Báo Kinh tế nông thôn số 31, ra ngày 31/7/2015, có bài: “Mỹ Đức: Chính quyền xã “tiếp tay” cho chiếm đất”, phản ánh việc lấn chiếm đất của gia đình ông Lê Văn Dực, thôn Trung Hòa, Hùng Tiến. Sau khi báo phát hành, chúng tôi tiếp tục liên hệ với chính quyền sở tại làm rõ thêm vụ việc nhưng ngay cả Bí thư Đảng ủy xã cũng bất hợp tác với báo chí.
Bao che cho sai phạm?!…
>> Mỹ Đức: Chính quyền xã “tiếp tay” cho chiếm đất?
Đã hơn 15 giờ nhưng của phòng làm việc của Bí thư và Chủ tịch xã Hùng Tiến đều “cửa đóng then cài".
Theo tư liệu chúng tôi thu thập được, câu chuyện bắt đầu từ ngày 25/3/2003 khi ông Nguyễn Xuân Khâm chiếm đất nhà ông Lê Văn Địch. Lúc này, do phải công tác xa nhà nên bà Lê Thị Sứa (em gái ông Địch) có đơn gửi chính quyền xã Hùng Tiến về những sai phạm của ông Khâm. Trong đơn, ông Bùi Tiến Trọng, Trưởng thôn cũng xác nhận: “Đơn đề nghị của bà Lê Thị Sứa là đúng sự thực, hành động của ông Nguyễn Xuân Khâm là sai, ngang nhiên chiếm dụng của ông Lê Văn Địch, kể cả cái quán hiện nay, gây bất bình trong nhân dân, mất trật tự xã hội ở địa phương, đề nghị các cấp có thẩm quyền xử theo pháp luật”.
Hơn nữa, theo các biên lai thu thuế nhà, đất của thửa đất trên mà ông Dực được nhượng quyền sử dụng thì từ năm 2002 đến nay đều ghi rõ 573m2 và GCNQSDĐ cũng ghi rõ diện tích và kẻ bản đồ cụ thể 573m2 (ông Dực thừa kế từ ông Địch). Mặt khác, theo phản ánh của người dân địa phương, ông Khâm là người “có tiền sử” về chiếm đất người khác và đã nhiều lần tòa án huyện về xử lý nhưng vẫn “ngựa quen đường cũ”.
Khi làm việc với chúng tôi, ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến, cố tình bao che cho sai phạm này. Ông Lịch biện minh: “Hiện nay, 2 mảnh đất này đều có GCNQSDĐ, sau nhiều lần hòa giải nhưng ông Khâm và ông Dực không thống nhất. Nhà phải có ngõ đi, nếu cấm thì ông Khâm không có ngõ đi vào nhà”. Tuy nhiên, sau một hồi “thả giọng” ông này cũng đuối lý: “Nếu không có lối đi thì phải đặt vấn đề với người ta, chúng tôi công việc rất nhiều nên giao cho nhân viên làm”.
Khi được hỏi về GCNQSDĐ nhà ông Khâm có chi tiết kẻ bằng tay (do chính quyền xã cung cấp) chiếm đất nhà ông Dực thì ông Lịch cho hay: “Chúng tôi không kẻ”.
Vậy, ai là người kẻ chi tiết này và trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu khi phát hiện có sai phạm không xử lý? Phải chăng có điều mờ ám?
Chính quyền xã Hùng Tiến biến công sở thành “nhà nghỉ” cho cán bộ trong giờ hành chính.
Né tránh báo chí
Không tìm được tiếng nói chung từ xã Hùng Tiến, ngày 11/8, chúng tôi tiếp tục liên hệ làm việc với UBND huyện Mỹ Đức. Tại đây, ông Trịnh Xuân Viết, Phó chánh văn phòng UBND huyện, cho biết: Chúng tôi có văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với xã xem xét lại hồ sơ cấp đất của hai gia đình. Ở đây là ông Khâm ngang thôi. Riêng ông Dực thì tôi cũng thừa nhận là ông ấy tốt.
“Việc vẽ thêm vào bìa đỏ chính quyền không làm mà do ông Khâm, chỉ cần so sánh hai sổ đỏ là rõ ngay”, ông Viết nhấn mạnh. Đích thân ông Viết cũng gọi điện trực tiếp với ông Nguyễn Đức Cường, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Tiến đặt lịch làm việc cho chúng tôi vào đầu giờ chiều cùng ngày.
Nhưng khi chúng tôi có mặt tại UBND xã Hùng Tiến vào lúc 14 giờ thì thấy phòng làm việc của Bí thư và Chủ tịch UBND xã đều “cửa đóng then cài”. Kiên nhẫn chờ đợi đến hơn 15 giờ và liên lạc nhiều lần vào số máy 0985.278….của ông Cường mà ông Viết cung cấp nhưng không nhận được hồi âm.
Gọi điện không được, chúng tôi nhắn tin giới thiệu tên và nói rõ là phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đến làm việc theo lịch Phó chánh văn phòng UBND huyện hẹn thì được phản hồi bằng tin nhắn: “Bác ơi, bác Cường cháu đi đâu từ trưa chưa về nhà”.
Càng khó hiểu hơn, lúc này, đã hơn 15 giờ nhưng phòng của lãnh đạo xã Hùng Tiến vẫn “im hơi lặng tiếng”. Cùng với đó, nhiều phòng chưa mở cửa, ghé sang phòng Ban chỉ huy quân sự thì có người đàn ông cởi trần đang ngủ.
Thiết nghĩ, công sở là nơi đại diện cho chính quyền, làm việc phục vụ nhân dân, không những tuân thủ tác phong, quy định nơi làm việc và phải gương mẫu trước nhân dân. Nhưng, trước mắt chúng tôi, chính quyền xã Hùng Tiến đã biến nơi công sở thành “nhà nghỉ” cho cán bộ trong giờ hành chính.
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc.
Nhất Nam
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.