốc BVTV sinh học trong bảo vệ thực vật phù hợp với xu hướng thị trường đang có nhu cầu ngày càng cao đối với thực phẩm sạch, an toàn, không bị ô nhiễm các chất độc hại. Diện tích đất canh tác theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn hữu cơ… đang ngày càng tăng nhanh. Riêng tại các nước EU, giai đoạn 2012- 2016, diện tích đất canh tác hữu cơ đã tăng 18,7%. Để sản xuất ra nông sản thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn này cần phải sử dụng phân hữu cơ vi sinh và thuốc BVTV sinh học.

Thứ ba, sử dụng thuốc BVTV sinh học phù hợp với chiến lược kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thị trường thực phẩm của Thế giới: Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm lớn trên thị trường như Tập đoàn Tesco, Wal-Mart… và nhiều doanh nghiệp khác đã có sự thay đổi lớn về chiến lược kinh doanh, chú trọng xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị thực phẩm sạch, thân thiện môi trường, không bị nhiễm các chất độc hại nhằm phục vụ và thu hút khách hàng ngày càng tốt hơn.

Như vậy, người sản xuất cần phải sử dụng thuốc BVTV sinh học và phân hữu cơ vi sinh để thay thế thuốc BVTV và phân hóa học mới đáp ứng được yêu cầu này và có thị trường tốt, ổn định có giá trị cao cho nông sản của mình.

 

tr11.jpg
Ứng dụng thảo mộc trừ sâu Anisaf SH-01 cho vườn rau tại TP.HCM

 

Thứ tư, các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường của các quốc gia trên Thế giới tạo động lực mạnh mẽ, khuyến khích người sản xuất sử dụng thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học: Những năm gần đây, nhiều nước trên Thế giới, đặc biệt là các nước phát triển như EU, Nhật, Mỹ… đang nhập khẩu nhiều nông sản đã đưa ra những quy định pháp luật nghiêm ngặt về mức tồn dư tối đa cho phép đối với các hoạt chất thuốc BVTV trong thực phẩm và tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu.

Với các phương tiện kiểm tra hiện đại, người ta có thể phát hiện nhanh, chính xác được hầu hết các chất thuốc BVTV hiện có dù chỉ với một lượng vô cùng nhỏ, nếu có mặt trong nông sản thực phẩm. Để vượt qua hàng rào kỹ thuật này, sự lựa chọn khôn ngoan và hiệu quả nhất của người sản xuất và xuất khẩu nông sản là sử dụng các thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học.

Thứ năm, thành tựu về nghiên cứu, phát triển thuốc BVTV sinh học giúp khắc phục các nhược điểm và phát huy ưu thế và hiệu quả sử dụng thuốc sinh học bảo vệ thực vật tốt hơn: Những năm gần đây, các nhà khoa học tại nhiều nước đã tập trung nghiên cứu, phát triển được nhiều loại thuốc BVTV sinh học chứa các vi sinh vật có ích, nguồn gốc tự nhiên, thảo mộc… không những có hiệu lực cao mà còn có giá thành sản phẩm thấp, dễ bảo quản, dễ sử dụng… Đây sẽ là động lực cho người sản xuất, người kinh doanh và người sử dụng thuốc BVTV sinh học .

Ngoài ra, thông qua các chương trình khuyến nông và truyền thông, nhận thức, hiểu biết của nông dân về vai trò và ưu điểm của thuốc BVTV sinh học trong bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, cộng đồng và môi trường sinh thái ngày càng được nâng cao cũng là một nguyên nhân quan trọng của việc sử dụng rộng rãi hơn, hiệu quả hơn thuốc BVTV sinh học trong thời gian tới.

Nông dân chưa mặn mà với thuốc BVTV sinh học

Mặc dù có nhiều ưu việt, nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng, nhưng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học hiện vẫn chưa được nông dân sử dụng rộng rãi.

 

tr12.JPG
Ứng dụng Thảo mộc trừ sâu Anisaf SH-01 cho vườn chè.

 

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta chi từ 500 - 700 triệu USD, để nhập khoảng 35 nghìn tấn thuốc BVTV hóa học. Trong đó, thuốc diệt cỏ chiếm 48% (tương đương 19 nghìn tấn), còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh...

