Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 10 tháng 10 năm 2020 | 12:14

Tin 24/7: Miền Trung thiệt hại nặng do mưa lũ

Những ngày qua, mưa lũ tiếp tục hoành hành đe dọa sinh mạng và tài sản nhiều nơi ở miền Trung, thiệt hại vẫn đang tiếp tục tăng.

Miền Trung tiếp tục thiệt hại nặng

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, ngày và đêm 9/10, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 300mm; ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên lượng mưa 40-80mm, có nơi trên 100mm.

 

mua-mtrung.jpg

Báo cáo của các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Nam, đến 18h 9/10/2020, tổng số hộ di dời (chủ yếu theo hình thứ tại chỗ): 8.024 hộ/26.407 người (Quảng Bình 266 hộ/901 người; Quảng Trị 4.604 hộ/15.691 người; TT Huế 2.789 hộ/8.184 người; Đà Nẵng 203 hộ/1.015 người và Quảng Nam 162 hộ/616 người).

Theo báo cáo Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT, tình hình thiệt hại ban đầu tính đến 18h ngày 9/10/2020, như sau: Về người: 05 người chết (Quảng Trị: 02, Quảng Ngãi 01, Gia Lai 1, Đăk Lăk 01); Người mất tích: 08 người (Quảng Trị: 06, Thừa Thiên Huế: 01, Gia Lai: 01); Người bị thương: 04 người (Quảng Bình: 01, Thừa Thiên Huế 03).  Về nhà ở: 33.386 nhà bị thiệt hại, trong đó 04 nhà bị thiệt hại hoàn toàn Về giao thông: Quốc lộ bị sạt lở: 93 điểm (Quảng Bình 9 điểm; TT Huế 16 điểm; Quảng Nam 68 điểm).

Quốc lộ bị ngập: 19 điểm (Quảng Bình 14 điểm ngập sâu từ 0,5 – 0,9m ; TT Huế 5 điểm ngập sâu 0,2 – 0,6m; Tỉnh lộ bị sạt lở: 2.200m (Quảng Bình 50m, Quảng Trị 2.050m; Quảng Nam 95m; Quảng Ngãi 5m). Nhiều đoạn đường tỉnh lộ, huyện lộ bị ngập gây ách tắc giao thông chưa thể thống kê.

Về tàu thuyền: Tàu vận tải: 06 tàu bị sự cố tại tỉnh Quảng Trị. Chìm: 03 tàu: Tàu Vietship TK 12 bị chìm gần khu vực phao số 0 Cửa Việt, Quảng Trị, trên tàu có 05 người, 03 người đã được tàu Vietship 01 cứu, đưa lên tàu, còn 02 người (Trương Công Hậu và Lê Quốc Cường) đang mất tích; Tàu Thanh Thành Đạt 55 bị chìm tại phao số 0, Cửa Việt, Quảng Trị gồm 11 thuyền viên đã được đưa vào bờ an toàn; Tàu Vietship 09 bị chìm ở vùng biển Quảng Trị, 04 người trên tàu đã bơi vào bờ an toàn. Mắc cạn: 02 tàu: Tàu Vietship 01 có 10 thuyền viên mắc cạn cách cảng Cửa Việt khoảng 1,0km: 02 người đã bơi vào bờ an toàn; 08 người còn mắc kẹt trên tàu; Tàu Hoàng Tuấn 26, gồm 12 thuyền viên, mắc cạn tại vùng biển Gio Linh, hiện vẫn giữ được liên lạc.

Hư hỏng, trôi dạt: 01 tàu: Tàu Thanh Thành Đạt 68, gồm 15 thuyền viên, hiện thả neo tại phao số 1, cách cảng Cửa Việt 1,5km.  Tàu cá: Chìm 01 tàu tại vùng biển thành phố Quy Nhơn (lúc 0h/8/10) số hiệu tàu BĐ 97055TS/11 thuyền viên. Biên phòng Bình Định đã cứu hộ an toàn cho các ngư dân. Về nông nghiệp: Lúa bị ngập: 52ha (Quảng Trị 21ha; Quảng Nam 31ha).

