Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 6 năm 2018 | 14:16

Tía tô công nghệ cao xuất Nhật với “giá khủng” 500 đồng/lá

Trang trại tía tô công nghệ cao (trực thuộc Công ty May Hồ Gươm), ở xã Lâm Thao (Lương Tài - Bắc Ninh), đã thành công trong việc xuất khẩu lá tía tô sang Nhật Bản.

Song, không dừng lại ở đó, đơn vị còn dự kiến chế biến chè Matcha, mỹ phẩm (từ thân, lá cây tía tô); trồng nấm kim châm; lan hồ điệp (giống Nhật), trên diện tích 11,6ha, cải tạo từ khu đồng trũng Lâm Thao. Được biết, Bắc Ninh sẽ có những cơ chế, chính sách cởi mở, thiết thực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 

img_2007.JPG
Lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam thăm khu nhà lưới trồng tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản.

 

Xâm nhập thị trường “khó tính” số 1

Thăm khu nhà lạnh, nơi có 50 công nhân đang sơ chế, đóng gói lá tía tô xuất khẩu sang Nhật - tốp thị trường khó tính số 1 thế giới, chúng tôi mới thấy hết sự “lột xác” của người dân Lâm Thao, quanh năm phải đối mặt với việc tìm lối ra cho khu đồng chiêm trũng, nay có cuộc sống ổn định ngay tại quê nhà.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh cho biết, tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2017, tháng 1/2018, chị xin vào làm việc tại trang trại trồng tía tô xuất khẩu. Buổi đầu, để làm quen công việc, chị phải đi học 1 tháng ở tổ kiểm hàng. 

“Tía tô sau khi thu hái đúng quy trình, được đưa vào nhà chế biến, cho vào khay, xịt nước, rồi bỏ trong kho lạnh khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ để đảm bảo độ tươi và cứng lá. Sau đó, đem vào phòng phân loại, đóng gói rồi chuyển ra sân bay Nội Bài xuất thẳng sang các siêu thị của Nhật Bản”, chị Trinh kể.

Đặc biệt, quá trình sơ chế, phân loại rất cầu kỳ, với 4 loại lá kích cỡ và ký hiệu khác nhau: loại nhỏ nhất (M), nhỏ (sẻo), to (ta) và to nhất (2L); mỗi kích cỡ được buộc thành 1 túm (10 lá), đặt ngay ngắn, thành 4 hàng trong khay. Tía tô trồng trong nhà lưới đã sạch, nhưng trước khi đóng gói phải xem kỹ từng lá một, dùng nhíp gắp những hạt đất nhỏ hoặc sâu bám vào (xử lý trong 1 bát nước sạch), sau đó mới buộc túm. Yêu cầu lá cân đối, đẹp, cuống không dài quá, không méo mó, không có lỗ sâu, không giập nát, rách; nếu phạm 1 trong những lỗi trên sẽ bị trả về. Sau khi thử việc 1 tháng, chị Trinh được nhận vào làm việc từ bấy đến nay, với mức lương 5 triệu đồng/tháng (thử việc 4 triệu đồng).

Được biết, tía tô Nhật trồng tại Việt Nam 6 tháng/vụ, mỗi năm 2 vụ. Cây được 30 ngày tuổi thì bắt đầu hái lá, và ngày nào cũng thu hái những lá đạt tiêu chuẩn, hái  3,5 - 4 tháng thì dừng lại. Lá già và thân cây được tận thu để chế biến thành bột, dùng làm trà Matcha tía tô. Hiện, công đoạn sản xuất trà đã qua khâu thử nghiệm và đang chuẩn bị sản xuất đại trà. Điều đặc biệt là, khi đã nghiền thành bột, trà vẫn giữ được màu xanh đặc trưng và mùi vị của tía tô Nhật Bản.

