Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 8 năm 2020 | 11:47

Tin 24/7: Nhiều địa phương bị thiệt hại nặng do mưa lớn

Những này qua, mưa lớn trên diện rộng đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại một số địa phương như: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương, TP. HCM,...

mua-lon.jpg

Hiện trường vụ sạt lở đất khiến 2 người tử vong ở Lào Cai. Ảnh: phongchongthientai.mard.gov.vn

 

Tại Lào Cai, vào sáng 6/8 đã xảy ra vụ sạt lở đất khiến vợ chồng ông C., trú tại xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát) thiệt mạng.

Sau khi nhận được thông tin vụ việc, chính quyền địa phương nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tổ chức thu dọn và giúp đỡ gia đình nạn nhân lo mai táng. Những ngày qua, tại xã Phìn Ngan có mưa lớn, nên nguy cơ sạt lở đất rất cao.

Trước đó, trận mưa lớn vào đêm mùng 4 rạng sáng 5/8 khiến nền đường từ trung tâm Sa Pa đi Phan Xi Păng và xã Hoàng Liên bị hư hỏng, sạt lở taluy khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Mưa lớn cũng làm nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, sạt lở nhiều đường giao thông nông thôn...

Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), đêm mùng 5 và mùng 6/8 ở huyện xảy ra mưa lớn, lũ quét đã gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, thuỷ sản, gia súc, gia cầm và nhà cửa của người dân. Tình trạng ngập lụt cục bộ cũng xảy ra tại nhiều nơi. Mưa lớn đã khiến một số tuyến đường và khu vực dân cư xảy ra tình trạng sạt lở, lũ quét. Uớc tính tổng thiệt hại ban đầu hơn 6 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, BCH PCTT&TKCN huyện đã phân công cán bộ xuống kiểm tra và huy động lực lượng tham gia giúp đỡ, di dời tài sản, nhà cửa của người dân đến nơi an toàn. Đồng thời yêu cầu các địa phương tiếp tục chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với mưa lũ.

Tại Yên Bái, thiên tai làm 20 nhà ở huyện Trấn Yên bị hư hỏng do sạt lở taluy, nhiều diện tích lúa và hoa mầu bị thiệt hại, nhiều ao nuôi thủy sản bị tràn. Một số tuyến đường liên xã, đường tỉnh bị nước dâng cao làm ngập sau, chia cắt khiến các phương tiện không di chuyển được…

 

yen-bai.jpg

Nhiều đoạn đường trên địa bàn tỉnh Yên Bái nước dâng lên ngập tới ngang người.

 

Sáng ngày 7/8, trên toàn tỉnh có nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước, và có nguy cơ sạt lở đất gây ách tắc giao thông, đặc biệt là những đoạn đường qua ngầm, đập tràn nước chảy mạnh. 

Trước đó, ngày 5/8, một bé trai 2 tuổi ở xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn) bị nước lũ cuốn trôi, đến sáng 6/8 thi thể bé trai được tìm thấy cách nhà 2 km.

BCH PCTT&TKCN tỉnh Yên Bái đã khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ di dời người và tài sản đến nơi an toàn, khắc phục các tuyến đường sạt lở taluy để đảm bảo giao thông. Tại các khu vực ngầm tràn, bố trí người canh gác, nghiêm cấm các phương tiện đi qua...

UBND huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên cho biết, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tìm thấy thi thể của 2 cháu bé bị lũ cuốn trong đợt mưa lớn xảy ra trong 2 ngày 6 và 7/8.

Ông Nguyễn Minh Phú, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết, sau hơn 1 ngày nỗ lực tìm kiếm, thi thể 2 cháu đã được tìm thấy cách vị trí bị nạn không xa, một cháu được tìm thấy vào buổi trưa, một cháu tìm thấy vào chiều tối 7/8.

 

lu-db.jpg

Mưa lũ tại Điện Biên (Ảnh minh họa)

 

Danh tính các nạn nhân được xác định là Sùng Thị D, sinh năm 2003 bị lũ cuốn trôi tại bản Đán Đanh, xã Mường Tùng và cháu Giàng Thị L, sinh năm 2009 bị lũ cuốn tại bản Huổi Meo, xã Mường Mươn. Hiện chính quyền địa phương đã đến động viên thăm hỏi các gia đình, giúp đỡ lo hậu sự cho các cháu.

Trận mưa lớn vừa qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng đã làm sập đổ 20 ngôi nhà; hơn 500 mét tường bao, tường rào của các công trình dân sinh bị đổ; 23 điểm đường liên xã cũng đã bị ách tắc, sạt lở; 50 mét đường bị sụt lún....Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 7 tỷ đồng.

Theo cảnh báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên, ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam kết hợp với vùng hội tụ gió lên đến 5.000 mét nên dự báo trong ngày 8/8 tại tỉnh Điện Biên vẫn sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 10-30mm/24h, có nơi trên 40mm/24h.

Mưa to đến rất to trong ngày 6/8 đã gây thiệt hại về người và tài sản trên diện rộng cho tỉnh Sơn La.

 

son-la.jpg

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến phố của thành phố Sơn La ngập trong biển nước. ảnh: VOV

 

Tại thành phố Sơn La, 1 người đàn ông bị trượt chân ngã xuống kênh, đến nay chưa tìm thấy nạn nhân.