Hoa màu bị ngập: 1.957 ha (Hà Tĩnh 250 ha; Quảng Bình 514 ha; Quảng Trị 799 ha; TT Huế 09 ha; Đà Nẵng 53 ha; Quảng Nam 20 ha; Quảng Ngãi 242 ha) Nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại: 772ha (Quảng Trị 538 ha; Thừa Thiên Huế 225 ha).

Gia súc bị cuốn trôi: 21.620 con (Quảng Trị 21.610 con; Quảng Nam 10) Gia cầm bị chết, cuốn trôi: 34.730 con (Quảng Bình 100 con; Quảng Trị 33.800 con; Quảng Nam 830 con).

Về giáo dục: 30 điểm trường bị ngập (Quảng Nam). Về tình hình sạt lở bờ biển: 9.060 m (Thừa Thiên Huế 9.050m; Quảng Trị 10 m).

Xuất siêu 9 tháng cao nhất từ trước đến nay

Theo số liệu mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu của cả nước 9 tháng qua do Tổng cục Hải quan vừa công bố, tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 388,62 tỉ USD.

Trong đó, trị giá xuất khẩu là 202,57 tỉ USD, tăng 4,1% và trị giá nhập khẩu là 186,05 tỉ USD, giảm 0,7%.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm thặng dư ở mức cao nhất từ trước tới nay với 16,52 tỉ USD, cao hơn hẳn con số 7,27 tỉ USD của cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tổng trị giá xuất khẩu trong 3 quý đầu năm nay đạt 202,57 tỉ USD, tăng tương ứng 7,92 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước là nhờ có tới 30/45 nhóm hàng chủ lực đạt tốc độ tăng trưởng dương.

 

xuat-sieu.png

Đó là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,6 tỉ USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 5,18 tỉ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 949 triệu USD...

Tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng qua đạt 186,05 tỉ USD, chỉ giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương giảm 1,33 tỉ USD với 30/53 nhóm hàng có trị giá giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giảm mạnh nhất là các nhóm hàng nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày giảm 2,54 tỉ USD; xăng dầu các loại giảm 1,81 tỉ USD; sắt thép các loại giảm 1,15 tỉ USD; ô tô nguyên chiếc các loại giảm 912 triệu USD...

Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 9 tháng qua vẫn đạt mức tăng ấn tượng, với 6,85 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ thêm thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng qua, Tổng cục Hải quan đánh giá do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa loại hình gửi kho ngoại quan, hàng kinh doanh miễn thuế. 

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính đề xuất cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa gửi kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế đến khi công bố hết dịch Covid-19.

Xuất khẩu rau quả 9 tháng qua đạt gần 2,5 tỷ USD, giảm 11%

 

rau-qua.jpg

Dây chuyền sản xuất Chanh leo tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả tháng Chín vừa qua đạt 250 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đạt gần 2,5 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu rau quả giảm bởi Trung Quốc là thị trường đứng đầu nhập khẩu rau quả của Việt Nam giảm mạnh với mức trên 26% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là lý do khiến thị trường này hiện chỉ chiếm trên 58% thị phần. Giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong 8 tháng đạt 1,31 tỷ USD.

Tuy nhiên, ở nhiều thị trường khác, xuất khẩu rau quả Việt Nam đều có sự tăng trưởng tốt như Hoa Kỳ tăng gần 6%; Hàn Quốc tăng 18%; Nhật Bản tăng 11%, đặc biệt Thái Lan tăng gần 230%.

Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu rau quả giảm còn do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng chiếm tỷ trọng cao giảm. Điển hình có thanh long - mặt hàng chiếm thị phần cao nhất với trên 36% tổng giá trị xuất khẩu giảm gần 6%; chuối chiếm gần 6%, giảm gần 10%; sầu riêng giảm 58,5%; vải quả giảm trên 21%...

Tận dụng lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà thị trường này ưa chuộng như canh dây, dừa, bưởi da xanh, thanh long... đường tàu biển và hàng không.

Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau quả Việt Nam. Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Bởi, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả. Mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá, tạo cơ hội to lớn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường này.

Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

 

nncnc.jpg

Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, sản phẩm làm ra không đủ cung ứng cho các siêu thị, nhà hàng, các tỉnh thành lân cận. Ảnh VOV

 

Hơn 3 năm nay, mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Mạnh Thắng, ở thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cuối năm 2016, ông Thắng đầu tư hơn 2 tỉ đồng, phá bỏ 1 ha cây keo, san ủi mặt bằng, lắp đặt lồng kính, thiết bị phun sương, mua sắm thiết bị trồng rau công nghệ cao. Theo ông Thắng, trồng rau trong nhà kính đảm bảo điều kiện về độ ẩm, ánh sáng. Hệ thống tưới nước tự động giúp rau phát triển tốt. Hiện, mô hình sản xuất rau sạch của ông Nguyễn Mạnh Thắng có diện tích 20.000m2, chủ yếu trồng các loại rau như: Cải cay, cải ngọt, xà lách, khổ qua, dưa leo, bầu, ớt Đà Lạt.

Mỗi năm, trang trại rau của ông cung ứng cho thị trường hơn 500 tấn rau các loại, sau khi trừ chi phí, lãi 550 triệu đồng. Ông Thắng cũng đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Rau, hoa, củ quả Hòa Vang, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 6  - 7 triệu đồng người/tháng.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Rau, hoa, củ quả Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Sản phẩm làm ra tới đâu thì được bà con, các siêu thị thu mua tới đó, bản thân thấy mừng. Trước đây, nhà nước hỗ trợ 50% vốn 2 mô hình của HTX được 2,8 tỷ đồng. Bản thân làm trước rồi được kiểm định hỗ trợ sau. Tôi chỉ mong muốn được sự quan tâm của Nhà nước, Chính quyền địa phương mở mang thêm, tạo công ăn việc làm người địa phương, có thêm sản phẩm cung cấp thị trường mạnh hơn".

5 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Nếu nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây lúa, rau sạch, hoa…thì sẽ được thành phố hỗ trợ 50% giá trị thiết bị máy móc đưa vào phục vụ sản xuất; Hỗ trợ một nửa chi phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, phun sương.

Đến nay, Đà Nẵng đã có hơn 20 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết các mô hình này đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Theo -ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, địa phương đã quy hoạch 2.000 ha đất nông nghiệp công nghệ cao trong đồ án quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030.

“Tại thành phố Đà Nẵng cũng đã có bước tiến rất đáng kể sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đã hình thành các điển hình về tổ chức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn tồn tại trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian tới, cơ chế chính sách của thành phố hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Chúng tôi hỗ trợ về vay vốn, đầu tư hạ tầng sản xuất, hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, về nhà màng, nhà lưới, hỗ trợ công tác quảng bá tiêu thụ sản phẩm” - ông Hoàng Thanh Hòa nhấn mạnh.

Sơn La sẽ phát triển 25.000 ha vùng nguyên liệu nông nghiệp chất lượng cao

Tỉnh Sơn La có kế hoạch phát triển 25.000 ha vùng nguyên liệu nông nghiệp chất lượng cao trong 2 năm tới.

Qua khảo sát các vùng trồng nguyên liệu ở 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh Sơn La cho thấy, giai đoạn từ năm 2020 - 2022, tỉnh sẽ có 25.000 ha diện tích trồng các loại cây, gồm: Chanh leo, dứa, ngô ngọt, rau chân vịt… với sản lượng ước đạt gần 360.000 tấn, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy chế biến rau quả Doveco Sơn La, thuộc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Trong đó, các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu là những vùng nguyên liệu lớn, đa dạng về cây trồng.

 

xoai-son-la.jpg

Vườn xoài trái vụ của bà con xã Hát Lót, (Mai Sơn, Sơn La).

 

Ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La sẽ luôn đồng hành cùng Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh nói chung trong việc phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo cho nhu cầu của các nhà máy hoạt động hiệu quả trên địa bàn.

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top