Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 9 tháng 2 năm 2020 | 10:24

Tin ATTP: Kiểm soát thực phẩm an toàn trong mùa dịch corona

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp chủng mới corona đang trong giai đoạn diễn biến phức tạp, việc phòng chống dịch bệnh đang được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, trong đó có việc kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm

Nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn
 
Theo Bộ Y tế, đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những cách giảm nguy cơ mắc chủng virus corona mới, do đó việc chế biến thực phẩm an toàn cũng là một trong những biện pháp để phòng chống dịch corona.
nau-chin-thuc-an_nmxc_thumb.jpg
Thực phẩm phải được nấu chín trước khi ăn
 
Nguyên tắc 1: Chọn thực phẩm an toàn. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh khi lấy ra ngoài không nên cấp đông trở lại.
 
Nguyên tắc 2: Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới 70 độ C.
 
Nguyên tắc 3: Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín. Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì thức ăn càng để lâu càng nguy hiểm.
 
Nguyên tắc 4: Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
 
Nguyên tắc 5: Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, nhất thiết phải được đun kỹ lại.
 
Nguyên tắc 6: Không để lẫn thực phẩm sống và thực phẩm chín. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng dao, thớt để chế biến thực phẩm chín và sống).
 
Nguyên tắc 7: Luôn giữ tay sạch sẽ khi chế biến thực phẩm. Nếu bạn bị nhiễm trùng bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn. Hãy luôn rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước sạch khi chế biến thức ăn.
 
Nguyên tắc 8: Giữ bề mặt chế biến bếp luôn khô ráo, sạch sẽ. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch.
 
Nguyên tắc 9: Bảo vệ thực phẩm khỏi sự xâm nhập của các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác. Giữ thực phẩm trong hộp kín, tủ kính, lồng bàn hoặc tủ lạnh. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch trước khi dùng lại lần nữa.
 
Nguyên tắc 10: Sử dụng nguồn nước sạch. Nước sạch là nước không màu, không mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi nước trước khi làm đá lạnh để uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu ăn cho trẻ.
 
 
Hà Nội phấn đấu giảm 10% mẫu thực phẩm không an toàn
 
TP. Hà Nội đặt mục tiêu năm 2020 có 100% cán bộ làm công tác ATTP các cấp được tập huấn, cập nhật kiến thức về ATTP; 100% các thông tin phản ánh về mất ATTP nông - lâm - thủy sản được xác minh, xử lý kịp thời.
attp.jpg
Hà Nội phấn đấu giảm 10% mẫu thực phẩm không an toàn.
Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản xếp loại A/B đạt 98%; xếp loại C được nâng hạng A/B đạt 90%. Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đạt 90%.
 
Hà Nội phấn đấu tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia được giám sát trên diện rộng giảm 10% so với năm 2019.
 
UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
 
 
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản
 
Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở NN&PTNT Hà Nội vừa kiểm tra tại chợ cá Yên Sở và Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai).
 
Kiểm tra thực tế tại chợ cá Yên Sở cho thấy: Do là chợ tạm nên lều, lán, mái che không được đầu tư cải tạo, rất khó khăn lúc mưa bão; công tác phòng cháy, chữa cháy chưa được đầu tư; một số hạng mục đã xuống cấp, đặc biệt là hệ thống thoát nước, nên công tác vệ sinh chưa tốt.
 
Tại thời điểm kiểm tra, nước thải được xả trực tiếp ra mương nước cạnh chợ… Đoàn kiểm tra tiến hành lấy 1 mẫu cá chép để kiểm nghiệm nhanh. Kết quả kiểm nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với chỉ tiêu phân tích.
chợ-cá-yên-sở.jpg
Kiểm tra tại chợ cá Yên Sở
 
Tại Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam, trung bình có khoảng 700 hộ kinh doanh tại chợ (500 hộ kinh doanh cố định, còn lại là các hộ kinh doanh tạm). Trung bình chợ tiêu thụ 100-120 tấn rau, quả/ngày; 15-20 tấn thủy hải sản, thực phẩm tươi sống/ngày.
 
Qua kiểm tra nguồn gốc tại các hộ kinh doanh, hầu hết các hộ đã có ý thức trong kinh doanh sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có sổ theo dõi xuất, nhập hàng hóa. Tại chợ có hoạt động sơ chế thủy sản tươi sống, phế phụ phẩm được Ban Quản lý chợ thu gom hằng ngày. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước chưa tốt nên nền chợ vẫn còn tình trạng đọng nước, vệ sinh chưa bảo đảm.
 
trung-tâm-kinh-doanh-chợ-đầu-mối-phía-nam.jpg
Đoàn kiểm tra tại Trung tâm chợ đầu mối phía Nam
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, hiện nay 90% sản phẩm nông sản ở chợ đầu mối được trung chuyển, mang đi tiêu thụ ở các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố. Do đó, việc kiểm soát tốt nguồn gốc nông sản ở chợ đầu mối cơ bản giám sát được chất lượng các mặt  hàng nông sản, thực phẩm bán tại chợ dân sinh.
 
Đoàn kiểm tra yêu cầu Ban Quản lý chợ cá Yên Sở và Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam định kỳ đầu tư, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất, các hạng mục phục vụ hoạt động kinh doanh tại các khu vực chợ đã xuống cấp.
 
Cùng với đó, Ban Quản lý chợ cá Yên Sở và Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý, tuyên truyền phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại chợ (đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng chống dịch bệnh, ghi chép xuất nhập hàng hóa...).
 
 
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top