Tại huyện Bắc Yên, mưa trong nhiều giờ đã làm ngập úng 5 ha ruộng, 20 ao cá bị cuốn trôi. Nhiều đoạn trên tuyến đường vào trụ sở UBND xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên bị sạt lở; tại Km 9+200 tuyến đường Chiềng Phung – Mường Lầm bị sạt taluy dương với khối lượng sạt khoảng 2.300 m3...

Đến sáng nay 7/8, các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục tìm kiếm người đàn ông bị trượt chân ngã xuống kênh tại khu vực thành phố Sơn La.  Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố đang tập trung chỉ đạo, phối hợp cùng nhân dân thực hiện các phương án chủ động ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản.

Còn ở Hưng Yên, đê tả Hồng đã xuất hiện vết nứt dọc theo đê trên chiều dài khoảng 60 m (vết nứt cách mép mặt đê phía sông 2,5-3 m), bề rộng vết nứt 1-2 cm. Hiện địa phương đã cắm biển báo sự cố, rào ngăn phương tiện qua lại, trải vải bạt chống thấm trên mặt đê, khơi rãnh thoát nước mặt đê.

Đợt mưa lớn kéo dài sau bão số 2 đã khiến hơn 540 ha canh tác tại tỉnh Hải Dương bị ngập úng, trong đó có nhiều diện tích ngập nặng. Các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương tiêu thoát nước, bảo vệ lúa và hoa màu.

Bình Giang là huyện bị thiệt hại nặng nhất với trên 134 ha lúa bị úng ngập, tập trung tại xã Thúc Kháng và thị trấn Kẻ Sặt; tiếp đến là các huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện...

Ngay từ đêm qua, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo cho vận hành tối đa 9 trạm bơm ở các huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện, Bình Giang và TP. Chí Linh để chống úng cho lúa và hướng dẫn các địa phương khác như Kim Thành, Thanh Hà, Nam Sách... tận dụng sự chênh lệch của mực nước thủy triều để tháo nước trong đồng ra hệ thống sông lớn.

 

hai-dung.jpg

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương kiểm tra tiêu úng tại Trạm bơm Tiên Kiều (Cẩm Giàng, Hải Dương).

 

Ông Nguyễn Văn Bột, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hải Dương cho biết, đến thời điểm này, những khu vực bị ngập úng nặng cơ bản đã được giải quyết.

"Từ 1/8 đến nay, tại Hải Dương, mưa liên tục, nếu không có sự chủ động trước thì diện tích ngập úng rất lớn và phải bơm nước nhiều. Trước tình hình này, tiếp tục tập trung, tranh thủ thời gian có thể để gạn tháo nước qua các cống ra sông ngoài. Đã có 7 huyện phải vận hành máy bơm và đặc biệt, quan tâm đến nước ở các hồ chứa ở Chí Linh...”, ông Nguyễn Văn Bột cho biết.

Trong khi đó, tại Hải Phòng, mưa lớn cũng khiến mực nước trong các cánh đồng và ngoài sông dâng cao. Tuy nhiên, do có sự chủ động bơm tiêu, hạ mực nước đệm từ trước, trong và sau cơn bão nên đến nay, tại các huyện ngoại thành của Hải Phòng không xảy ra hiện tượng ngập úng.

Song, trước diễn biến bất thường của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng chỉ đạo các công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi phục vụ lúa Mùa 2020; tổ chức trực ban 24/24 giờ, chủ động tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra.

Ông Đoàn Văn Ban, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng) cho biết, lúa mới cấy nên trước khi mưa đã phải hạ nước rồi. Đợt này tiêu nước cũng khá thuận lợi vì đang nước lớn, thủy triều cao nên chân triều thấp, một ngày có thể tiêu được tầm 5, 6 tiếng. Mấy ngày hôm nay liên tục phải tháo nước từ các cửa cống để phòng mưa. Hiện, tình trạng ngập, ảnh hưởng đến sản xuất là không có.

Trong khi đó ở TP. HCM, cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ vào tối 6/8 đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng, như Quận 2, Thủ Đức, Bình Thạnh… Tại “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh, dù hệ thống máy bơm đã hoạt động hết công suất nhưng do lượng mưa quá lớn nên vẫn xảy ra tình trạng ngập.

 

tphcm.jpg

Mưa lớn, người dân vạ vật đến khuya vẫn chưa về đến nhà - Ảnh: CHÂU TUẤN

 

Trước tình trạng ngập xảy ra trên diện rộng, Trung tâm Chống ngập TP. HCM đã huy động hơn 500 công nhân thoát nước tỏa khắp các tuyến đường bị ngập để vớt rác, mở nắp hố ga cho nước thoát nhanh hơn, vận hành hệ thống máy bơm để hỗ trợ những khu vực ngập nước, đồng thời phối hợp Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy sẵn sàng cứu hộ cho các cơ quan, tòa nhà... bị nước tràn vào tầng hầm.

Còn tại Cà Mau, mưa dông kèm theo gió giật mạnh xảy ra trên địa bàn huyện Phú Tân làm sập 1 nhà, tốc mái 4 nhà.

Để tiếp tục ứng phó với mưa lớn và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng BCĐ Trung ương về PCTT đề nghị BCH PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Công văn số 297/VPTT ngày 3/8 của Văn phòng để chủ động ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ.

Các tỉnh, thành phố tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống của nhân dân và sẵn sàng ứng phó với các đợt thiên tai mới. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn kỹ năng nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả, phù hợp với diễn biến thiên tai.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo cảnh báo mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất và khu vực bị ảnh hưởng. Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top