Tính đến thời điểm này, năng suất tía tô đã đạt chuẩn, song, lá xuất khẩu chưa đạt, do chưa thích hợp khí hậu Việt Nam, sâu bệnh còn nhiều. Sau khi thành công sản phẩm trà, Công ty Hồ Gươm còn nghiên cứu sản xuất các loại mỹ phẩm hữu cơ cao cấp, làm đẹp da từ tía tô, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Để có được những thành công như ngày hôm nay, Công ty đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc tìm kiếm các đối tác ở Nhật Bản, để họ chuyển giao công nghệ, tư vấn trồng, chế biến và thu mua sản phẩm cho doanh nghiệp.

Tía tô 500 đồng/lá

Ông Nguyễn Xuân Bằng, Giám đốc điều hành Công ty May Hồ Gươm, cho biết: “Trang trại rộng 11,6ha, trong đó trên 6,6ha trồng tía tô. Mỗi tuần xuất khẩu 1,5 triệu lá, bình quân 6 triệu lá/tháng (lá để 15 - 30 ngày vẫn giữ được màu xanh); giá 1 lá tía tô tại ruộng, mùa hè 300 đồng/lá; mùa đông 500 đồng/lá.  Ngoài tía tô, trang trại còn có 2ha trồng lan hồ điệp theo công nghệ Đài Loan, Công ty thuê phía bạn chuyển giao công nghệ, đào tạo tay nghề cho công nhân và thu mua sản phẩm cho bà con; 1ha sản xuất nấm kim châm, hiện Công ty đã nhập khẩu thiết bị sản xuất nấm hiện đại ở nước ngoài. Trước đó, năm 2017, Công ty đã sản xuất thử nghiệm 2 tấn nấm kim châm, đảm bảo tươi, sạch, cung cấp cho thị trường nội địa, một phần cho các đối tác và được người tiêu dùng đón nhận”.

 

img_2045.JPG
Chọn lọc, đóng gói lá tía tô xuất khẩu sang Nhật

 

Ngoài ra, ông Bằng cũng cho biết, toàn trang trại có 120 lao động nông thôn, tuổi từ 35 trở lên, trong đó có cả người đã hết tuổi lao động, với mức lương bình quân 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Có 22 kỹ sư (4 kỹ sư phụ trách 4 khu ruộng), lương  5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Tất cả đều được ăn trưa miễn phí; cán bộ, công nhân xa nhà được bố trí nhà ở miễn phí. Trước mắt, mặc dù chưa có nguồn thu, công việc chưa đồng bộ, song, hàng tháng Công ty vẫn đều đặn chi trả 600 triệu đồng tiền lương cho cán bộ, công nhân. Chưa kể, trang trại đã đầu tư trên 150 tỷ đồng, với hàng nghìn ngày công để san lấp khu đồng trũng; nhà xưởng sản xuất và mua sắm trang thiết bị.

Cùng đi tham quan mô hình với chúng tôi, GS. TS. Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đánh giá, trang trại sản xuất lá tía tô xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là một trong những cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, được đầu tư hiện đại bậc nhất ở Bắc Ninh. Đây là giống tía tô có lá màu xanh, đem từ nước bạn sang; quy trình sản xuất, thu hái, làm sạch lá, đóng hộp hoàn toàn thủ công, rất cầu kỳ và tốn kém.

“Đáng ghi nhận là, thành công bước đầu của trang trại không những đem lại công ăn, việc làm ổn định cho hàng trăm công nhân và kỹ sư mà còn giúp cải tạo khu vực đồng chiêm trũng, hoang hóa ở Lương Tài thành khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài tía tô, trang trại còn trồng hoa lan thương phẩm, đây cũng là mô hình hay, có thể bước đầu Việt Nam sẽ tự túc được nguồn giống, giảm nhập khẩu. Công ty cũng đã thử nghiệm thành công mô hình nấm kim châm cao cấp cung cấp cho thị trường, song phải lưu ý, vì chi phí điện năng sản xuất nấm rất cao”, Chủ tịch Ngô Thế Dân nói.      

