Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 1 năm 2016 | 9:25

Tiếp bài “Vụ án “buôn lậu” tại cảng Đà Nẵng: Vật chứng bị bán khi đang điều tra?!”: Cơ quan tố tụng vi phạm luật?

Đã 4 năm kể từ ngày khởi tố vụ án “buôn lậu” xảy ra tại cảng Đà Nẵng, do không đủ chứng cứ buộc tội các bị can nên TAND TP.Đà Nẵng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên, hơn một năm nay, “án” vẫn chưa được xử, còn tang vật đã vội vàng phát mại. Nhiều người cho rằng, rất có thể, chính một số cơ quan tố tụng liên quan vi phạm luật.

>> Vụ án “buôn lậu” tại cảng Đà Nẵng: Vật chứng bị bán khi đang điều tra?!

Ông Liệu  trước TAND TP. Đà Nẵng. Mặc dù tòa đã trả hồ sơ hơn một năm nhưng vụ án vẫn chưa được tiếp tục xét xử.

Hình sự hóa hành vi hành chính?

Ngày 6/4/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan (TCHQ) ban hành “Quyết định khởi tố vụ án hình sự” số 02/QĐ-ĐTCBL, khởi tố Công ty Ngọc Hưng “về tội buôn lậu xảy ra tại cảng Đà Nẵng” với cáo buộc: “Số hàng hóa trên không có nguồn gốc hợp pháp”. 

Tuy nhiên, theo các tài liệu của cơ quan điều tra C44 - Bộ Công an và chính cáo trạng của Viện KSND Tối cao thì, số hàng hóa trên có nguồn gốc từ Lào. Cụ thể, tại trang 53 của “Bản kết luận điều tra vụ án buôn lậu và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Quảng Trị và TP. Đà Nẵng” số 13/KLĐT-C44(P4) ngày 15/10/2013 của CQCSĐT-BCA nêu rõ: “Có cơ sở để xác định năm 2011 Trương Huy Liệu mua lô gỗ trắc và giáng hương của các đối tượng tên Đon và Hón ở Savanakhet-Lào” và “ Số gỗ trên được vận chuyển trên 13 xe ô tô, nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo ngày 17/12/2011; trong đó có 08 xe ô tô biển kiểm soát Việt Nam, 05 xe ô tô biển kiểm soát Lào…” (Trang 3 , Cáo trạng số 14/VKSTC-V1 ngày 7/5/2014 của V1-VKSTC). Tại Điều 100, BLTTHS năm 2003 về “Căn cứ khởi tố vụ án hình sự” quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu phạm tội”. Như vậy, trong vụ án này, liệu TCHQ đã “xác định” được dấu hiệu phạm tội?

Trong vụ án này, Cơ quan cảnh sát điều tra (C44), Bộ Công an đã ban hành “Quyết định khởi tố bị can” số 188/C44(P4) ngày 19/11/2012 và “Quyết định khởi tố bị can” số 189/C44(P4) ngày 19/11/2012, khởi tố bị can đối với ông Trương Huy Liệu và bà Trần Thị Dung, với cáo buộc: “Đã có hành vi không khai so với thực tế tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, khối lượng gỗ giáng hương và trắc xẻ , sản phẩm gỗ trắc và khai khống khối lượng gỗ trắc tận dụng khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Hồng Kông - Trung Quốc”. Tuy nhiên, theo quy định, hành vi “không khai so với thực tế tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, khối lượng và khai khống số lượng khi xuất khẩu” thì ông Liệu, bà Dung cũng chỉ bị xử lý vi phạm hành chính. Vì, tại Điểm b, Khoản 4 Điều 9 của Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định: “Xử phạt đối với hành vi không khai hoặc khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn, không thu: Ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định, người nộp thuế còn bị phạt 10% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn, không thu khai tăng nếu có một trong các hành vi sau đây: Không khai hoặc khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trị giá, mã số hàng hóa, thuế suất, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà Cơ quan Hải quan phát hiện trong quá trình thông quan hàng hóa xuất khẩu”. Như vậy, chiếu theo các quy định pháp luật, liệu đây có phải đã hình sự hóa một hành vi hành chính?

Gỗ nhập khẩu về Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).

Vi phạm thời hạn điều tra bổ sung và quy định về bảo vệ vật chứng?

Tính đến thời điểm hiện nay, vụ án ‘buôn lậu” tại cảng Đà Nẵng đã diễn ra hơn 4 năm. Liên quan đến vụ án này, một người đã tự tử, có ít nhất 3 cán bộ hải quan bị khởi tố, mất việc; cá nhân ông Liệu cũng đã từng bị bắt tạm giam một thời gian dài; tài sản 535m3 gỗ trắc trị giá hàng trăm tỷ đồng của Công ty Ngọc Hưng đã bị bán tháo… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vụ án vẫn chưa được tiếp tục xét xử, mặc dù TAND TP.Đà Nẵng đã trả hồ sơ cho Viện KSND Tối cao để điều tra bổ sung từ ngày 31/10/2014!

Xung quanh việc TAND Đà Nẵng trả hồ sơ cho Viện KSND Tối cao đã hơn một năm nay nhưng vụ án vẫn chưa được tiếp tục xét xử, rất có thể chính cơ quan này đã vi phạm pháp luật tố tụng hình sự(?!). Bởi, tại Khoản 2, Điều 121, BLTTHS số 19/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội về thời hạn điều tra bổ sung, quy định: “Trong trường hợp vụ án do VKS trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do TAND trả lại để điều tra bổ sung, thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng”. 

Ở một diễn biến khác, khi vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan pháp luật nào nhưng toàn bộ vật chứng vụ án là trên 535m3 gỗ trắc đã bị bán tháo! Điều này chiếu theo quy định của BLTTHS thì cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. Bởi lẽ, tại Khoản 1, Điều 76, Bộ luật Tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội quy định về xử lý vật chứng, nêu rõ: “Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do VKS quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do TAND hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử”. Mặt khác, tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24/7/2006 của Chính phủ về Nguyên tắc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ, ghi rõ: “Tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn… Nghiêm cấm mọi hành vi đánh tráo, chiếm đoạt, mua bán trái phép, làm mất mát, hư hỏng…”.

Như vậy là, sau 4 năm kể từ ngày xảy ra vụ án, ít nhất 4 người từng bị bắt giam; lô gỗ trắc trị giá hàng trăm tỷ đồng, là vật chứng vụ án đã bị bán, trong khi vụ án vẫn treo lơ lửng không biết đến bao giờ mới kết thúc! Vì sao pháp luật quy định tang vật phải được quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt, nhưng ở đây, vụ án đang điều tra mà tang vật lại được vội vàng tổ chức bán đấu giá?! Mặt khác, luật quy định, khi TAND trả hồ sơ điều tra bổ sung, thời hạn điều tra bổ sung không quá 1 tháng, nhưng vụ án này, TAND đã trả hồ sơ hơn 1 năm mà án vẫn treo lơ lửng?! Dư luận đang mong chờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, công tâm của Đảng, Nhà nước để làm rõ những uẩn khúc của vụ án này.

Nhóm PV

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top