Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 12 năm 2017 | 5:0

Tìm giải pháp cho quy hoạch xây dựng đô thị vùng ven đô Hà Nội

Hội thảo “Đô thị hóa khu vực ven đô thành phố Hà Nội và những thách thức trong công tác quy hoạch xây dựng” của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã gợi mở nhiều giải pháp quy hoạch phát triển bền vững vùng ven đô Hà Nội.

Theo quy hoạch xây dựng Thủ đô năm 2011 và quy hoạch xây dựng vùng thủ đô năm 2016, vùng ven đô Hà Nội dự định sẽ hình thành các chức năng có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Các chức năng này sẽ làm cho nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ truyền thống sẽ được thay thế dần bằng nền kinh tế tri thức. Vùng ven đô Hà Nội là khu vực tiềm năng thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đầu tư nước ngoài để hội nhập nhanh hơn; góp phần đưa Hà Nội trở thành đô thị “Xanh, Văn minh, Văn hiến, Hiện đại” và đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, quốc tế

Tuy nhiên, nhiều vấn đề nan giải như: áp lực dân số, giao thông, môi trường, bất cập giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn...; sản xuất nông nghiệp hiện ít vùng chuyên canh lớn, việc chuyển giao công nghệ được chú ý nhưng hiệu quả chưa cao; hệ thống  kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa gắn kết với nội đô; đời sống thu nhập của nông dân còn thấp, đang có xu hướng nông dân tách khỏi nông nghiệp dẫn đến đất đai hoang hoá hoặc hiệu quả sản xuất chưa cao.

Đặc trưng sản xuất ngoại thành có các làng nghề là phổ biến ở các đô thị song quy mô sản xuất nhỏ, lao động có kĩ thuật thấp, còn tình trạng ô nhiễm. Liên kết giữa doanh nghiệp, khoa học với làng nghề chưa tạo được quan hệ chặt chẽ, bình đẳng.

Đất đai ngoại thành đang suy giảm nhanh khi đô thị hoá cao. Hiện nay đã vượt qua ngưỡng dự báo: Chiến lược phát triển đô thị năm 1998 dự kiến đến năm 2020 đất đô thị là 450.000ha nhưng chỉ đến 2005 đã lên đến gần 480.000ha. Tình trạng này dẫn đến thiếu kiểm soát ngoại thành, ven đô. Quản lý phát triển ngoại thành hiện được thực hiện theo cơ chế chung về quản lý của chính quyền địa phương. Quy hoạch nông thôn mới ngoại thành được triển khai theo quy định chung về quy hoạch nông thôn mới chung của quốc gia. Chưa xác định tiêu chí đặc thù để phù hợp, gắn với quy hoạch chung đô thị.

Bà Phạm Thị Nhâm, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, cho rằng: Các dự án phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại phải được tiến hành song song với cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ hiện đại, chỉnh trang kiến trúc một số khu dân cư và làng xóm ven đô trong quá trình mở rộng đô thị

Theo quy hoạch được phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, hình thành các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia... Khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế … gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng Quốc lộ 5 và Quốc lộ 1. Khu đô thị Đông Anh phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp và đầm Vân Trì; hình thành khu thể thao mới thành phố Hà Nội và Quốc Gia (phục vụ ASIAD), trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội (EXPO) và vui chơi giải trí của Thành phố. Khu đô thị Mê Linh - Đông Anh phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật cao gắn với dịch vụ hàng không, sân bay Nội Bài, trung tâm trưng bày, hội chợ hoa và trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh… Khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị và các dự án đặc thù đan xen. Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội cần phải xây dựng riêng chính sách “hành lang xanh” để bổ sung thêm công cụ quản lý cho vùng ven đô Hà Nội.

Vùng ven đô, đan xen hoạt động đô thị và nông thôn

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, khu vực ven đô cần tăng cường chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, lựa chọn mô hình sản xuất thích hợp từ sản xuất kinh tế hộ gia đình sang sản xuất quy mô lớn, trang trại... để phát huy giá trị các vùng chuyên canh.

Với mục tiêu thành phố đặt ra "mỗi làng một sản phẩm" rất cần công tác quy hoạch nông thôn phải gắn với tổng thể quy hoạch chung xây dựng để tìm sự gắn kết từ hệ thống giao thông, từ lựa chọn khu vực hợp lý cho đô thị hoá, dành đủ đất thích hợp cho sản xuất làng nghề, đổi mới mô hình quản lý để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đổi mới sản xuất với các làng nghề hiện còn thách thức giữa phát triển, ứng dụng kỹ thuật mới với bảo tồn giá trị di sản, phát triển sản phẩm đặc thù hoặc kết hợp sản xuất với du lịch, làng sinh thái. Lựa chọn mô hình sản xuất hợp lý (hộ cá thể, HTX, doanh nghiệp...).

Từ mô hình cấu trúc đô thị đã xác định sự tồn tại của nông thôn ngoại thành, ven đô là cần thiết nhưng tồn tại phát triển như thế nào để có hiệu quả cần có định hướng từ rà lại quy hoạch, xác lập nghiên cứu quy hoạch với yêu cầu thích hợp đa ngành, vừa ổn định sản xuất, củng cố nông thôn gắn với đô thị hoá của Hà Nội. Rất cần kết hợp xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, quản lý dân số, lao động, an ninh lương thực, giảm thiểu tác động của BĐKH, đáp ứng không gian xanh cho cả đô thị. Lựa chọn mô hình quy hoạch ngoại thành không thể chỉ dựa vào đơn vị hành chính mà cần theo phân vùng chức năng sản xuất lâu dài, với nội dung đổi mới, tích hợp đa ngành xác định bước đi cho từng giai đoạn để đô thị Hà Nội không thể là chắp vá.

Nguyên Hoa

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top