Chính vì vậy, khối lượng hoạt chất thuốc BVTV trên 1ha cây trồng lên đến 2kg, trong khi một số nước khác trong khu vực chỉ từ 0,2 - 1kg/ha. Bên cạnh đó, có hơn 30% người dân sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định, chủ yếu là không đảm bảo liều lượng và nồng độ, người dân không có bảo hộ lao động...

Khắc phục tình trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời công bố rộng rãi thông tin danh mục 231 hoạt chất, với 721 tên thương phẩm thuốc BVTV sinh học, để nông dân biết và sử dụng. Tuy nhiên, phần vì thói quen, phần do thuốc BVTV sinh học thường tạo ra hiệu quả tương đối chậm và điều kiện bảo quản khắt khe hơn, nên nông dân vẫn chuộng các loại thuốc BVTV hóa học.

“Sâu cắn lá nhiều lắm, nếu dùng thuốc BVTV sinh học, không biết đến khi nào mới diệt hết sâu. Vậy nên, tôi đành phải phun thuốc BVTV hóa học, mới mong có rau để bán”, bà N.T.S, người trồng rau ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), lý giải.

Ngoài vấn đề diệt trừ sâu bệnh nhanh, theo bà S, phun thuốc trừ sâu cũng là việc “chẳng đặng đừng”, vì vừa gây hại bản thân, vừa ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu không sử dụng thuốc trừ sâu, rau không đẹp, người tiêu dùng chê không mua. 

Cùng với việc tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của người sản xuất về vai trò, lợi ích của các chế phẩm sinh học và thuốc BVTV sinh học, để nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học, rất cần sự chung tay đồng hành của chính quyền các cấp, cũng như sự vào cuộc của các doanh nghiệp (DN) và đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV sinh học. Bởi thực tế, việc tuyên truyền sử dụng thuốc BVTV sinh học hiện vẫn chỉ là “khẩu hiệu”, phụ thuộc vào ý thức người sản xuất, chưa được “hiện thực hóa” bằng các hành động, giải pháp cụ thể.

Rào cản lớn nhất là nhận thức

Ông Lê Quang Khải - cán bộ kỹ thuật của nông trường VinEco (thuộc Masan) kể, tại các trang trại của mình, dù đã có sự thống nhất cao để áp dụng đồng loạt nhưng hiệu quả đến nay vẫn chưa cao và chi phí giá thành tăng lên.

 

tr13.jpg
Phân bón lá Bud Booster (Tiêu chuẩn GAP) được sử dụng rất rộng rãi.

 

Theo ông Khải, trong thống kê danh mục thuốc BVTV, chỉ có khoảng 20% là thuốc sinh học và thảo mộc, còn lại là thuốc hóa học. Trong cơ cấu cây trồng cũng có sự mất cân đối khi 90% loại thuốc tập trung cho cây lúa. Chỉ có số ít sản phẩm cho các cây trồng khác.

Cũng theo ông Khải, VinEco đang tuân thủ và hướng tới việc sử dụng thuốc theo các tiêu chuẩn của nước sở tại. Nhưng ở điều kiện trong nước, nhiều cây trồng chưa có thuốc sử dụng hoặc rất ít loại thuốc, khiến doanh nghiệp không thể trồng các loại rau đó và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Tại các trang trại của VinEco, lượng thuốc BVTV đăng ký sử dụng một số loại rau đặc thù, có tiềm năng xuất khẩu như măng tây, cà rốt, cải thảo... là không nhiều. Với măng tây là hoàn toàn không có nên sản phẩm này cũng gặp vấn đề về kiểm dịch, phát hiện bọ trĩ trong quá trình xuất khẩu đi Hàn Quốc.

Theo PGS - TS Phạm Thị Vượng - nguyên Viện trưởng Viện BVTV, cái khó trong sử dụng thuốc BVTV sinh học lâu nay tồn tại ngay từ khâu nhận thức, ở cả cán bộ khoa học và lực lượng quản lý, chỉ đạo sản xuất. Nhiều người tin rằng, chỉ có thuốc BVTV hóa học mới có thể giải quyết được tất cả các dịch hại một cách dễ dàng.