Sẽ có cơ chế hỗ trợ kịp thời

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, ông Nguyễn Xuân Vững, cho biết: “Thời gian tới, Bắc Ninh sẽ có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, và nhiều loại hình trang trại khác nhau. Trong đó, có nhiều mức hỗ trợ (không hoàn lại), cho vay vốn ưu đãi. Thời hạn cho vay ưu đãi dài nhất 12 năm, với số vốn 5 tỷ đồng, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức hỗ trợ thấp nhất 3 tỷ đồng, trung bình 5 tỷ đồng, cao nhất 15 tỷ đồng. Hội Nông nghiệp và PTNT là đơn vị trực tiếp đứng ra lựa chọn trang trại, doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách trên”. 

Mặt khác, theo chủ trương của Tỉnh ủy Bắc Ninh, Hội đã điều tra, thống kê kinh tế trang trại, gia trại trong toàn tỉnh, để có cái nhìn toàn cảnh, khách quan hơn khi hỗ trợ và cho vay ưu đãi. Cụ thể, Bắc Ninh hiện có 2.846 trang trại, gia trại (398 trang trại, 2.448 gia trại), trong đó, 69 trang trại được cấp giấy chứng nhận. Tổng số lao động thường xuyên làm việc trong các trang trại, gia trại là 6.521 người, chiếm 4,92% lao động trong ngành nông nghiệp. Trong đó, lao động và hộ chủ trang trại, gia trại 4.060 người (chiếm 62,3%); lao động thuê ngoài 2.461 người (chiếm 37,7%); lao động thường xuyên trong trang trại 672 người, gia trại 3.388 người; lao động thuê ngoài trang trại 795 người, gia trại 1.666 người. Theo đó, tổng diện tích đất sử dụng của trang trại, gia trại là 2.293ha, chiếm 5,3% diện tích đất canh tác (trang trại 901ha; gia trại 1.392ha). Trang trại hợp đồng 5 năm sử dụng 1.051ha (chiếm 45,83%); hợp đồng 20 – 50 năm 486ha (chiếm 21,21%). Diện tích bình quân/trang trại 2,26ha; gia trại 0,57ha.       

Theo thống kê năm 2016, tổng số vốn đã đầu tư sản xuất của trang trại, gia trại là 1.927,589 tỷ đồng; bình quân 1 trang trại là 1,37 tỷ đồng; gia trại 560 triệu đồng. Trong đó, vốn tự có là hơn 1.591 tỷ đồng (chiếm 82,54%), vốn vay tổ chức tín dụng 229,092 tỷ đồng, chiếm 11,90%; vay ngoài 107,304 tỷ đồng (5,56%). Về thu nhập: tổng thu của 2.846 trang trại, gia trại đạt 1.019,555 tỷ đồng; trong đó, trang trại 337, 621 tỷ đồng; gia trại 641,934 tỷ đồng. Như vậy, bình quân 1 trang trại đạt: 948,79 triệu đồng; gia trại 262,22 triệu đồng.

Được biết, nhờ sự quan tâm của Bắc Ninh từ tỉnh đến cơ sở, các địa phương đang hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong đó có hạng mục đưa trang trại, gia trại ra xa khu dân cư. Điều này đã tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nhiều do kinh tế trang trại, gia trại chưa theo quy hoạch, còn mang tính tự phát; gây khó khăn trong việc quản lý dịch bệnh, giữ gìn môi trường sinh thái. Một số địa phương cho thuê đất thời gian còn ngắn (5- 10 năm) và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên người dân không yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Hoặc, xây dựng hạ tầng kiên cố như chuồng trại, bờ rào, nhất là hệ thống xử lý môi trường.

Từ những khó khăn, thuận lợi trên, Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh (tiền thân là Hội Làm vườn Bắc Ninh) đề xuất: Tỉnh nên sớm ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế trang trại, gia trại; các huyện, thị, thành, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trang trại đủ điều kiện.

Hy vọng, với cách làm sáng tạo, năng động của chính quyền địa phương, Hội Nông nghiệp và PTNT, các trang trại, gia trại, đời sống của người dân và bộ mặt xứ Kinh Bắc ngày càng trù phú, khởi sắc; xứng đáng là địa phương trong tốp đầu của đất nước. 

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top