Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 7 năm 2015 | 2:19

Tiếp bài “Phú Thọ: Ngang nhiên chặn… sông Hồng”: “Làm láo, báo cáo hay”

Sau khi có bài phản ánh tình trạng đắp đê chặn sông Hồng, đoạn thuộc địa phận xã Mạn Lạn (Thanh Ba - Phú Thọ), ngày 15/7, chúng tôi tiếp tục liên hệ với chính quyền sở tại nhằm có thêm những thông tin mới về vụ việc. Nhưng, câu trả lời nhận được lại theo kiểu “ăn không nói có”...

>> Phú Thọ: Ngang nhiên chặn… sông Hồng

Làm láo...…

Báo Kinh tế nông thôn số 28, ra ngày 10/7/2015 có bài Phú Thọ: Ngang nhiên chặn… sông Hồng”, phản ánh tình trạng một “ông chủ” ngang nhiên đắp cả tuyến đê dài 90m, rộng 8m và cao 6m chặn dòng chảy sông Hồng đoạn thuộc địa phận xã Mạn Lạn mà chính quyền sở tại không hề hay biết.

Hiện trường tuyến đê sai phạm chưa được xử lý dứt điểm nhưng chính quyền xã cho là đã làm xong, còn cấp huyện bảo đảm đạt 50% khối lượng công việc.

Càng “trái khoáy” hơn khi sự việc vỡ lở và UBND huyện Thanh Ba gấp rút ban cả “lệnh khẩn” yêu cầu xã Mạn Lạn xử lý xong trước ngày 10/7/2015 nhưng sự việc đến nay vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Nhằm khách quan thông tin, ngày 15/7, tiếp tục “mục sở thị” tại khu vực chặn sông Hồng ở xã Mạn Lạn, trước mắt chúng tôi là cả tuyến đê sai phạm dài nhưng mới khơi thông được phần nhỏ đoạn ở giữa.

Lệnh khẩn số 01/LKC-BCH ngày 7/7/2015 của chính quyền huyện Thanh Ba chỉ rõ: “Ông Giang (Lưu Văn Giang, ở Hoàng Kim, Mê Linh, Hà Nội - PV) đắp bờ ngang sang bãi nổi sông Hồng tại Km36+500 đê tả thao thuộc địa phận xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba gây cản trở dòng chảy của sông Hồng đã vi phạm Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai năm 2013”.

Đồng thời yêu cầu: “Để kịp thời đảm bảo tiêu thoát lũ trên sông Hồng trong mùa mưa bão 2015, UBND huyện Thanh Ba yêu cầu UBND xã Mạn Lạn chỉ đạo ông Giang ngừng ngay mọi hoạt động đắp bờ ngang bãi nổi sông Hồng tại Km 36+500 đê tả thao và di chuyển đất đá trả lại nguyên hiện trạng ban đầu cho lòng sông. Giao UBND xã Mạn Lạn thực hiện ngay lệnh khẩn cấp này và báo cáo kết quả về Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện trước ngày 10/07/2015”.

Đã hơn một tuần trôi qua nhưng dường như UBND xã Mạn Lạn không màng đến “lệnh” cấp trên. Thậm chí, cách đấy khoảng 300-500m dòng chảy này cũng bị chặn bởi đoạn nhỏ hơn và có hiện tượng đào bới cạnh bờ sông.

Còn tuyến đê lớn chặn dòng chảy sông mà “quan anh” chỉ đạo “quan em” xử lý thì mới khơi thông phần nhỏ nhưng lại theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” bởi, đất được đào từ giữa và cũng đổ ngay tại đầu con đê này.  

... Báo cáo hay

“Mục sở thị” đoạn đê trưa 15/7, chúng tôi tận mắt chứng kiến và có điều kiện kiểm chứng những thông tin về việc xử lý sai phạm. Để khách quan hơn, chúng tôi không vào trực tiếp làm việc với chính quyền mà bấm máy liên hệ với ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND xã Mạn Lạn, trao đổi về tình hình khắc phục “sự cố”, ông này phấn khởi nói: “Chúng tôi xử lý xong hai ngày hôm nay rồi (ngày 13/7 - PV)”.

Ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Ba cũng cho biết: “Sau khi có lệnh khẩn của lãnh đạo, chúng tôi ráo riết thực hiện, khối lượng công việc lớn nhưng được khoảng 50% rồi”.

Tại hiện trường, chúng tôi tiếp tục bấm máy liên lạc với ông Nguyễn Hùng Thắng, Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Ba và cũng thất vọng khi ông này trả lời: “Chúng tôi đang múc sắp xong rồi, được khoảng 50% công việc. Văn bản kết luận giao Ban thanh tra làm trưởng đoàn, sắp tới triệu tập các đơn vị liên quan xử lý, ra quyết định tháo dỡ”.

Thế còn xử lý cấp xã thế nào?, phóng viên hỏi. “Cấp xã thì chưa, chắc ngày hôm nay (15/7) nữa là xong”, ông Thắng nói.

Thật không tin nổi khi chính quyền, ngành chức năng lại cung cấp thông tin thiếu trung thực cho báo chí. Hành động này càng “khó hiểu” khi dư luận hoài nghi có hay không sự “bao che” cho sai phạm ở đây?

Sai phạm này được chính quyền huyện Thanh Ba xử lý thế nào, Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc.

Nhất Nam

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top