Theo bà Vượng, từ những năm 1980 đến nay, Nhà nước đã đầu tư nhiều nhân lực cho lĩnh vực này và cũng đã có nhiều sản phẩm tốt. Hiện nay, nhiều nông dân, trang trại rất muốn giảm lượng thuốc BVTV hóa học nhưng lại không biết rõ thuốc nào là sinh học. Cung, cầu đến nay chưa gặp nhau...

Cần giải pháp đồng bộ

Hiện nay, trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam có khoảng 1700 hoạt chất và hỗn hợp các hoạt chất với gần 4000 tên thương phẩm thuốc BVTV, trong đó có 236 hoạt chất và 745 tên thương phẩm thuốc sinh học. Hàng năm, lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 10 nghìn tấn, chiếm khoảng 10% lượng thuốc BVTV nhập khẩu.

Tuy nhiên, các loại thuốc sinh học có thành phần hữu hiệu là vi sinh vật có ích hầu hết được sản xuất trong nước với quy mô nhỏ lẻ. Trong thực tế, sử dụng thuốc BVTV sinh học, đặc biệt là các chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng còn rất hạn chế, ước tính mới chỉ chiếm 8-10% tổng lượng thuốc.

Bộ Nông nghiệp và PTNT và Cục Bảo vệ thực vật có chủ trương, đến năm 2021 tăng sử dụng thuốc sinh học trong BVTV lên 30% và giảm tương ứng 30% lượng thuốc hóa học. Để thực hiện được kế hoạch này và tăng cường sử dụng rộng rãi hơn nữa thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học trong những năm tới, các chuyên gia cho rằng, cần phải có một số giải pháp mang tính đồng bộ.

Theo đó, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người sản xuất về vai trò, ý nghĩa trước mắt và lâu dài của việc sử dụng các chế phẩm sinh học và thuốc BVTV sinh học và hạn chế thuốc hóa học. Công tác truyền thông cần đặc biệt quan tâm đến người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng lựa chọn các loại thực phẩm được sản suất theo GAP, hữu có… sẽ tạo động lực và bắt buộc người sản xuất phải hạn chế sử dụng thuốc hóa học và chuyển sang sử dụng thuốc sinh học.

Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất nông sản sạch, an toàn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, đồng thời sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học thay thế các thuốc hóa học nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường;

Mặt khác, cần tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm, lành mạnh hóa thị trường nông sản sạch, an toàn, sản phẩm hữu cơ… nhằm tạo động lực cho nông dân và doanh nghiệp trong việc sản xuất, cung ứng các nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn, từ đó khuyến khích việc sử dụng thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học.

Đặc biệt, Cục BVTV đặt hàng, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường tham mưu để Bộ Nông nghiệp và PTNT ưu tiên bố trí kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển và sản xuất các thuốc BVTV sinh học phục vụ sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, ưu tiên nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử các chế phẩm sinh học, tăng cường đào tạo cán bộ , hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng thuốc BVTV sinh học. Cần khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu để đầu tư nghiên cứu, phát triển thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam hoặc các doanh nghiệp khoa học công nghệ được thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực này.

Cục Bảo vệ thực vật cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký thuốc BVTV sinh học, đồng thời tăng cường và nâng cao chất lượng quản lý các loại thuốc này trên thị trường để tránh bị các doanh nghiệp xấu lợi dụng đưa các loại thuốc kém chất lượng ra thị trường làm mất lòng tin của người sử dụng đối với thuốc BVTV sinh học.

Yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về nông sản thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ… ở trong và ngoài nước đang là một động lực và áp lực có hiệu quả khuyến khích người sản xuất sử dụng rộng rãi thuốc BVTV sinh học và phân hữu cơ vi sinh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Đây là một xu thế khách quan, tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây cũng là một cơ hội và động lực mạnh mẽ thúc đẩy công tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất, cung ứng các loại thuốc BVTV sinh học và phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông sản an toàn, chất lượng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

 

 

 

PGS - TS Nguyễn Xuân Hồng
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top