Giá lúa tươi tại ruộng ở nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL lập đỉnh, cao nhất trong 3 năm qua. Trong khi đó, hạn, mặn làm thiệt hại khoảng gần 39.000 ha lúa, với khoảng 20.000 ha mất trắng, khoảng 97.700 hộ dân gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.
Niềm vui được mùa, trúng giá
Những ngày qua, bà con nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân. Thông thường, khi thu hoạch rộ lúa đông xuân, giá lúa trên thị trường sẽ xuống thấp. Nguyên nhân là do lúc đó lượng lúa hàng hóa trên thị trường rất dồi dào.
Năm nay, thương lái không chỉ chủ động tìm đến tận ruộng đặt cọc sớm mà còn thu mua với giá cao 6.800 đồng/kg cho giống lúa RVT. So với thời điểm cuối tháng 2, tất cả giống lúa đều tăng từ 300 - 400 đồng/kg, so với cùng kỳ năm 2019 giá lúa tăng mạnh từ 500 - 1.000 đồng/kg. Càng vào vụ thu hoạch rộ gần đây, giá lúa càng tăng.
Các hoạt động xuất khẩu gạo sôi nổi trong thời gian gần đây đã giúp giá thu mua lúa tươi tại ruộng lập đỉnh, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Với mức giá này người trồng lúa sẽ có thu nhập tốt.
Hiện, ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng hơn 65% trong hơn 1,5 triệu ha diện tích lúa đông xuân. Do đây là thời điểm chuẩn bị giao các đơn hàng đã ký kết nên thị trường lúa, gạo sẽ còn sôi động hơn.
Có thể nói, để có kết quả thắng lợi như trên bởi có sự kết hợp đồng bộ từ việc người dân làm theo khuyến cáo tập trung xuống giống sớm, giúp né được hạn mặn, nhiều trà lúa phát triển tốt, năng suất cao, đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ từ đó bà con có một vụ mùa bội thu.
Gồng mình chống hạn, mặn
Hiện, đã có 5/13 tỉnh ĐBSCL công bố tình trạng hạn mặn khẩn cấp. Tại Bến Tre nước mặn đã bao phủ toàn tỉnh. Theo Bộ NN&PTNT năm nay thiệt hại thấp hơn so với năm 2016 nhưng cường độ hạn mặn lại khốc liệt, gay gắt hơn rất nhiều.
Từ ngày 7 đến 15/3, ranh mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu 100-110 km trên sông Vàm Cỏ; 60 km trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại. Trong khi đó, sông Hàm Luông là 78 km; 70 km trên sông Cổ Chiên và sông Hậu; 62-65 km tại sông Cái Lớn. Các sông còn lại đều cao hơn 3-8 km.
Hiện, xâm nhập mặn làm thiệt hại khoảng gần 39.000 ha diện tích sản xuất lúa với khoảng 20.000 ha lúa mất trắng; 80.000 ha cây ăn trái, khoảng 97.700 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Hệ thống sông rạch cạn khô, nhiều công trình giao thông bị sút lún nghiêm trọng.
Toàn vùng có khoảng 95.600 hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt, trong đó, riêng tỉnh Bến Tre có 20.000 hộ. Trước tình thế khó khăn về nguồn nước, nhiều đơn vị, mạnh thường quân đã 'chi viện' khẩn cấp hàng nghìn khối nước phục vụ người dân.
Ngày 16/3, lãnh đạo Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương đã triển khai hoạt động nước ngọt - sạch cho bà con tại Bến Tre. Đơn vị đã hỗ trợ miễn phí người dân TP Bến Tre và các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Giồng Trôm với tổng 6.000m³ nước.
Đây là nước ngọt, sạch đã được công ty xử lý, có thể sử dụng ăn uống và sinh hoạt. Ước kinh phí hỗ trợ (bao gồm thuê sà lan chuyên chở) trên 500 triệu đồng. Trước đó, ngày 15/3, tại chân cầu Vàm Mơn, xã Phú Sơn, Hải đoàn 129 (Quân cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân) đã đưa tàu vận tải cấp nước ngọt hỗ trợ nhân dân huyện Chợ Lách khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt do xâm nhập mặn. Dịp này, Hải đoàn 129 cấp trên 1.000m³ nước ngọt cho bà con ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chợ Lách.
Tại Tiền Giang, để giảm thiệt hại cho vườn cây sầu riêng, UBND tỉnh Tiền Giang đã có chủ trương dùng sà lan có trọng tải lớn chở nước từ đầu nguồn về cấp miễn phí cho nhà vườn phun tưới cây.
Mỗi ngày, HTX Vận tải Rạch Gầm (TP Mỹ Tho) huy động trên 20 sà lan chở trên 20.000m³ nước ngọt về cung ứng cho các xã ven sông thuộc huyện Châu Thành và Cai Lậy. Lượng nước này được bơm vào các ao, mương trữ, sau đó chính quyền các địa phương cấp phát cho các nhà vườn trồng cây sầu riêng. Mỗi hécta nhà vườn được cấp miễn phí 20m³ nước ngọt. Thời gian hỗ trợ đến hết tháng 4/2020, với tổng nhu cầu nước tưới gần 1,38 triệu m3.
Ngoài phương án hỗ trợ của tỉnh người dân còn chủ động mua nước về tưới cho trên 36.000ha vườn cây ăn trái phía Nam Quốc lộ 1 đang bị thiếu nước thuộc địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy, mà trước mắt là ‘giải cứu’ cho hơn 13.000ha sầu riêng đang thiếu nước, nhất là số đang bị suy kiệt.
Trước tình hình hạn mặn diễn biến hết sức khốc liệt ở ĐBSCL, hưởng ứng lời kêu gọi của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (Bộ NN&PTNT), Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã mở quỹ khẩn cấp toàn cầu hỗ trợ người dân ĐBSCL chống chọi với hạn mặn.
UNDP đã phối hợp cùng Tổng cục Phòng, chống thiên tai thành lập các đoàn đánh giá nhanh về hạn mặn, cung cấp thông tin để các thành viên khác trong Đối tác có cơ sở hỗ trợ.
Ngày 17/3, UNDP đã chính thức trao cho nhân dân ĐBSCL thông qua Bộ NN&PTNT gói hỗ trợ 185.000 USD từ quỹ khẩn cấp toàn cầu để hỗ trợ ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL.
Các hoạt động của UNDP bao gồm: Cung cấp 300 bồn trữ nước cho các hộ dân chịu ảnh hưởng tại Bến Tre và hỗ trợ sinh kế cho 176 hộ ở Cà Mau. Họat động đánh giá tác động của hạn hán đến sinh kế, khả năng tiếp cận nước ngọt, sụt lún đất. Hỗ trợ về đối thoại chính sách trong phòng chống thiên tai hạn mặn. Ứng dụng công nghệ di động để cập nhật thiệt hại do thiên tai, trong đó có hạn mặn.
Theo Viện khoa học Thủy lợi Miền Nam dự báo từ ngày 15/3 đến 6/4 mặn sẽ giảm dần, phạm vi cách biển từ 35 - 40 km trở vào ở cửa sông cửu Long có khả năng có nước ngọt khi triều thấp. Vì vậy, khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quan trắc và tập trung tối đa phương tiện để lấy nước ngọt trong thời gian này.
Tuy vậy, trên sông Hàm Luông, cửa Tiểu, cửa Đại mặn vẫn còn khá cao.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…