Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 6 năm 2020 | 14:27

Tin 24/7: Nhập khẩu lợn sống, giá lợn hơi đang giảm?

Chênh lệch giá lợn hơi giữa Việt Nam và Thái Lan ở mức cao khiến tình trạng buôn lậu lợn từ Lào, Thái Lan đang diễn ra phức tạp tại các cửa khẩu biên giới.

lon.jpg
Lợn sống được giới thiệu là nhập từ Lào.

Ngày 5/6, giá lợn hơi tiếp tục đà giảm từ 1-3.000 đồng/kg tùy khu vực, duy trì ở mức từ 90.000-99.000 đồng/kg. Trong đó, tại các tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi ở mức 95.000-99.000 đồng/kg (giảm 6.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 1 tuần).

Tuy nhiên, cá biệt vẫn có giá lợn hơi tăng nhẹ trở lại tại một số tỉnh như Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc do nguồn hàng tại địa phương đã cạn, thương lái phải vận chuyển từ xa về khiến chi phí tăng lên.

Ngoài Đắk Lắk có mức giảm 3.000 đồng/kg, tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên giá lợn hơi giữ nguyên, dao động từ 90.000-95.000 đồng/kg.

Tại khu vực phía Nam, giá lợn hơi tiếp tục giảm nhẹ, mức bán giao động từ 92.000 - 96.000 đồng/kg.

Mặc dù giá lợn hơi giảm 4.000-5.000 đồng/kg so với cách đây 1 tuần, nhưng giá thịt lợn tại các chợ giảm không tương xứng, dù sức mua khá chậm. Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh giảm nhẹ, bán ra với mức từ 160.000-180.000 đồng/kg, loại rẻ nhất (xương, móng dò) từ 100.000-120.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn trong siêu thị nhiều loại vẫn cao hơn tại các chợ dân sinh. Trong đó, thịt lợn Vissan vẫn giữ nguyên không thay đổi, loại thịt cao nhất giá gần 269.000 đồng/kg.

Thịt mát Meat Deli cũng có giá khá cao, từ 169.000 - 309.900 đồng/kg, lượng bán ra chậm. 

Bà Trần Thị Thu Phương (Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, đến thời điểm này (ngày 5/6), việc nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam vẫn chưa có hiệu lực, vẫn đang dừng lại ở việc đánh giá rủi ro.

Tuy  nhiên, thực tế cho thấy lợn sống đang được nhập khẩu ồ ạt từ Lào, Campuchia, Thái Lan vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch, hay nói thẳng đây là buôn lậu.

Lợn được nhập lậu từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo đang diễn biến phức tạp khiến UBND tỉnh Quảng Trị phải ra công văn yêu cầu kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng nhập lợn lậu qua các cửa khẩu biên giới.

Thượng tá Hoàng Hữu Thiện - Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) cho biết: Lợn nhập khẩu là từ Thái Lan về qua Lào, được tập kết tại các hộ gia đình, các trang trại sát khu vực biên giới khoảng 4-5km, sau đó tìm cách thẩm lậu vào nội địa Việt Nam.

Tại Thái Lan, giá heo (lợn) khoảng 52.000-55.000 đồng/kg, về tới Campuchia là 73.000 đồng/kg (ngày 5.6). Như vậy, mỗi con lợn khoảng 100kg chở từ biên giới Campuchia, Lào vào Việt Nam, thương lái bỏ túi khoảng 2 triệu đồng.

Lợn sống đang thẩm lậu vào Việt Nam là mối nguy đe dọa đến đàn gia súc chăn nuôi trong nước, bởi đây chính là nguồn lây nhiễm bệnh tật trên gia súc khi lợn sống nhập lậu không được cách ly, kiểm tra dịch bệnh động vật theo quy định.

Bởi vậy, lực lượng quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 có thể kiểm tra, thu giữ và tiêu hủy đối với các trường hợp nhập lậu lợn sống này. Tuy nhiên, rất tiếc là hàng ngày, hàng giờ, lợn sống vẫn đang được thẩm lậu từ bên kia biên giới vào Việt Nam, tỏa ra các địa bàn và dưới bàn tay các lò mổ, lợn nhập lậu đã thành lợn nuôi ở Việt Nam.

Kế hoạch thực hiện Hiệp định biện pháp ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) đến năm 2025.

Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng là cơ sở pháp lý để tổ chức, thực hiện kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của các tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản qua lãnh thổ Việt Nam.

 

thuy-san.jpg

Đồng thời, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng; phối hợp với các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) phù hợp với các quy định của quốc tế và khu vực, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu.

Quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển; khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ như: Tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; đào tạo, tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực cho thanh tra viên tại cảng, cán bộ thanh tra, tổ chức quản lý cảng để thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng; rà soát, chỉ định và công bố cảng chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng; hoàn thiện khung pháp lý, chính sách của Việt Nam đảm bảo tuân thủ Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng và các biện pháp, công cụ quốc tế liên quan; thiết lập cơ chế báo cáo, giám sát, trao đổi thông tin, giải quyết tranh chấp để thực thi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.

Giải pháp thực hiện là phải tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, tổ chức quản lý cảng thông qua các chương trình đào tạo nghề nghiệp, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, viễn thám để triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan; đàm phán đa phương để gia nhập các diễn đàn nghề cá quốc tế và khu vực; xây dựng quy chế phối hợp hành động giữa các lực lượng chức năng với chính quyền các cấp để kịp thời pháp hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về Biện pháp quốc gia có cảng; rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, các quy trình có liên quan…

Cây trồng cạn trên đất lúa ở Bình Định phát huy hiệu quả

Vụ Hè Thu năm nay, tỉnh Bình Định khuyến khích gia tăng diện tích các loại cây trồng cạn chủ lực so với năm trước. Đây là giải pháp hiệu quả đối phó với hạn hán và nâng cao năng suất nông nghiệp.

 

cay-trong-can.jpg

Diện tích trồng đậu phộng trên chân ruộng không có nước ở Bình Định.

 

Các địa phương trong tỉnh Bình Định đã sản xuất trên 11.000 ha cây trồng cạn các loại, chủ yếu là bắp, đậu phụng, vừng và rau các loại; trong đó tăng nhiều nhất là diện tích rau các loại gần 4.000 ha, vừng hơn 2.000 ha…

Một số địa phương chủ động xây dựng cánh đồng sản xuất cây trồng cạn trên đất lúa không có nước tưới, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đây là tín hiệu tích cực để bà con quen dần với việc chuyển đổi cây trồng, chủ động đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là hạn hán.

Ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục Trưởng, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Định cho biết, đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp để đối với hạn hán ngày càng nghiêm trọng, góp phần giảm áp lực nước tưới, đảm bảo thu nhập cho nông dân.

“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là rất cần thiết. Đây là một giải pháp quan trọng thực hiện tái cơ cấu của ngành nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt trong điều kiện thời tiết khí hậu hiện nay sẽ giảm áp lực nguồn nước, giảm áp lực về sâu bệnh và tăng hiệu quả kinh tế cho bà con  nông dân”, ông Cang cho biết.

Đặc sản điều Đắk Lắk cần được xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, nhiều năm liền Việt Nam giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, xuất khẩu hạt điều. Năm 2019, ngành điều Việt Nam xuất khẩu hơn 456.000 tấn điều nhân với kim ngạch đạt 3,5 tỷ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều của thế giới.

Riêng quý 1/2020, xuất khẩu hạt điều đạt 54,7 nghìn tấn, trị giá hơn 660 triệu USD, tăng hơn 19% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Năm nay, ngành điều Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá xuất khẩu hạt điều giảm, ngành điều Việt Nam có thể sẽ phải điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu xuống còn 3 tỉ USD.

 

dieu.jpg

Đáng lo ngại, sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng được từ 20 - 25% nguồn nguyên liệu, do đó, nhiều doanh nghiệp đã nhập điều thô của các nước khác về gắn mác hạt điều Việt Nam, gây ảnh hưởng đến thương hiệu và năng lực cạnh tranh của hạt điều trong nước…

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, Đắk Lắk có 23.800ha điều, đứng thứ 4 cả nước. Tuy nhiên, loại cây này ở Đắk Lắk chỉ được trồng ở những địa bàn khó khăn, đất đai cằn cỗi, thiếu đầu tư chăm sóc, nên năng suất chỉ đạt 10,3 tạ/ha. Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, Đắk Lắk có thể nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của cây điều, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành điều Việt Nam.

“Vấn đề hiện nay của ngành điều Đắk Lắk, chúng tôi nghĩ rằng, tỉnh có những giống điều rất tốt, tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa tập trung, chưa quy hoạch để bảo tồn phát triển những giống điều của địa phương. Do đó, cần xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu của điều địa phương bởi hiện nay hương vị và chất lượng của hạt điều Đắk Lắk được người tiêu dùng và doanh nghiệp hết sức ưa chuộng và chúng tôi đang tập trung thu mua. Hy vọng thời gian tới, lãnh đạo tỉnh quan tâm nhiều hơn trong việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu và bảo tồn nguồn gen phát triển giống điều đặc sản của địa phương”, ông Đặng Hoàng Giang nói.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top